Phát hiện nhiều vụ nhập linh kiện sản xuất thuốc lá điện tử
VHO - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) cho biết, thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) không chỉ được nhập lậu vào Việt Nam, mà đã xuất hiện các các nhân, công ty nhập linh kiện, tinh dầu và tổ chức gia công, sản xuất tại Việt Nam với số lượng lớn.
Báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý cho biết, ngày 11.7.2024, Công an huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng kiểm tra khách sạn Friends ở thôn Chu Vườn, xã Kênh Giang, Thủy Nguyên, Hải Phòng phát hiện 106.833 sản phẩm thuốc lá điện tử, cùng 95.710ml tinh dầu và nhiều linh kiện, công cụ, phương tiện để sản xuất thuốc lá điện tử. Cơ sở này do người Trung Quốc sang thuê người Việt Nam quản lý, điều hành và sản xuất thuốc lá điện tử.
Trước đó, ngày 29.9.2023, do Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Tân Bình, TP.HCM kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Hapina tại Phường 2, quận Tân Bình sản xuất thuốc lá điện tử giả nhãn mác sản phẩm của công ty ở Mỹ. Lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 100.000 sản phẩm thuốc lá điện tử, nhiều hóa chất, linh kiện để sản xuất thuốc lá điện tử. Tổng trị giá 121 tỉ đồng; khởi tố 1 bị can về tội danh sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Ngày 5.10.2023, PC03 Công an tỉnh Hà Nam phối hợp Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện công ty TNHH KHKT Vĩnh Phát tại Phủ Lý, Hà Nam đang gia công, sản xuất thuốc lá điện tử. Lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 108.000 sản phẩm thuốc lá điện tử và xử lý hành chính về hành vi “kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ”. Ngày 13.10.2023, Quản lý thị trường phối hợp với Công an Bắc Ninh kiểm tra, thu giữ hơn 103.000 sản phẩm thuốc lá điện tử tại công ty TNHH điện tử Thiên Long (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Đồng thời, tiến hành xử lý hành chính về hành vi “kinh doanh hàng hóa nhập lậu”.
Không chỉ mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, mà qua theo dõi của Bộ Công an, những năm gần đây, hành vi pha tẩm ma túy vào thuốc lá thế hệ mới trên thế giới và ở Việt Nam diễn biến rất phức tạp, nhất là trên không gian mạng, các sàn thương mại điện tử...
Vào tháng 9.2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã phát hiện, triệt phá kho sản xuất thuốc lá điện tử có bơm, tẩm chất ma túy với số lượng lớn ở Hoàng Mai, Hà Nội do Lê Anh Thơ cầm đầu.
Ngoài ra, lực lượng Công an toàn quốc cũng đã khám phá ra nhiều vụ các đối tượng sản xuất, mua bán cốt CBD (có chứa cần sa tổng hợp) để bơm, tiêm vào thuốc lá điện tử.
Điều đáng lưu ý là đối tượng bị tác động, lôi kéo sử dụng chủ yếu là giới trẻ. Số vụ, số đối tượng, vật chứng bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ tăng mạnh về số lượng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Các đối tượng thường xuyên tạo ra các sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy (Ampire, găngster, Amtestdam, Bestas, Wukong…) với nhiều mẫu mã, tên gọi, hương vị, chất ma túy khác nhau.
Chúng quảng cáo (chủ yếu lợi dụng không gian mạng) các sản phẩm này với nội dung gây hiểu lầm (có tác dụng thần kỳ, tạo khoái cảm, tăng lực, không có chất cấm, không có tác hại…) nhằm thu hút giới trẻ; đối phó với sự phát hiện, ngăn cấm, lên án của gia đình, xã hội, sự đấu tranh của lực lượng chức năng.
Theo Bộ Công an, nếu chỉ nhìn bề ngoài rất khó phân biệt được đâu là ma tuý “núp bóng”, đâu là sản phẩm tiêu dùng bình thường. Ngoài ra, chúng còn thường xuyên thay đổi, sử dụng các chất ma túy mới, chưa được quy định trong Danh mục chất ma túy của Chính phủ quy định để tạo các sản phẩm thuốc lá điện tử có thành phần chất ma túy mới nhằm tránh bị xử lý.
Qua kết quả đấu tranh cho thấy, chất ma túy cho vào thuốc lá điện tử chủ yếu là dòng cần sa tổng hợp, như: XRL11; MDMB - 4en – PINACA; ADB – BUTINACA; ADB – 4en –PINACA; ADB – PINACA…
Chúng thường xuyên thay đổi, sử dụng các chất ma túy mới, chưa được quy định trong Danh mục chất ma túy của Chính phủ (Nghị định 90 bổ sung 14 chất ma túy mới vào Danh mục các chất ma túy) quy định để tạo các sản phẩm thuốc lá điện tử có thành phần chất ma túy mới nhằm tránh bị xử lý như MDMB – BUTICA; ADB-ICA; MDMB-ICA.
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng mua bán, sử dụng ma túy “núp bóng”, thuốc lá điện tử, Bộ Công an đã có Công văn số 10/ BC-BCA-C04, ngày 4.1.2023, báo cáo đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UB Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm về tình hình ma túy “núp bóng”. Đồng thời đề xuất chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tiến hành các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thuốc lá điện tử, hàng hóa, thực phẩm, đồ uống có chất cấm, không có nguồn gốc xuất xứ…
Thực hiện Công điện số 47/CĐ-TTg, ngày 13.5.2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an cũng đã có Công văn chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương tập trung các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá thế hệ mới, nhất là việc pha trộn ma túy vào thuốc lá điện tử.