Huyện Bảo Thắng - Điểm sáng chuyển đổi số ở khu vực miền núi
VHO - Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn là một xu hướng tất yếu, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Nhận thức rõ điều đó, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, trở thành điểm sángchuyển đổi số ở cơ sở.
Bà Bùi Thị Hạnh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Bảo Thắng - cho biết, ngay từ tháng 1.2024, UBND huyện Bảo Thắng đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thôn chuyển đổi số thông minh giai đoạn 2024 - 2025, trong đó đề ra 4 tiêu chí, gồm: Hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Huyện Bảo Thắng hiện có 20 thôn được công nhận chuyển đổi số, trong đó thị trấn Phố Lu có 4 thôn, tổ dân phố; xã Sơn Hà có 3 thôn; các xã, thị trấn khác mỗi địa phương có 1 thôn, tổ dân phố được công nhận chuyển đổi số thông minh.
Xã Sơn Hà có 3 thôn đạt chuẩn mô hình chuyển đổi số thông minh, trong đó thôn Tà Hà 1 được UBND xã Sơn Hà công nhận đạt chuẩn mô hình thôn chuyển đổi số thông minh đầu tiên của xã. Ngay trong ngày ra mắt, mô hình đã thực hiện thành công 2 hồ sơ chứng thực bản sao giấy khai sinh theo hình thức trực tuyến, việc chứng thực lần đầu tiên diễn ra tại nhà văn hóa thôn, không phải ở trụ sở UBND xã như trước đây.
Nhà văn hóa thôn Tà Hà 1 của xã Sơn Hà được xây dựng từ lâu, tuy không rộng rãi, to đẹp như một số nhà văn hóa trên địa bàn mới xây dựng nhưng cơ bản đủ trang - thiết bị cho đại diện hơn 200 hộ trong thôn sinh hoạt, họp hành. Người dân đến đây sẽ được thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng của thôn hướng dẫn thao tác tra cứu văn bản trên điện thoại thông minh.
Không chỉ thực hiện dịch vụ công tại nhà văn hóa thôn, người dân chưa rõ cách làm thì thành viên tổ công nghệ số đến nhà hướng dẫn thực hiện, việc nộp phí thủ tục hành chính cũng trực tuyến, nhận kết quả hoàn thành thủ tục ngay tại chỗ.
Tại Tổ dân phố Phú Thành 3, thị trấn Phố Lu có 120 hộ, chủ yếu tham gia buôn bản, kinh doanh nhỏ và gia đình cán bộ, công chức, hưu trí. Sau khi ra mắt mô hình điểm tổ dân phố chuyển đổi số thông minh, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng của tổ dân phố đã hỗ trợ người dân thực hiện thành công 3 bộ hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bà Đàm Thị Hợp, 60 tuổi, thực hiện thủ tục hành chính tại nhà văn hóa tổ dân phố cho biết, thay vì đến trụ sở UBND thị trấn cách 4,5 km để làm giấy khai sinh cho cháu nội, bà đến nhà văn hóa tổ dân phố, nơi chỉ cách nhà riêng 2 phút đi bộ. Chỉ sau 2 ngày, bà Hợp đã nhận giấy khai sinh của cháu tại nhà văn hóa và thủ tục nộp lệ phí cũng được thực hiện tại chỗ nhờ hướng dẫn của thành viên tổ công nghệ số cộng đồng.
Mặc dù quy trình vẫn phải từ tổ dân phố lên thị trấn rồi Bộ Công an, Bộ Tư pháp thẩm định trước khi hồ sơ quay trở lại UBND thị trấn thực hiện ký duyệt mới chuyển cho người dân, nhưng nhờ công nghệ số đã rút ngắn thời gian người dân phải chờ đợi để hoàn thành 1 thủ tục từ 2 tuần, thậm chỉ là 20 ngày xuống còn 2 ngày và thời gian, quảng đường di chuyển của người dân đã rút ngắn tối đa.
Trước đó, để công tác chuyển đổi số thông minh tại cơ sở đi vào thực chất, phát huy hiệu quả trên thực tế, đảm bảo các mục tiêu phát triển, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Bảo Thắng đã phân công các cơ quan của huyện giúp đỡ, tư vấn các xã, thị trấn xây dựng thôn điểm chuyển đổi số, trong đó có ít nhất 3 cơ quan, phòng, ban chuyên môn của huyện giúp đỡ 1 xã trong việc lựa chọn, xây dựng 1 thôn điểm về chuyển đổi số thông minh. Đến đầu quý II, cơ bản các xã đã ra mắt mô hình, riêng thị trấn Phố Lu và xã Sơn Hà vượt kế hoạch với tổng số 7 mô hình.
Ngoài ra, ngày 15.4.2024, UBND tỉnh Lào Cai còn ban hành Quyết định phê duyệt mô hình thí điểm chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Gia Phú, sự kiện này góp phần cùng cố điểm sáng huyện Bảo Thắng về lĩnh vực chuyển đổi số thông minh tại cơ sở. Tính đến giữa năm 2024, huyện Bảo Thắng tiếp tục là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng mô hình chuyển đổi số thông minh ở cơ sở với 20 mô hình, phủ khắp các xã, thị trấn.
Với việc chuyển đổi số mạnh ở cơ sở, Bảo Thắng đã chọn hướng đi trọng điểm là xã hội số, với phương châm ai cũng được hưởng lợi ích từ chuyển đổi số, cũng thành thạo trong ứng dụng công nghệ, để mỗi người dân huyện Bảo Thắng thực sự là một công dân số.