Đấu tranh với tội phạm mua bán người, cuộc chiến không khoan nhượng
VHO - Theo đánh giá của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), những năm gần đây, khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam), tình hình tội phạm mua bán người rất phức tạp. Số nạn nhân bị mua bán khoảng là 11,7 triệu người (chiếm 70% số nạn nhân bị mua bán trên thế giới, trong đó 55% là phụ nữ, trẻ em gái; 45% là nam giới). Ước tính mỗi năm lợi nhuận từ hoạt động tội phạm mua bán người tại khu vực này đạt hàng chục tỉ đô la.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2021, đã phát hiện xảy ra gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân (từ năm 2019 đến nay, đã phát hiện xảy ra hơn 370 vụ, với gần 500 đối tượng, lừa bán hơn 550 nạn nhân). Tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê.... Trong đó, có nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh, bào thai sang Trung Quốc; mua bán nội tạng; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Gần 85% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Cam-pu-chia, Lào và Trung Quốc, trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%.
Điển hình là Chuyên án mang bí số A321.2 của Cục phòng chống tội phạm và ma tuý (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng). Năm bắt thông tin về các hội, nhóm“Cho nhận con nuôi”, “Hỗ trợ phụ nữ mang thai” trên mạng xã hội, trinh sát của Cục đã thâm nhập và nắm được hoạt động của một đường dây mua bán phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh từ Việt Nam sang Trung Quốc. Hơn 3 tháng triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ, qua nhiều địa bàn (Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng và Quảng Ninh), ngày 18/3/2021, tại biên giới thuộc Đồn Biên phòng Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, lực lượng đấu tranh chuyên án bắt quả tang 3 đối tượng; giải cứu 1 phụ nữ có thai và 1 trẻ sơ sinh 10 ngày tuổi. Mở rộng điều tra, lực lượng đấu tranh chuyên án đã phối hợp với Công an Hà Nội, BĐBP tỉnh Thái Bình bắt tiếp 2 đối tượng trong đường dây.
Cháu bé Master Nadol Meethai cho đại diện Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Hà Nội
Một vụ án khác là vụ mua bán người dưới 16 tuổi do Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, khởi tố tháng 1.2021. Nạn nhân là cháu bé Master Nadol Meethai, quốc tịch Thái Lan, sinh ngày 20.4.2020. Sau khi đường dây mua bán người được Công an tỉnh triệt phá, ngày 23.6.2021 tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh, Sở Lao động - TB&XH, Sở Ngoại vụ và Công an tỉnh đã tổ chức bàn giao cháu bé Master Nadol Meethai cùng toàn bộ bản gốc các loại giấy tờ tùy thân của cháu bé cho đại diện Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Hà Nội để làm các thủ tục hồi hương cho cháu bé về nước.
Để "lừa" được các nạn nhân sa bẫy, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng mua bán người rất tinh vi và xảo quyệt. Chúng lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài, trong đó trên 85% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em. Thời gian gần đây, đối tượng phạm tội lợi dụng chính sách mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép. Sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.
Đối tượng phạm tội chủ yếu là số đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người (chiếm 22%); người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng thăm quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế. Một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hay kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới thông thạo địa bàn đã tham gia hoạt động phạm tội.
Một đối tượng mua bán người bị Bộ đội Biên phòng Lào Cai bắt giữ
Phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp, đặc biệt là trong xu thế tình hình tội phạm trên thế giới và khu vực ngày càng gia tăng. Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã tổ chức điều tra cơ bản nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm mua bán người. Điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và bảo vệ nạn nhân. Hàng năm, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, trọng tâm trên các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Cam-pu-chia, Lào và Trung Quốc. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, lực lượng chức năng các nước, tổ chức quốc tế, nhất là, cơ quan chức năng nước có chung đường biên giới, nước có đông nạn nhân là người Việt Nam, nhằm trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng, xác định đầu mối phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã đối tượng phạm tội và giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân bị mua bán. Đồng thời các cơ quan tiến hành tố tụng nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm; phối hợp chặt chẽ trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự vụ án mua bán người; lựa chọn án điểm và tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án mua bán người; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự, đặc biệt với nạn nhân là trẻ em. Các nạn nhân của các vụ mua bán người cũng được bảo vệ an toàn và được giữ bí mật thông tin, đồng thời được hỗ trợ các thủ tục pháp lý và các chế độ, chính sách.
Việt Nam cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; Chỉ đạo thực hiện Công ước TOC, Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em bổ sung cho Công ước TOC; Tuyên bố chung và Kế hoạch phối hợp hành động Tiểu vùng sông Mê - Kông về phòng, chống mua bán người; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Thực hiện các hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam với Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc và bản ghi nhớ với Vương quốc Anh về phòng, chống mua bán người; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng, đàm phán, ký kết, gia nhập và tổ chức triển khai thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế song phương về phòng, chống mua bán người với các nước khác trong khu vực hoặc có đông nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán. Phối hợp, trao đổi thông tin với Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), Hiệp hội Cảnh sát các quốc gia Đông Nam Á (Aseanapol); lực lượng chức năng các nước láng giềng, các nước có đông nạn nhân là người Việt Nam để trao đổi thông, thiết lập đường dây nóng, xác định cơ quan đầu mối phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán.
HOÀNG HƯƠNG