Văn Cao, một tiếng thơ " vang vang cả lòng cả đáy" (Kỳ cuối) Bước ngoặt thứ hai: Hiện đại hóa thơ ca
VHO- Đọc Những người trên cửa biển mới thấy Văn Cao yêu và gắn sinh mệnh đời mình với sinh mệnh Hải Phòng - rộng ra, với sinh mệnh đất nước - như thế nào. Không phải ở tuyên ngôn: “Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại/ Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi”, mà ở cái cách ông rách nát với cái rách nát Hải Phòng, đau nỗi đau Hải Phòng, vui niềm vui hồi sinh khi Hải Phòng hồi sinh sau những biến động kinh thiên…
“Cuộc đời ôm tôi như trong cái bình/ Một tiếng vang vang cả lòng cả đáy” (Ảnh Văn Cao năm 1992)
Bước rẽ mới trong cuộc sinh tử với nghệ thuật
Với Văn Cao, Hải Phòng mở ra đại dương, mở ra trí tuệ, mở ra thi ca nhạc họa, mở ra khát vọng tự do vươn đến những chân trời xa rộng. “Tôi giờ đây liếm môi nóng bỏng/ Nhìn ra biển bao la/ Lòng hãy còn nhiều khát vọng/ Còn rất nhiều khát vọng/ Biển thành người khổng lồ kêu khát suốt ngày đêm...”.
Có cảm nhận được cái khát, khát vọng biển, khát vọng sống, khát vọng sáng tạo của Văn Cao, ta mới hiểu tại sao lại xuất hiện những câu thơ như lạc giọng ở chương IV, Những ngày báo hiệu mùa xuân. Một chương lẽ ra chỉ toàn niềm vui phơi phới, bỗng nhiên lại vang lên tiếng nói cảnh báo đanh thép: “Trong những ngày khó khăn chồng chất/ Kẻ thù của chúng ta xuất hiện/ Những con rồng đất khi đỏ khi xanh/ Lẫn trong hàng ngũ... Héo dần miền sáng tạo mất phẩm giá con người/ Chúng nó ở bên trong ta lén lút/ Đào rỗng từng kho tiền gạo thuốc men/ Tôi đã thấy từng mặt từng tên xâu chuỗi/ Tôi sẽ vạch từng tên từng mặt”. Không thể nói khác, đó chính là con người công dân, con người đại diện cho sự công chính trong Văn Cao đang lên tiếng trước những bất ổn, những vết nứt nguy hiểm bắt đầu hình thành giữa lòng xã hội mới, những biểu hiện suy bại đây đó đang dần loang ra trong hàng ngũ những người cách mạng. Vì thế, có thể nói như nhà phê bình văn học Đặng Tiến trong một bài viết năm 1992, mừng Văn Cao 70 tuổi ta: “Niềm tin của Văn Cao đi từ những giấc mơ gào thét thực tại, là những rạn vỡ đòi lại toàn bích, là chiếc lá gào gọi trời xanh” (bài Văn Cao, lá khát vọng).
Tiếng nói cảnh báo này còn tiếp tục được vang lên trong một bài thơ mà Văn Cao viết cùng năm 1956, bài Anh có nghe không, trong đó có những câu: “Chung quanh còn những người khôn ngoan/ Không có mồm/ Mắt không bao giờ nhìn thẳng/ Những con mèo ngủ yên trên ghế/ Trong một cuộc dọn nhà/ Những con sên chưa dám ló đầu ra/ Những dây leo càng ngày càng tốt lá”. Khúc ngoặt cay đắng nhất trong cuộc làm người của Văn Cao cũng vì thế mà bắt đầu. Nhưng mặt khác, xét riêng trên phương diện thi ca, thì đây lại là bước rẽ mới trong cuộc sinh tử với nghệ thuật của Văn Cao. Ông vẫn làm thơ, cho mình, và giam thơ trong những cuốn sổ tay be bé, chỉ thỉnh thoảng mới giải phóng chúng bằng cách đọc lên trong các cuộc rượu với một ít anh em văn nghệ thân thiết.
