Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được vận dụng trong tác phẩm sân khấu

VHO - Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được vận dụng trong tác phẩm sân khấu”, với sự tham dự của các nhà phê bình, lý luận sân khấu, các đạo diễn, diễn viên và hội viên.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được vận dụng trong tác phẩm sân khấu - Anh 1

Hội thảo “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được vận dụng trong tác phẩm sân khấu”

Phát biểu đề dẫn hội thảo, NSND Thanh Trầm khẳng định, sân khấu cũng như các ngành văn học nghệ thuật khác, bên cạnh những hình tượng mang tính chất sáng tạo thì hình tượng Hồ Chí Minh là một nguồn cảm hứng vô tận, lớn lao để các nghệ sĩ tìm tòi, xây dựng bằng ngôn ngữ đặc thù của mình. Tuy đã gặt hái được nhiều thành công khi thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, để lại những ấn tượng mạnh trong lòng công chúng, song không ít nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên đều cho rằng việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu là một thách thức lớn. Bởi, sân khấu hóa, khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại lại giản dị, gần gũi, vừa có tư tưởng thời đại, vừa thấm đẫm tinh thần dân tộc đòi hỏi giới nghệ sĩ phải có những kịch bản sáng tạo, các thủ pháp nghệ thuật, hình thức thể hiện tinh tế.

Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, NSND Trần Quốc Chiêm cho biết, thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu không chỉ là thỏa mãn nỗi nhớ của công chúng về một con người vĩ đại, về một lãnh tụ gần gũi bằng xương bằng thịt, mà lớn hơn thế là mục đích, là lý tưởng của cuộc sống hôm nay. Những vở diễn như: Đêm trắngLịch sử và nhân chứngVần thơ thépHồ Chí Minh hồi ức mầu đỏ... đã để lại ấn tượng sâu sắc với người xem bởi lối diễn chân thực, dung dị mà gần gũi, lột tả rõ nét chân dung Bác Hồ. Khi hóa thân vào vai diễn Bác Hồ đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tài năng, tâm huyết, đồng thời phải nghiên cứu và sáng tạo cách thể hiện. Một số nghệ sĩ đã tạo dấu ấn trong lòng công chúng bằng vai diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Tiến Thọ, Tiến Hợi, Văn Tân, Hà Văn Trọng, Ngọc Bình, Bùi Bài Bình...

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được vận dụng trong tác phẩm sân khấu - Anh 2

Hình tượng Bác Hồ được xây dựng thành công ở nhiều thể loại sân khấu. Trong ảnh: Cảnh trong vở Đêm trắng của Nhà hát Kịch Việt Nam

NSND Quốc Chiêm nhận định: "Thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu là một quá trình nhận thức, khám phá và sáng tạo lâu dài, đồng thời cũng là một nhiệm vụ mang tính trách nhiệm đặt ra trước giới nghệ sĩ sân khấu, đòi hỏi đội ngũ nghệ sĩ cần tiếp tục vươn lên hơn nữa về nhiều mặt từ ý thức công dân, từ tinh thần nghệ sĩ - chiến sĩ như lời dạy của Bác đến phát huy tài năng và chuyên môn nghề nghiệp để không thỏa mãn với những tác phẩm đã có mà còn tiếp tục phấn đấu tìm tòi sáng tạo không ngừng hướng tới những sáng tác mới mang chất lượng mới về hình tượng Bác Hồ, đáp ứng yêu cầu và sự mong đợi chính đáng của công chúng".

Tác giả Phạm Ngọc Dương (Đoàn cải lương Hoa Mai, Nhà hát Cải lương Hà Nội) cho rằng các thể loại sân khấu (trừ nghệ thuật dân tộc) thuận lợi hơn trong thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi phương pháp sáng tác của kịch nói, xiếc, ca múa nhạc rất gần với đời thường và điều đó làm cho khán giả dễ cảm nhận hơn. Có thể nói việc vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sân khấu thì trong nhiều năm nay, kịch nói đã đi những bước tiên phong, có thể kể đến như Đêm trắngNgười đi dép cao su của Nhà hát Kịch Việt Nam và nhiều vở  diễn của các nhà hát khác. Tuy chưa đạt đến tầm vóc chân thực nhất khi vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào loại hình sân khấu của riêng mình nhưng kịch nói đã làm tốt nhiệm vụ của mình.Tác giả Phạm Ngọc Dương cũng chỉ ra những khó khăn trong dàn dựng các tác phẩm sân khấu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tầm vóc tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở tầm vĩ mô, dù sân khấu có làm cách nào cũng không thể chạm tới. Hay thuận lợi đến mức nào đi chăng nữa thì các tác phẩm cũng chỉ nói được phần nào về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh."Sân khấu muốn vân dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách chân thực nhất thì trước hết những người làm sân khấu phải hiểu cuộc đời, sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người. Đó không chỉ là điều kiện cần mà là điều kiện không thể thiếu của nghệ thuật sân khấu", tác giả Phạm Ngọc Dương nhấn mạnh.

Từ những ý kiến đánh giá tại Hội thảo cho thấy để xây dựng được nhiều hơn nữa tác phẩm về Bác Hồ, hấp dẫn khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, từ đó lan tỏa tới mỗi người dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đòi hỏi các nhà biên kịch, nhất là nhà biên kịch trẻ phải tích cực đọc các tác phẩm của Bác, các tài liệu viết về Người, học hỏi kinh nghiệm của lớp người đi trước. Với đội ngũ diễn viên phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm, trau dồi, rèn luyện kỹ năng diễn xuất… để có thể hóa thân vào vai diễn, tạo dựng được hình tượng Bác Hồ gần gũi, bao dung, giản dị trên sân khấu. Đặc biệt, phải làm nổi bật được những phẩm chất cao đẹp, tầm vóc vĩ đại của Người, tạo sức hấp dẫn đối với công chúng. Bản thân mỗi đơn vị biểu diễn cũng phải thường xuyên cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tác phẩm… Qua đó, truyền tải tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người tới công chúng để mỗi người thêm thấm thía, học và làm theo Bác một cách tự giác, hiệu quả.

THUÝ HIỀN; ảnh: THU HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc