Tưởng nhớ một năm ngày mất tác giả Lê Duy Hạnh

THÙY TRANG

VHO - Ngày 4.8, Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức Lễ tưởng nhớ một năm ngày mất tác giả Lê Duy Hạnh. Chương trình diễn ra trong không khí ấm áp, với sự tề tựu của đông đảo văn nghệ sĩ, nhà quản lý, nhà nghiên cứu sân khấu và gia đình tác giả Lê Duy Hạnh.

Tưởng nhớ một năm ngày mất tác giả Lê Duy Hạnh - ảnh 1
NSND Trần Minh Ngọc, đại diện các nghệ sĩ chia sẻ cảm xúc tại chương trình

Tại chương trình, các thế hệ văn nghệ sĩ TP.HCM và các tỉnh, thành trong cả nước đã chia sẻ cảm xúc, cùng nhau ôn lại kỷ niệm về một tác giả tài ba của ngành sân khấu, vị “thuyền trưởng” đã lèo lái, định hướng phát triển cho nền sân khấu TP.HCM nói riêng và sân khấu cả nước nói chung.

 NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam xúc động bày tỏ cám ơn đến Hội Sân khấu TP.HCM và các đơn vị, cá nhân đã tổ chức Lễ tưởng niệm ấm cúng, chân tình, với sự tham gia của các thế hệ nghệ sĩ sân khấu - những người say mê sáng tạo cái đẹp.

Tưởng nhớ một năm ngày mất tác giả Lê Duy Hạnh - ảnh 2
Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Giang Mạnh Hà

“Trong mấy mươi năm hoạt động nghệ thuật, trong vai trò quản lý hay sáng tác, tác giả Lê Duy Hạnh đã để lại nhiều dấu ấn trong những lĩnh vực rất cụ thể. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam luôn luôn ghi nhớ, tri ân, trân trọng cám ơn anh.

Những dấu ấn của nhà biên kịch Lê Duy Hạnh đối với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nói chung và Hội Sân khấu TP.HCM đã để lại tình cảm sâu đậm trong lòng văn nghệ sĩ sân khấu cả nước”, NSND Giang Mạnh Hà xúc động. 

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM chia sẻ: Tác giả Lê Duy Hạnh đã mở ra một khuynh hướng sáng tác đa không gian, đa thời gian trong sân khấu.

“Nếu chúng ta lưu ý, thời gian đầu anh Hạnh viết cải lương, thời gian sau anh không viết trực tiếp cải lương mà để cho soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể. Tôi cho đây là chủ đích của anh Lê Duy Hạnh, nhằm làm mới, hiện đại sân khấu cải lương…

Tưởng nhớ một năm ngày mất tác giả Lê Duy Hạnh - ảnh 3
Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM Trần Ngọc Giàu

Trong kịch nói hay trong cải lương, anh Lê Duy Hạnh đều có sự kế thừa từ sân khấu truyền thống. Trong kịch nói (một thể loại hiện đại) cũng chứa chấp những không gian, thời gian của tuồng, cải lương.

Trong điều kiện sân khấu không có phương tiện hiện đại thì tính đa không gian, đa thời gian của anh Hạnh là một khuynh hướng sáng tác rất độc đáo. Người ra thấy trình thức ứng dụng trong sân khấu truyền thống đưa vào sân khấu kịch nói khi mà sân khấu kịch nói thiếu về công nghệ”, NSND Trần Ngọc Giàu cho biết.

Tưởng nhớ một năm ngày mất tác giả Lê Duy Hạnh - ảnh 4
Bà Hoàng Thị Hạnh, phu nhân tác giả Lê Duy Hạnh và các con, cháu

Tưởng nhớ một năm ngày mất của tác giả Lê Duy Hạnh, đồng thời tri ân những cống hiến to lớn của ông cho nền sân khấu TP.HCM, Sở VHTT phối hợp Hội Sân khấu, NXB Hội Nhà văn cùng gia đình tác giả Lê Duy Hạnh thực hiện tuyển tập kịch bản của ông với tên gọi Miền nhớ.

Công trình là sự chọn lọc các kịch bản trong tổng số gần 60 kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh ở từng thể loại, trong mỗi thể loại, các tác phẩm được sắp xếp theo thứ tự thời gian ra đời và công diễn.

Tưởng nhớ một năm ngày mất tác giả Lê Duy Hạnh - ảnh 5
Quyển sách “Miền nhớ” (NXB Hội Nhà văn) được gia đình tác giả Lê Duy Hạnh tặng đến các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu sân khấu

Đây là sự lựa chọn có tính xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác của ông, là những tác phẩm ghi dấu ấn sâu sắc, thành công ở từng giai đoạn. Và đặc biệt, kịch bản Người năm 2222 là kịch bản chưa từng được công diễn.

