Đà Nẵng: Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình

MINH CHÂU; ảnh: P. NAM DƯƠNG

VHO - Để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình nói riêng, các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Sở TT&TT Đà Nẵng đã ban hành Văn bản số 1868/STTTT-CNTT ngày 9.8.2024 thông tin tình hình, kết quả triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, toàn trình.

Đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện báo cáo các giải pháp đã áp dụng tại đơn vị, địa phương, qua đó triển khai thêm các dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo khuyến nghị của Cục chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT).

Năm 2024, Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số với chủ đề “Khơi thông dữ liệu số, thúc đẩy phát triển kinh tế số và bảo đảm an sinh xã hội” với 48 chỉ tiêu. Theo đó, tại các địa phương, dịch vụ dịch vụ công trực tuyến toàn trình được phát triển đã tăng hiệu quả xã hội, làm hài lòng người dân.

Tại quận Hải Châu, tính đến tháng 7 năm 2024, UBND quận Hải Châu đã tiếp nhận và xử lý 5.829 hồ sơ thủ tục hành chính, UBND quận đã số hóa 2.666/2.957 kết quả giải quyết thủ tục hành chính phát sinh mới, đạt tỷ lệ 90%; số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực năm 2022.

Đà Nẵng: Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình  - ảnh 1
Qua khảo sát quận Sơn Trà, có gần 100% phiếu đánh giá của người dân là hài lòng trên Cổng dịch vụ công trực tuyến

13 phường trên địa bàn quận Hải Châu đã thực hiện số hóa 9.568/9.708 kết quả giải quyết thủ tục hành chính phát sinh mới, đạt tỷ lệ 99%, hiện các phường đang triển khai số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực giai đoạn 2020-2022.

Các phường triển khai nhiều hoạt động mô hình mới nhằm thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, cụ thể: UBND phường Hòa Thuận Tây triển khai mô hình “Dịch vụ công không giấy - không tiền mặt”.

Xây dựng ứng dụng “Hoa Thuan Tay smart” trên mạng xã hội Zalo với nhiều tiện ích chuyển đổi số; UBND phường Hải Châu 1 triển khai mô hình “30 phút vì nhân dân phục vụ”;

UBND phường Thạch Thang triển khai mô hình “Trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo” trên trang thông tin điện tử phường…

Tại UBND quận Sơn Trà, tỷ lệ thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến của quận là 100%. Qua khảo sát có gần 100% phiếu đánh giá của người dân là hài lòng trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Để tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến và số hóa hồ sơ cao hơn, quận Sơn Trà đặt mục tiêu triển khai cung cấp mới ít nhất 2 danh mục dữ liệu mở.

Bảo đảm 100% cơ quan Nhà nước phát triển, cung cấp dữ liệu mở theo danh mục dữ liệu mở thành phố phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu.

Đà Nẵng: Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình  - ảnh 2
Cán bộ, chiến sĩ Công an phường Phước Ninh hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân lấy lại mật khẩu, tích hợp thông tin vào tài khoản định danh điện tử

Hiện nay, Đà Nẵng có 97% thủ tục hành chính được triển khai dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình

Tính đến đầu tháng 7.2024, thành phố có 97% thủ tục hành chính được triển khai dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến là 90%. Trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 66%, tăng 46% so với cuối năm 2023 (gần gấp 4 lần tỷ lệ trung bình của các địa phương toàn quốc là 17%).

Thành phố đã triển khai tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính qua việc kế thừa dữ liệu số để thay thế, giảm thành phần giấy tờ người dân phải đi công chứng, phải nộp; hiện nay có khoảng 21% thủ tục hành chính toàn thành phố công bố có sử dụng dữ liệu số và mục tiêu đến năm 2025 là 60% TTHC.

Để nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, Đà Nẵng sớm triển khai và liên tục rà soát, cập nhật đồng bộ các giải pháp để tạo thuận lợi người dân, doanh nghiệp; trong đó một số giải pháp nổi bật.

Đẩy mạnh nhiều mô hình hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến, như mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng; mô hình Đại lý dịch vụ công trực tuyến thông qua các bưu cục tại xã phường; mô hình Khu dân cư điện tử, Thôn điện tử;...

Hàng năm, thành phố giao chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, địa phương. Yêu cầu các cơ quan, cán bộ công chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước khác; khuyến nghị các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo ngành, lĩnh vực.

Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã đề xuất UBND thành phố có văn bản gửi Bộ TT&TT về các nội dung: Đôn đốc các Bộ, ngành sớm công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để địa phương tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Cho phép bưu điện (đại lý dịch vụ công trực tuyến) tham gia khâu thay mặt người dân nộp hồ sơ trực tuyến, hiện các bưu điện mới tham gia khâu trả kết quả; kế thừa dữ liệu số để giảm thành phần hồ sơ, đặc biệt là bỏ các thủ tục hành chính cấp lại…

 Qua đó, hướng tới mục tiêu tái cấu trúc quy trình và ứng dụng công nghệ số để chuyển hầu hết thủ tục hành chính lên toàn trình.