Văn Cao từng bộc lộ những quan niệm của riêng mình về thơ: “Mỗi chữ, mỗi câu, mỗi bài thơ mở ra cái quãng ngược, quãng xuôi, những cái không nói tới mà người đọc càng tìm thấy mãi. Sự thất bại thường gặp trong mỗi bài thơ là sự khép lại: Khép tất cả sự muốn nghĩ và muốn nói”; và: “Chúng ta đã qua một thời kỳ dài thiên về cảm xúc và một thời kỳ cảm giác. Cái thời kỳ thiên về tư tưởng có phải đang bắt đầu không?” (tiểu luận Mấy ý nghĩ về thơ, 1957). Quan niệm thế nào thì thực hành thế ấy. Thơ Văn Cao giai đoạn này thường là những bài ngắn, rất ít chữ, nhưng chất chồng những hình ảnh như là sản phẩm của một nghệ thuật thơ in đậm tư duy hội họa. Những hình ảnh tương đồng và tương phản, những hình ảnh nối nhau và đối nhau bất ngờ, những hình ảnh tạo nên dư vang của chữ và chiều sâu của suy tư, như: “Những tiếng gà lên/ Rụng hết những ngôi sao cuối/ Tiếng kêu ở trong tôi/ Có xót xa có cả vui mừng/ Tiếng kêu của một khúc thép đỏ/ Trong chậu nước/ Những tiếng hát đuổi nhau trên các ngọn núi/ Còn lại một hồ nước/ Trên họng một ngọn núi cạn lửa” (Cạn, 1958); hoặc: “Một tiếng động khóa/ Xin mời vào/ Cánh cửa mở ra thật rộng/ Chỉ thấy/ Một chiếc cầu thang nhà trên gác/ Và ánh sáng không động đậy/ Một giọt mồ hôi/ Lăn trên trán” (Cánh cửa, 1960)...
Minh họa của nhạc sĩ Văn Cao trên một số báo (Tư liệu Nguyễn Bích Phương - Tạ Thu Phong)
Tất cả đều lạ, và hay!
Ở mảng thơ ấy hiện lên một diện mạo tinh thần cá nhân khác lạ. Thơ Văn Cao không có niềm tin tưởng phơi phới, mà đầy nỗi hoảng hốt, nghi hoặc, dằn vặt, day dứt, những tiếng khóc thầm, những dòng lệ dội ngược vào trong tim: “Có lúc/ một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ/ Có lúc/ ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt/ Có lúc/ nước mắt không thể chảy ra ngoài được” (Có lúc, 1963). Ông sống trong sự vây bủa của những câu hỏi do chính mình tự đặt ra cho mình, với tư cách một con người và tư cách một người nghệ sĩ, một người sáng tạo: Tôi là ai? Bản ngã tôi ở đâu? Tôi sống trên đời này để làm gì và tôi có thể làm gì? Tôi còn không, tôi về đâu trong sự trôi chảy của thời gian? v.v và v.v... Trong số đó, câu hỏi chiếm nhiều suy tư nhất của Văn Cao có lẽ là câu hỏi về giá trị của việc được sống thực, giá trị của tồn tại người trong toàn bộ những giới hạn của nó: Giới hạn trước xã hội người đầy đa tạp đa đoan, giới hạn trước cái mênh mông của vũ trụ, giới hạn trước cái thản nhiên bất tuyệt của thời gian: “Con thuyền đi qua/ để lại sóng/ đoàn tàu đi qua/ để lại tiếng/ đoàn người đi qua/ để lại bóng/ tôi không đi qua tôi/ để lại gì?” (Không đề, 1967). Để lại gì? Câu trả lời là: Không, không để lại gì hết: “Người đi dọc biển/ Bình minh dưới chân/ Một cái chai lấp lánh/ Sóng biển còn hơi rượu/ Người đi dọc biển/ Lối cát chưa có dấu chân/ Chân trời còn gối biển/ Người đi dọc biển/ Không để lại/ Dấu chân” (Người đi dọc biển, 1970).
