Văn Cao - nghệ sĩ đa tài, thích "lãng du" qua những “miền” nghệ thuật

VHO - Ngày 8.11 tại Hà Nội, Hội thảo khoa học với chủ đề Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Báo Nhân Dân và Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (15.11.1923-15.11.2023).

Văn Cao - nghệ sĩ đa tài, thích

Hội thảo thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, nhiều nhà văn hóa lớn, các nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ có tên tuổi đã từng được hỏi hoặc nếu được hỏi: Ở Việt Nam, thế kỷ XX, ai là nghệ sĩ lớn nhất, có nhiều sáng tạo mang tính đột phá, để lại dấu ấn đa dạng và sâu đậm nhất, có đóng góp rất quan trọng trên nhiều mặt cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà, thì chắc chắn phần đông trong số họ đều đồng thanh, đồng tâm nói rằng: Nghệ sĩ đó là Văn Cao!

Chỉ cần lấy ngẫu nhiên các tác phẩm âm nhạc như: Thiên thai, Trương Chi, Tiến quân ca, Sông Lô, Mùa xuân đầu tiên… đã thấy đó là những bảo chứng cho dấu ấn khai phá, mở lối, vượt lên chính mình, đặt nền móng rất quan trọng cho sự phát triển của nền tân nhạc và thơ ca Việt Nam, từ lãng mạn đến cách mạng - kháng chiến cho đến thời khắc rất sớm của thời kỳ đổi mới; của ca khúc, hành khúc và trường ca của nhạc, của thơ.

Nhận định về sự nghiệp văn nghệ quý giá của Văn Cao, nhiều người ca ngợi ông là nghệ sĩ đa tài, thích "lãng du" qua những “miền” nghệ thuật khác nhau về âm nhạc, hội họa, thơ ca. Dù không gắn bó liên tục và dài lâu với một loại hình nào, nhưng ở cả ba "miền" ấy, ông đều lưu dấu rất nhiều sáng tạo mang tính khai phá - mở lối cho mình và cho những người đến sau. Những sáng tác của Văn Cao, nhất là âm nhạc và thơ ca, tuy không dồi dào về số lượng nhưng tạo dấu ấn mạnh mẽ về chất lượng, có tác dụng khai mở, định hướng và đặt nền cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại. Cụ thể và hiển nhiên nhất là thể loại tình ca, hùng ca, trường ca trong âm nhạc và trường ca trong thơ Việt Nam hiện đại.

Bằng tài năng như là thiên bẩm, bằng sự tự học, tự rèn, đổi mới, sáng tạo, bứt phá, Văn Cao đã có những cống hiến to lớn đối với nền văn hóa, văn nghệ nước nhà ở cả ba lĩnh vực - âm nhạc, thơ và hội hoạ. Ông được Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Độc lập hạng Nhất, huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt 1, năm 1996). Tên ông cũng được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng...

GS Phong Lê nhấn mạnh, nói Văn Cao, không chỉ ở thời điểm hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm sinh của ông, mà ngay từ 1945, đã là một tên tuổi nghệ sĩ lớn mà cả dân tộc Việt, nhân dân Việt, từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già không ai không biết đến, và chịu ơn. Bởi ông là tác giả của Tiến quân ca, rồi trở thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ tháng Tám 1944, ở Tân Trào, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca. Kể từ ấy, Quốc ca đã vang lên trong ngày 17.9.1945 ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, rồi sáng 2.9.1945 ở Quảng trường Ba Đình trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Sau Tiến quân ca còn là một sự nghiệp còn lớn hơn, trên một hành trình dài với rất nhiều nguồn mạch, tỏa ra nhiều hướng, soi vào đấy - là cả một dàn giao hưởng của đời sống kháng chiến.

Nhạc sĩ Doãn Nho nhớ lại, tại Paris đã có cuộc bình chọn những bài quốc ca hay nhất của thế giới thì một trong những quốc gia đứng đầu bảng là Quốc ca Việt Nam! Tại sao vậy? Đơn giản vì ngoài yếu tố lời ca tiếng Việt còn một yếu tố quan trọng nữa, đó là mặc dù Tiến quân ca có bóng dáng của Marseillaise (Quốc ca Pháp) nhưng được xây dựng trên thang âm ngũ cung, dần vang lên ở điệu tính sol trưởng tất cả nằm gọn trong thang âm ngũ cung: sì rê mi son la si la son mi rề!

Chúng ta rất tự hào đã có một thế hệ xây dựng nên nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ trái tim mình, tôi luôn nghĩ nhạc sĩ Văn Cao cùng các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Huy Du... mãi mãi là những người thầy của chúng ta và các thế hệ nhạc sĩ trẻ tiếp theo!”.

Bên cạnh tư cách một nhạc sĩ lớn mà cả dân tộc phải chịu ơn, nói Văn Cao còn là nói đến một nhà thơ lớn, bởi ông là tác giả của không ít bài thơ làm tổ được trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ như: Quê lòng, Đêm mưa, Ai về Kinh Bắc, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc...

Văn Cao còn một sự nghiệp rất đáng ghi nhận về hội họa, trong tư cách một họa sĩ, ngay từ trước 1945, với các bức tranh có tên Thái Hà ấp đêm mưa, Cuộc khiêu vũ của những người tự tử trong một Triển lãm nghệ thuật năm 1943.