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM bày tỏ: “Kho tàng tác phẩm của tác giả Lê Duy Hạnh để lại cho nền sân khấu vô cùng đồ sộ. Những kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh mang tầm vóc thời đại, có sức ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực sân khấu cả nước; nhà quản lý có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền sân khấu TP.HCM".

Giá trị tư tưởng, thẩm mỹ và nghệ thuật trong các sáng tác của ông, dù với phong cách nào, cũng đều thể hiện bút lực dồi dào, sắc sảo, bản lĩnh. Ông luôn tìm tòi, không ngừng đổi mới trong tư duy và phương thức thực hiện.

Cùng với sự sáng tạo trong dàn dựng và trình diễn của các thế hệ văn nghệ sĩ tài năng, nhiều tác phẩm của ông đã sống trọn vẹn cùng đời sống văn học, nghệ thuật; đồng hành cùng lịch sử sân khấu thời kỳ đổi mới và phát triển đất nước…

Tưởng nhớ một năm ngày mất tác giả Lê Duy Hạnh - ảnh 6
Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy xúc động tại chương trình

Theo NSND Thanh Thúy: “Tư tưởng của con người để lại cho đời chính là văn hóa sống, phong cách và những giá trị. Với tư tưởng, phong cách của chú Lê Duy Hạnh, thì văn hóa sống chính là những giá trị chân thật, rất thiện, rất mỹ.

Chúng ta tin rằng di sản này sẽ được tiếp tục thăng hoa, tiếp nối và liên tục sáng tạo để lan tỏa mạnh mẽ hơn những giá trị sống mà ông đã để lại cho đời”.

Gần 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, trên hành trình xây dựng và phát triển của lĩnh vực sân khấu thành phố, cùng với các thế hệ nhà quản lý, văn nghệ sĩ, tác giả Lê Duy Hạnh đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động sân khấu ngày càng phát triển.

Trong vai trò Chủ tịch Hội Sân khấu thành phố nhiều nhiệm kỳ, những cuộc thi, mô hình hoạt động nghệ thuật nổi bật của sân khấu TP.HCM như “Giải thưởng Trần Hữu Trang” - sau này là Cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang”, trên tinh thần kế thừa thành quả và mục tiêu xây dựng lực lượng nghệ sĩ tài năng của sân khấu cải lương.

Tưởng nhớ một năm ngày mất tác giả Lê Duy Hạnh - ảnh 7
NSƯT Vũ Luân và NSƯT Tâm Tâm song ca cổ: “Hương Trầm quyện chữ” tưởng nhớ tác giả Lê Duy Hạnh

Hay sự hình thành và phát triển đa dạng các sân khấu xã hội hoá, trong đó có Nhà hát Kịch 5B Võ Văn Tần... đều ghi dấu ấn của tác giả Lê Duy Hạnh, là một trong những người đặt nền móng đầu tiên.

Theo Sở VHTT TP.HCM, việc thực hiện và xuất bản tuyển tập kịch bản Miền nhớ với ý nghĩa tạo điều kiện để nghệ thuật sân khấu tiếp tục lan toả mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp, góp phần tích cực cho việc định hướng sáng tác và trình diễn trong thời gian tới.

Đồng thời, tác phẩm nhằm tôn vinh những thành tựu văn học, nghệ thuật của thành phố, thiết thực hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025). 

Lê Duy Hạnh sinh năm 1947 tại Bình Định, mất năm 2023 tại TP.HCM. Ông đã từng hoạt động trong phong trào sinh viên học sinh thời kỳ chống Mỹ. Sau thời gian học tập ở Hà Nội vào năm 1974, ông về miền Nam và trở thành một trong những tác giả hàng đầu của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong 50 năm qua.

Tưởng nhớ một năm ngày mất tác giả Lê Duy Hạnh - ảnh 8

Với bút pháp điêu luyện và nhiều thủ pháp đặc sắc, ông đã để lại một gia tài đồ sộ với gần 60 kịch bản vừa đa dạng về đề tài và thể loại, vừa chứa đựng những triết lý nhân sinh quan sâu sắc.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến: Tâm sự Ngọc Hân, Hoa độc trong vườn, Dốc sương mù, Ký hoạ người đồng bằng, Miền nhớ, Chuyện lạ, Mặt trời đêm thế kỷ, Hồn tuồng, Cội nguồn, Dời đô, Chiếc áo thiên nga, Vua thánh triều Lê, và chùm kịch một diễn viên: Diễn kịch một mình, Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm, Hồn thơ ngọc, Trần Nhân Tông.

Bên cạnh chuyên môn sáng tác, Lê Duy Hạnh còn ghi dấu ấn của mình trong công tác quản lý với vai trò Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP.HCM và Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Việt Nam trong nhiều nhiệm kỳ.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc