Thương mại điện tử liệu có hụt hơi?

NAM VIỆT

VHO - Trước thông tin “3 ông lớn” bán lẻ Trung Quốc là Temu, Taobao và 1688 đổ bộ vào Việt Nam tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ có sự “hụt hơi” ngay trên sân nhà.

 Muốn biết sự tình ra sao thì trước tiên hãy xem bức tranh TMĐT của Việt Nam thời gian qua. Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III và dự báo quý IV năm nay được nền tảng dữ liệu TMĐT Metric phát hành qua thu thập dữ liệu trên 5 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam là Shopee, Lazada, Sendo, Tiki và TikTok Shop trong khoảng thời gian từ ngày 1.7 - 30.9.2024, cho thấy: 9 tháng đầu năm 2024 thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với tổng doanh số đạt 227,7 nghìn tỉ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023; sản lượng đạt 2,430 triệu sản phẩm, tăng 49,8% so với 9 tháng đầu năm 2023; hơn 580.000 shop đang hoạt động. 

Cùng đó, theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2023 trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỉ USD. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh nhất của Đông Á và trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo số liệu của Cục TMĐT và Kinh tế số, hiện có hơn 61 triệu người Việt mua sắm online và giá trị mua bình quân mỗi người khoảng 336 USD/năm. 

Trở lại với các sàn TMĐT giá rẻ từ Trung Quốc, mới đây nhất là Temu, cho dù chưa đăng ký kinh doanh TMĐT với cơ quan quản lý nhưng người dùng đã có thể tải App và mua hàng “thứ gì cũng có”, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt. Người mới đăng ký app được mua nhiều món với giá giảm 30% và nếu mua đủ số lượng thì có thể giảm tới 70%. Cứ giới thiệu được 1 người tải App, đăng ký mua hàng thành công thì nhận được 150.000 đồng tín dụng. Giới thiệu 10 người thì có 1,5 triệu; 100 người thì có 15 triệu tín dụng. Đây chính là lý do vì sao Temu “nóng”. Tuy nhiên việc chuyển đổi từ tín dụng thành tiền mua hàng không phải được thực hiện ngay lập tức, người mua hàng cũng chỉ được thanh toán bằng thẻ visa. 

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), hiện chưa có đánh giá cụ thể về vấn đề này bởi Temu mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam. Nhưng trước việc giá hàng hóa, sản phẩm quá rẻ có thể sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa sản xuất trong nước, Cục sẽ theo dõi và tổng hợp thông tin. Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công thương nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan. 

Như vậy, rõ ràng TMĐT Việt Nam đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, nếu không có sự chuyển biến mang tính bước ngoặt thì rất có thể doanh nghiệp bán lẻ sẽ rất chật vật ngay trên sân nhà, khi mà các “tay chơi” với nền tảng bán hàng giá rẻ xuyên biên giới chính thức vào Việt Nam với lợi thế công nghệ, hạ tầng logistics, khả năng tiếp cận người tiêu dùng bằng cách tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giá cả. Lo lắng trước sức ép đến từ bên ngoài, theo Vietnam Report, 83,3% doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, quản lý thuế đối với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới và kiểm soát hàng hóa nhập khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. 

Điều đó có thể thông cảm được, nhưng quan trọng hơn chính là việc thay đổi mang tính bước ngoặt tự thân doanh nghiệp vì sự hỗ trợ nếu có cũng không thể lâu dài trong môi trường cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng dư địa mua bán trực tuyến của Việt Nam còn rất lớn. Điều đó đúng, nhưng quan trọng là dư địa ấy rơi vào tay ai.