Văn Cao - nghệ sĩ đa tài, thích

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh trao tặng bức tranh khắc đồng bản nhạc bài hát Mùa xuân đầu tiên cho đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao

“Bấy nhiêu điều về một nghệ sĩ lớn, với đóng góp trên nhiều lĩnh vực thơ văn, nhạc, họa; và ở lĩnh vực nào cũng đạt đỉnh cao, hoặc để lại dấu ấn sâu đậm như Văn Cao, tôi- một công dân Việt bình thường, chỉ có thể nói được đôi điều, với sự ngưỡng mộ và tấm lòng biết ơn”, GS Phong Lê nhấn mạnh.

Sự tài tình của Văn Cao trong việc “Việt hóa” thể loại hành khúc phương Tây

PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương phân tích, tuy học nhạc phương Tây nhưng Văn Cao ít chịu ảnh hưởng của âm nhạc lãng mạn Pháp mà hướng giai điệu các bài hát của mình gần với âm nhạc dân tộc, màu sắc ngũ cung (khác với bảy âm trưởng - thứ (major - minor) của phương Tây), lấy chất liệu từ chèo, quan họ, xẩm, ca trù… để sáng tác những ca khúc đầu đời như: Thu cô liêu, Suối mơ, Trương Chi, Thiên Thai (1941)...

Nhà văn trẻ, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, trong các sáng tác của Văn Cao, số lượng ca khúc lãng mạn không nhiều, chỉ có 7 bài: Buồn tàn thu (1939), Thu cô liêu (1940), Thiên Thai (1941), Cung đàn xưa, Trương Chi (1942), Suối mơ, Bến xuân (1943). Tuy nhiên, bên cạnh ngôn ngữ âm nhạc pha trộn hình thức ca khúc Tây phương và nét giai điệu ngũ cung, chất liệu đề tài và dụng công trong ca từ khiến cho các bài hát rất dễ nhận diện một phong cách khác biệt với các ca khúc cùng thời.

Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nói: Nếu phần lời nổi bật bởi sự giao thoa nghệ thuật hội họa và văn thơ, thì phần nhạc của Văn Cao cho thấy sự kết hợp hai truyền thống Tây và ta. Từng có nhận xét: nhạc Văn Cao khá Tây! Quả thực ông không hề mượn một làn điệu dân ca nào, nhưng những tiếp nhận từ phương Tây đã được chuốt lại theo thẩm âm Việt, đan kết hoặc xen kẽ với những nét đặc trưng của nhạc cổ Việt để chuyển tải một tâm hồn thuần Việt. Có thể thấy sự kết hợp đó ngay từ cái nhìn bao quát về thể loại và hình thức âm nhạc.

Văn Cao góp phần không nhỏ cho sự định hình thể loại trường ca trong âm nhạc, cũng như trong thơ hiện đại Việt Nam, với Sông Lô là một trong những đỉnh cao của thể loại quy mô này. Ngoài ra, còn một số thể loại cần ghi nhận vai trò của ông, đó là hành khúc với nhiều bài hát mang ý nghĩa lịch sử, là valse với các ca khúc trữ trình Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Ngày mùa và Mùa xuân đầu tiên.

Về cấu trúc, Văn Cao có sự chuyển biến dần từ những thử nghiệm đầu tiên phát triển tự do theo bản năng đến ý thức về cấu trúc khúc triết kiểu Tây, rồi không dừng ở khuôn khổ bài bản theo lý thuyết phương Tây mà luôn hướng tới tính linh hoạt trong lối phát triển chiều ngang đặc thù của nhạc cổ truyền Việt Nam.

Được ưu ái trong tình khúc, cấu trúc linh hoạt còn lan sang cả hành khúc, đây cũng là một trong những yếu tố “Việt hóa” thể loại hành khúc phương Tây.

Sự kết hợp hai truyền thống Tây và ta còn được thấy rõ hơn khi đi sâu vào những yếu tố chính trong ngôn ngữ âm nhạc của Văn Cao: điệu tính và điệu thức, âm vực và cung quãng, nhịp điệu và tiết tấu, đường nét gia điệu và thủ pháp phát triển tuyến nhạc.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, nhạc sĩ Văn Cao là một hiện tượng đặc biệt không chỉ vì ông là tác giả Quốc ca Việt Nam mà bởi với tư cách một người nghệ sĩ ông đã làm nên điều tưởng chừng như nghịch lý: Đó là thời gian càng lùi xa thì tầm vóc nghệ thuật của ông càng trở nên lớn hơn và lộng lẫy hơn. Các sáng tác của Văn Cao thuộc ba lĩnh vực âm nhạc, hội họa và thi ca đều luôn mang tính dự báo, thậm chí dự báo, thậm chí dự báo rất xa... thể hiện thiên tài nghệ thuật của ông.

Văn Cao đã để lại cho chúng ta một tấm gương về nhân cách của một nghệ sĩ đích thực: Cho dù phải trải qua nhiều bầm dập khó khăn, thử thách, thì tài năng của ông không bị suy giảm, phôi pha, mà tiếp tục vượt qua thời gian và sẽ mãi mãi được người đời nhớ đến. 

THANH NGỌC

Ý kiến bạn đọc