Vi phạm bản quyền tác phẩm trên môi trường số:

Thủ đoạn ngày càng tinh vi, bất chấp chế tài xử phạt

ĐÌNH TOÁN

VHO - Tại Việt Nam, một số vụ án vi phạm bản quyền trên môi trường số đã và đang bị xử lý. Mặc dù mức xử phạt cho những hành vi này đang ngày càng tăng nặng, nhưng trên thực tế, các đối tượng vẫn ngang nhiên vi phạm với nhiều thủ đoạn tinh vi nên để xử lý triệt để là điều không dễ dàng…

Thủ đoạn ngày càng tinh vi, bất chấp chế tài xử phạt - ảnh 1

Vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp (ảnh: website phát tán phim lậu www.phimmoi.net)

Cùng với đó, việc ngành sáng tạo nội dung số đang tăng trưởng nhanh chóng cũng kéo theo nhiều thách thức trong bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý thực thi quyền tác giả, quyền liên quan.

Cản trở quá trình đổi mới, sáng tạo

Theo Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), một số dạng vi phạm bản quyền nội dung số phổ biến tại Việt Nam gồm: IPTV (truyền hình Internet), phim số, truyện số, phát trực tiếp các trận đấu thể thao, chương trình biểu diễn… Cùng với đó, trên không gian mạng có khoảng hơn 200 website giao diện tiếng Việt hiện đang có hoạt động xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Thiếu tá Lê Anh Tuấn thông tin, công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn bởi số lượng nội dung có dấu hiệu vi phạm bản quyền trên không gian mạng là quá lớn và xuyên biên giới. Lợi dụng một số kẽ hở, tội phạm dễ dàng tải về các nội dung đã đăng ký bản quyền, có giá trị. Đặc biệt, một trong những thủ đoạn các đối tượng thường xuyên sử dụng là ẩn danh. Các website cung cấp nội dung vi phạm bản quyền chủ yếu thuê, đặt máy chủ, đăng ký tên miền nước ngoài hoặc sử dụng dịch vụ ẩn danh (CloudFlare) che giấu thông tin đăng ký. Chúng còn thuê/ mượn căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, sim điện thoại “rác”, sử dụng tiền ảo/tiền điện tử để làm dịch vụ quảng cáo gây khó khăn cho công tác xác minh, điều tra…

Theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra đã triển khai nhiều biện pháp xử lý vi phạm, trong đó có khởi tố hình sự, xử phạt vi phạm hành chính, ngăn chặn truy cập. Cụ thể, cơ quan điều tra đã khởi tố 4 vụ án hình sự, 4 bị can. Trong đó, có 2 vụ án xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan qua công nghệ IPTV, ứng dụng Bestbuy IPTV và Aplay-TV; 2 vụ án xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan qua website phát chiếu phim www.phimmoi.net, www. bilutv.net. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã phối hợp với Thanh tra Bộ VHTTDL tiến hành kiểm tra 122 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra máy tính 2.966; xử phạt hành chính 111 doanh nghiệp vi phạm bản quyền chương trình phần mềm máy tính với số tiền khoảng 3.330.000.000 đồng.

Cố vấn pháp lý cấp cao Ban Tôn trọng sở hữu trí tuệ của WIPO Xavier Vermandele nhận định, vi phạm bản quyền trên môi trường số đang kéo theo rất nhiều hệ lụy, làm giảm giá trị tác phẩm, cản trở quá trình đổi mới, sáng tạo. Chỉ khi nhà sáng tạo được trả công xứng đáng, họ mới có động lực và sự khích lệ để tiếp tục sản xuất các nội dung mới. Thực thi bản quyền hiệu quả không chỉ bảo vệ quyền của người sáng tạo mà còn mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp, để họ mạnh dạn đầu tư vào các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Trước thực trạng trên, Thiếu tá Lê Anh Tuấn đề nghị, để chống lại vi phạm bản quyền trong bối cảnh công nghệ phát triển, cần tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ; thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về nội dung số trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và đàm phán với chủ sở hữu quyền. Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, cần hình thành các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng.

“Việc tăng cường hợp tác quốc tế trong xử lý các vụ việc vi phạm cũng là vấn đề cần được lưu ý. Trong đó, Việt Nam cần chủ động đề nghị phối hợp cung cấp các thông tin đăng ký tên miền, máy chủ, dịch vụ ẩn danh, tài khoản tiền ảo, tiền điện tử, email, Facebook, YouTube… có dấu hiệu vi phạm pháp luật để phục vụ công tác xác minh, đấu tranh, xử lý các đối tượng trong lĩnh vực này”, Thiếu tá Lê Anh Tuấn nêu quan điểm.

Ông Yongeil Lee, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cơ quan Bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc - KCOPA) chia sẻ cách triển khai của Hàn Quốc trong chống vi phạm bản quyền trên môi trường số. Theo đó, Hàn Quốc có chiến lược ứng phó toàn diện được thực hiện bởi KCOPA và cơ quan tư vấn liên Chính phủ gồm Bộ VHTTDL, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc và Cơ quan cảnh sát quốc gia. Các cơ quan phối hợp thực hiện dựa trên 4 chiến lược chính, gồm: Tốc độ và phản hồi nghiêm ngặt, tập trung nhanh chóng chặn trang web; điều tra, mở rộng các biện pháp dân sự và hình sự; hợp tác quốc tế, tăng cường phối hợp với các cơ quan điều tra các nước và Interpol; điều tra khoa học, mở rộng pháp y kỹ thuật số, tổ chức lại các đội điều tra tội phạm bản quyền; thay đổi nhận thức về bản quyền, thúc đẩy nâng cao nhận thức thông qua các chiến dịch công khai.

Ông Dean S.Marks, Giám đốc điều hành danh dự và cố vấn pháp lý Liên minh Trách nhiệm giải trình trực tuyến cho rằng, bên cạnh cơ quan chức năng, các doanh nghiệp trung gian cũng phải thể hiện trách nhiệm của mình khi phát hiện ra các website có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Cụ thể, các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ và công cụ tìm kiếm phải hành động để xóa hoặc vô hiệu hóa việc truy cập nội dung vi phạm bản quyền. Đồng thời, không ngừng cải tiến công nghệ để nhận biết các trường hợp vi phạm tại các địa điểm cụ thể trên dịch vụ của bên trung gian.

Cùng với đó, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho hay, bên cạnh tăng cường xử lý các vụ việc vi phạm, thúc đẩy giải pháp công nghệ, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế; tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các nhóm đối tượng trong toàn xã hội.