Nhiều người vẫn gặp khó khi xác thực sinh trắc

QUẢNG XƯƠNG

VHO - Từ ngày 1.7, mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền. Nhiều người đã cập nhật sinh trắc học thành công từ nhiều ngày trước khi quy định có hiệu lực. Tuy nhiên, cho đến hôm qua 2.7, nhiều người vẫn gặp khó khăn khi thực hiện việc này.

Nhiều người vẫn gặp khó khi xác thực sinh trắc - ảnh 1

 Nhiều người đến trực tiếp Ngân hàng để trợ giúp xác thực

 Tại Hà Nội, trong ngày 1.7 và hôm qua 2.7, lượng khách đến ngân hàng tăng cao hơn thường lệ. Một nhân viên ngân hàng trên phố Trần Nguyên Đán cho biết khách đến để cập nhật dữ liệu sinh trắc học trực tiếp tại quầy nhiều hơn là thực hiện giao dịch chuyển, gửi tiền. Vướng mắc chủ yếu các khách hàng gặp phải là một số dòng điện thoại đời cũ không đọc được thông tin chip trên căn cước công dân qua giao thức NFC (kết nối trường gần) cũng như không quét được hình ảnh khuôn mặt, quét thông tin trên chip của căn cước công dân… Tuy nhiên, cũng có không ít khách hàng có điện thoại “xịn” vẫn phải tới các quầy của ngân hàng để thực hiện xác thực.

Chị Phạm Thị Mai (Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, do công việc phải giao dịch liên quan đến chuyển tiền qua ngân hàng nên từ khi nhận được thông báo trên các app của ngân hàng, chị đã thực hiện việc xác thực cách đây nhiều tuần. “Việc quét xác thực hình ảnh khuôn mặt và quét chip căn cước công dân phải thực hiện qua nhiều lần thao tác mới thành công. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành xác thực thì việc giao dịch qua các app ngân hàng trên điện thoại khá dễ dàng và thuận tiện”, chị Mai nói.

Tuy nhiên, nhiều người “nước đến chân mới nhảy”, khi quy định có hiệu lực thì mới nháo nhào thực hiện việc xác thực. Do đó, khi nhiều người cùng thực hiện xác thực thì nhiều app báo lỗi. Anh Nguyễn Văn Lợi (Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) mất cả buổi sáng sử dụng dịch vụ internet banking của một số ngân hàng để cập nhật, xác thực sinh trắc học nhưng không thể thực hiện. Anh Lợi cho biết, chụp ảnh căn cước công dân thành công, đến khi chụp ảnh cá nhân thì báo lỗi. Có khi bước chụp ảnh thành công, nhưng khi đến bước quét chip của thẻ căn cước công dân thì bị báo lỗi. Sau nhiều lần cố gắng thì cũng không thành công. Sau đó, anh gọi điện lên tổng đài của ngân hàng nhờ hỗ trợ thì máy bận liên tục. Anh đành trực tiếp ra ngân hàng để nhờ nhân viên ngân hàng hỗ trợ.

Cùng với đó, nhiều nhóm trên mạng xã hội cũng có nhiều người cho biết không thể cập nhật sinh trắc, kể cả sử dụng những chiếc điện thoại đời mới nhất, đặc biệt là đến phần sử dụng NFC để quét chip trên căn cước công dân. Nhiều người cho biết dịch vụ internet banking bị “đơ” không thể vào để xác thực. Một số người cho biết, mặc dù đã xác thực thành công, nhưng đến khi chuyển tiền, sau khi nhập lệnh chuyển tiền và quét khuôn mặt, ứng dụng ngân hàng báo lỗi hệ thống. Theo giải thích của phía ngân hàng, tình trạng khó giao dịch là do hệ thống bị quá tải trong vài thời điểm. Nguyên nhân là nhiều khách hàng thử nghiệm giao dịch trên 10 triệu để kiểm tra tài khoản đã xác thực thành công hay chưa, khiến hệ thống ghi nhận số lượng giao dịch tăng cao.

Trong vài ngày đầu số lượng người cập nhật sinh trắc học tăng đột biến dẫn tới hệ thống gặp biến động. Nhưng việc xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền giá trị lớn là cần thiết. Việc này nhằm hạn chế tình trạng tài khoản không chính chủ, lừa đảo, gian lận. Do đó, người dân cập nhật xác thực sinh trắc học là để bảo vệ, đảm bảo quyền lợi của chính bản thân.

 Mạo danh hỗ trợ xác thực sinh trắc để lừa đảo

Trong những ngày qua, do việc xác thực sinh trắc học gặp khó khăn, đã xuất hiện việc có người gọi điện, tự xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu người dân gửi thông tin cá nhân, để hỗ trợ xác thực sinh trắc học. Ngày 30.6, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã có thông báo cảnh báo đến người dân. Theo đó, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khi làm xác thực sinh trắc học, các nhóm lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng để liên hệ hỗ trợ, từ đó chiếm đoạt tài sản, thông tin của người dùng. Ngoài ảnh căn cước công dân và ảnh khuôn mặt, kẻ gian còn yêu cầu gọi video để thu thập giọng nói, cử chỉ. Những thông tin này sau đó có thể được dùng để mạo danh, chiếm tài khoản hoặc sử dụng vào mục đích xấu khác.

Để tránh bị kẻ xấu lừa đảo, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không cung cấp dữ liệu cá nhân, mã OTP, không bấm vào đường link hay tải ứng dụng theo yêu cầu của người lạ. Đồng thời, không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân. Bên cạnh đó, người dân cần cài đặt bảo mật hai lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng, không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ trang web hay ứng dụng khác…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc