Mô hình pháp luật nào bảo vệ người chưa thành niên

VHO- Hội thảo quốc tế Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức vừa qua đã có chung nhận định, hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Mô hình pháp luật nào bảo vệ người chưa thành niên - Anh 1

 Một phiên tòa lưu động tại trường học

Việc tiếp tục cải cách pháp luật và nâng cao năng lực hệ thống tư pháp hình sự dành cho đối tượng này ở nước ta hiện đang là nhu cầu rất cấp bách.

Ai là trẻ em?

PGS.TS Trần Hoàng Hải, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng lĩnh vực tư pháp hình sự người chưa thành niên được xây dựng trên cơ sở nhận thức của xã hội về thể chất và tâm lý của người chưa thành niên được phát triển toàn diện, và từ nhận thức trên đã hình thành nên mục đích của các nhà làm luật là nhằm bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục họ trở thành người có trách nhiệm trong xã hội. Tuy nhiên, nhìn nhận theo một cách khách quan, hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Trước thực trạng đó, việc tiếp tục cải cách pháp luật và nâng cao năng lực hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên ở nước ta là một nhu cầu cấp bách và cần thiết.

Theo các chuyên gia, hiện nay việc thẩm vấn và tranh tụng còn đang trong quá trình chuyển đổi khi áp dụng đối với người chưa thành niên, mô hình nào bảo vệ được quyền cho người chưa thành niên thì vẫn chưa có câu trả lời. Bên cạnh đó, việc thẩm vấn không đúng có thể đặt người chưa thành niên vào hoàn cảnh không được bảo vệ và có nguy cơ bị xâm hại nhiều hơn. Do đó, khi cần thẩm vấn, xét hỏi có thể sử dụng các biện pháp phù hợp với người dưới 18 tuổi dựa trên các nguyên tắc chung để không khiến cho họ trở thành nạn nhân...

GS.TS Shruti Bedi đến từ Viện Nghiên cứu pháp lý (UILS), ĐH Panjab, Chandigarh (Ấn Độ) cho rằng, một trong những vấn đề khó khăn nhất của tư pháp hình sự là cung cấp một khung pháp lý rõ ràng để giải quyết việc chuyển tiếp từ giai đoạn thơ ấu sang người lớn. Câu hỏi “Ai là trẻ em?” là chủ đề thu hút sự chú ý của các cơ quan tài phán quốc tế. Mỗi quốc gia có sự phân biệt giữa định nghĩa “trẻ em” và “người lớn” theo những cách khác nhau, dựa trên sự đa dạng của các yếu tố được xem xét, phụ thuộc vào hệ thống kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa... Quốc hội Ấn Độ đã ban hành Luật tư pháp (chăm sóc và bảo vệ) người chưa thành niên năm 2015, tuy nhiên, đạo luật này đã có một số thay đổi mang tính tranh cãi. Một trong những thay đổi đó là nhóm độ tuổi từ 16 đến 18 được xét xử như người lớn trong một số trường hợp cụ thể.

Chuyên gia này cũng đề cập đến những dấu hiệu bất thường tại quy định điều chỉnh việc chuyển tiếp từ trẻ em sang hệ thống áp dụng đối với người lớn ở Ấn Độ, từ đó dẫn đến những mâu thuẫn và bất hợp lý, đặc biệt trong vấn đề đối xử với người phạm tội chưa thành niên. “Một số nhà phê bình đồng ý xóa bỏ tòa án người chưa thành niên, bắt nguồn từ quan điểm cho rằng những tòa án này đã không đủ trừng phạt, trong khi những người khác lại cho rằng hệ thống tòa án này đã bỏ qua quyền tố tụng của người chưa thành niên. Vì thế, cần định nghĩa “trẻ em” hay “người phạm tội chưa thành niên” căn cứ vào các văn kiện quốc tế hiện hành”, GS.TS Shruti Bedi nói.

Cần cụ thể những công tác cần thiết

Quan tâm về vấn đề bảo vệ quyền con người trong việc quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, PGS.TS Trịnh Tiến Việt, Phó Chủ nhiệm khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, Việt Nam đã có một chính sách tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ nhằm bảo đảm quyền con người trong quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, có cơ quan và thủ tục chuyên biệt cùng các cơ chế hỗ trợ khác để bảo đảm thực thi chính sách đó, đáp ứng đầy đủ và cơ bản các chuẩn mực pháp lý quốc tế. Tuy nhiên, thực tế là việc đảm bảo quyền con người trong quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội vẫn có một số tồn tại, hạn chế nhất định, là thách thức rào cản nhất định đòi hỏi phải nhận diện để có giải pháp.

Bàn về quy định biện pháp tạm giam đối với người chưa thành niên trong tố tụng hình sự Việt Nam, các chuyên gia đến từ Khoa Luật, Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân TP.HCM nói rằng, biện pháp tạm giam có vai trò quan trọng trong quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng... Thực tiễn đã chứng minh biện pháp này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, đây là biện pháp nghiêm khắc và ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân mà nhất là đối với người chưa thành niên. Theo TS Nguyễn Đức Nguyên Vỵ, Luật sư thuộc Đoàn luật sư bang California (Hoa Kỳ): “Pháp luật Việt Nam cần cụ thể và định lượng hóa những công tác cần thiết để giúp đỡ người chưa thành niên xây dựng nhân cách và chuộc lại lỗi lầm với sự chung tay của gia đình, xã hội và chính quyền địa phương trong quá trình chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng”.

Đánh giá một số quy định của pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam đối với phạm nhân là người chưa thành niên trên cơ sở so sánh với các quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế, TS Lê Huỳnh Tấn Duy, Trưởng bộ môn Luật tố tụng hình sự, Khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng, việc đối xử với người chưa thành niên bị tước tự do, đặc biệt trong thời gian họ đang chấp hành án phạt tù, là một trong những vấn đề quan trọng của hệ thống tư pháp hình sự. Liên Hợp Quốc đã xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn mang tính quốc tế về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách nhất định giữa pháp luật Việt Nam và các quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế về việc đối xử với phạm nhân là người chưa thành niên…

Bàn về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trong quy định của Bộ luật Hình sự, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TPHCM chia sẻ: “Đây là biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên. Mặc dù biện pháp này được quy định ngay trong Bộ luật Hình sự đầu tiên của Việt Nam và duy trì cho đến nay, nhưng rất ít tài liệu phân tích về bản chất và mục đích của biện pháp này, cũng như căn cứ đặc thù trong việc áp dụng biện pháp này”. 

 

 KIỀU GIANG

Ý kiến bạn đọc