Về thơ Văn Cao giai đoạn này, nhiều người thường nhắc đến một bài ông viết năm 1960, Năm buổi sáng không có trong sự thật. Đây quả là một bài thơ đặc biệt, trước hết, về cấu tứ. Bài thơ có 5 đoạn, mỗi đoạn ứng với một buổi sáng, và nhà thơ kể cho chúng ta biết về những sự việc đã xảy ra với ông trong buổi sáng hôm ấy. Buổi sáng thứ nhất, cả thế giới không còn một bóng con người. Buổi sáng thứ hai, cả thế giới không có nổi một âm thanh. Buổi sáng thứ ba, nhà thơ nhận thấy có một kẻ khác ở trong mình, như một kẻ thù, và cái tình thế lưỡng phân hai-trong-một ấy dẫn đến nhận thức: “Từ phút ấy, tôi không còn thật nữa”. Buổi sáng thứ tư, phố phường như mở hội, nhưng tất cả những người đi trên phố đều mang mặt nạ, và lạ thay, trên những mặt nạ giấy bổi ấy lại chảy ra nước mắt và mồ hôi. Buổi sáng thứ năm, đôi tình nhân bị khóa lại “trong gian phòng trong suốt thủy tinh”, họ sưởi ấm cho nhau, họ sống trong tình yêu và hạnh phúc: “... Và mật vừa thơm và ong đã tới/ Chúng ta đi vào bí mật mùa xuân/ Ngày đầu tiên của em trên biển”. Có thể thấy rằng bốn buổi sáng đầu là bốn buổi sáng được đẻ ra từ một tưởng tượng đầy chất huyễn ảo về một thế giới xa lạ, giả dối, một thế giới dẫn đến sự chết, một thế giới chết. Thế giới ấy, nhà thơ đã dựng lên bằng những mảnh ghép lập thể, những hình ảnh siêu thực, kỳ quái. Thế giới ấy chỉ được hóa giải bằng buổi sáng thứ năm, tức là bằng tình yêu đích thực.
Tình yêu cứu rỗi nhân loại, dường như tư tưởng của Văn Cao là thế. Và từ tình yêu, như nó được thể hiện ở buổi sáng thứ năm trong bài thơ nổi tiếng này, Văn Cao khởi đi một tiểu mạch thơ tình đặc sắc trong số lượng rất hạn chế các thi phẩm của đời mình. Ví như: “Giữa những ngày dài dằng dặc/ Chỉ còn khuôn mặt em/ Sáng trong và bình lặng/ Dù hai đứa chúng ta/ Chưa lúc nào sung sướng/ Những ngày đau khổ ấy/ Khuôn mặt em/ Như mảnh trăng những đêm rừng cháy...” (Khuôn mặt em, 1974). Và ngay ở một bài thơ viết trong giai đoạn “bình thường hóa trở lại”, cũng là lúc Văn Cao đã về già, một bài thơ có tính chất hồi cố, tổng kết, thì cũng có thể được đọc như một bài thơ tình đầy da diết: “Thời gian qua kẽ tay/ Làm khô những chiếc lá/ Kỷ niệm trong tôi/ Rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn/ Riêng những câu thơ còn xanh/ Riêng những bài hát còn xanh/ Và đôi mắt em/ như hai giếng nước” (Thời gian, 1987).
Văn Cao còn có những bài thơ viết riêng về Hà Nội, Huế và những bài thơ viết như trút gửi tâm sự cùng các bạn bè thân thiết nhất của mình (Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyên Hồng, Dương Tường). Tất cả đều lạ, và hay. Ít nhưng chất, có thể nói ngắn gọn như vậy về thơ trong cái tam vị nghệ thuật thơ, nhạc, họa của Văn Cao. Đặc biệt là ở bước ngoặt thứ hai trong đời nghệ thuật - kể từ cuối năm 1956, đầu năm 1957 - Văn Cao đã có những nỗ lực đáng kể trong việc tiếp tục công cuộc hiện đại hóa thi ca Việt Nam. Với thơ, có thể nói, Văn Cao đã có đủ để trả nợ cho tiếng Việt, cho cái định mệnh nghệ sĩ, và đủ để trả nợ cho cuộc đời đầy những ngổn ngang này. “Cuộc đời ôm tôi như trong cái bình/ Một tiếng vang vang cả lòng cả đáy”.
HOÀI NAM