Chủ tịch công ty trồng rừng hầu tòa vì hủy hoại hơn 30.000m² rừng tự nhiên
VHO - Dù chưa hoàn tất thủ tục thuê đất, công ty của bị cáo Phúc vẫn tự ý phát dọn và trồng rừng trên diện tích rừng tự nhiên phục hồi, gây thiệt hại hơn 101m³ gỗ, trị giá hơn 365 triệu đồng.

Trồng rừng bằng cách phá... rừng
Ngày 14.7, TAND tỉnh Gia Lai mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba. Trong số các bị cáo có Lê Hoàng Phúc, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) một công ty hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng.
3 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Lê Hoàng Phúc (SN 1954, trú tại Đồng Tháp), Lục Văn Khoa (SN 1970, trú tại Đắk Lắk), Lê Văn Tuyển (SN 1987, trú tại Đắk Lắk).
Theo cáo trạng, năm 2017, Công ty TNHH Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai do bị cáo Phúc làm Chủ tịch HĐTV đã lập hồ sơ xin thuê đất tại xã Chư Drăng, huyện Krông Pa (cũ) để thực hiện dự án trồng rừng.
Ngày 13–14.3.2017, đoàn liên ngành gồm Sở NN&PTNT (cũ), Sở TN&MT (cũ), UBND huyện Krông Pa (cũ), Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba, UBND xã Chư Drăng cùng Công ty Phúc Phong và Công ty TNHH Trắc địa bản đồ Nhật Tuấn đã tiến hành khảo sát, đo đạc khu vực đề xuất thuê – thuộc tiểu khu 1395 và 1396, với diện tích gần 860ha.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, ngày 17.4.2017, ông Phạm Đình Thọ, Giám đốc Công ty Nhật Tuấn đã lập bản đồ hiện trạng vị trí có sai sót nghiêm trọng. Cụ thể, một phần diện tích tại lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 1396 vốn là rừng tự nhiên đã bị xác định nhầm là đất chưa sử dụng.

Mặc dù chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất và chưa được UBND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định cho thuê, Công ty Phúc Phong vẫn tiến hành các hoạt động chuẩn bị trồng rừng tại xã Chư Drăng, huyện Krông Pa (cũ), dựa trên công văn: số 1551 ngày 24.4.2017 của UBND tỉnh Gia Lai (về việc thống nhất cho Công ty Phúc Phong làm chủ đầu tư dự án trồng rừng) và số 2144 ngày 14.6.2017 (về triển khai công tác trồng rừng năm 2017).
Theo đó, tỉnh cho phép công ty phát dọn thực bì, đào hố chuẩn bị trồng rừng trên phần đất lâm nghiệp chưa có rừng và không có tranh chấp. Ngày 26.6.2017, ông Lê Hoàng Vĩnh Phong – Giám đốc Công ty Phúc Phong – ký cam kết chỉ phát dọn hiện trạng đất không có rừng, cam kết tuyệt đối không tác động đến rừng tự nhiên và các khu vực có cây lớn.
Ngày 3.7.2017, Công ty Phúc Phong và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba lập biên bản bàn giao hiện trường để phát dọn thực bì, trong đó nhấn mạnh phải tuân thủ nội dung cam kết ngày 26.6 – chỉ làm trên đất không có rừng và không có tranh chấp.
Tuy nhiên, Công ty Phúc Phong đã tự ý tổ chức phát dọn thực bì trước khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép trồng rừng. Đến ngày 18.7.2017, ông Phong ký quyết định thành lập Ban chỉ huy công trường, giao ông Trần Thế Anh làm chỉ huy trưởng, ông Lục Văn Khoa làm chỉ huy phó – chịu trách nhiệm điều hành tại hiện trường.
Tiếp đó, ngày 30.7.2017, Công ty Phúc Phong ký hợp đồng liên kết trồng rừng tại tiểu khu 1395, 1396 với một số cá nhân gồm: Lục Văn Khoa, Lê Văn Tuyền, Đàm Quốc Hoàn, Vũ Văn Thành, Y Thiên Mlô và Ka Rim.
Tuy nhiên, sau khi ký kết, ông Lê Hoàng Phúc – với tư cách cá nhân và không thông qua công ty – đã cùng với Khoa và Tuyền tiến hành phát dọn thực bì và trồng cây keo lai trên diện tích có rừng tự nhiên, vi phạm cam kết và vượt quá phạm vi được phép.
Có dấu hiệu hủy hoại rừng
Giữa năm 2018, Lê Văn Tuyền và Lục Văn Khoa đã tự ý tổ chức phát dọn 30.000m² rừng tự nhiên tại tiểu khu 1396, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa (cũ), khi khu vực này chưa được cấp phép trồng rừng. Việc phát dọn diễn ra dưới sự chỉ đạo của ông Lê Hoàng Phúc.
Ngày 16.10.2018, lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba phát hiện hành vi phát dọn trái phép và yêu cầu dừng ngay hoạt động. Tuy nhiên, Tuyền vẫn tiếp tục chỉ đạo cho phát dọn rừng, bất chấp yêu cầu của cơ quan chức năng.
Đến ngày 19.10.2018, lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản hiện trường, xác định 30.000m² rừng tự nhiên đã bị hủy hoại. Khu vực này thuộc loại rừng sản xuất, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba trực tiếp quản lý.
Ngày 11.12.2018, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa (cũ) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Hủy hoại rừng.
Cơ quan điều tra sau đó phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường. Kết quả xác định diện tích rừng bị chặt phá nằm tại lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 1396, là rừng tự nhiên phục hồi (TXP), thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba.

Tại hiện trường vụ phá rừng, lực lượng chức năng phát hiện rõ dấu vết chặt hạ cây. Qua kiểm tra, cơ quan chuyên môn xác định có hơn 101m³ gỗ bị khai thác trái phép, tổng giá trị thiệt hại hơn 365 triệu đồng. Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Pa (cũ) đánh giá hành vi của các cá nhân liên quan có dấu hiệu phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phiên sơ thẩm đầu tiên vào tháng 8.2023, TAND huyện Krông Pa đã tuyên phạt Lê Hoàng Phúc 3 năm 6 tháng tù, Lục Văn Khoa 2 năm 3 tháng tù, Lê Văn Tuyển 2 năm tù
Sau đó, cả ba bị cáo đồng loạt kháng cáo, cho rằng mình bị oan. Đến tháng 12.2023, TAND tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm và tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Tháng 2.2025, phiên sơ thẩm được mở lại. HĐXX tuyên tăng hình phạt đối với cả ba bị cáo Phúc 3 năm 8 tháng tù, Khoa 2 năm 6 tháng tù, Tuyển 2 năm 4 tháng tù
Tại phiên phúc thẩm ngày 14.7 mới đây, các bị cáo tiếp tục kêu oan. Luật sư bào chữa cho rằng quá trình điều tra có nhiều vi phạm tố tụng. Tuy nhiên, đại diện VKSND tỉnh Gia Lai vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.
Do nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, sau phần tranh tụng, HĐXX phúc thẩm quyết định tạm hoãn tuyên án để có thời gian nghiên cứu thêm. Dự kiến, bản án sẽ được tuyên vào chiều 18.7.
Theo HỒ HẢI NAM/Người Đưa Tin
Link bài viết gốc