Tọa đàm ra mắt sách về công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc

VHO – Sáng 11.3, tại Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tọa đàm ra mắt sách Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Tọa đàm ra mắt sách về công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc - Anh 1

Tọa đàm đã làm sáng tỏ công lao, một số thành tựu nổi bật của thời kỳ độc lập, tự chủ của Tam Khúc chúa

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, trong tiến trình lịch sử đấu tranh lâu dài và gian khổ của bao thế hệ người Việt nhằm giành lại nền độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân, Tam Khúc chúa đã có công rất lớn trong việc kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc với nghệ thuật chính trị, quân sự, ngoại giao xuất sắc. 

Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá rằng, với việc giành chính quyền từ tay phong kiến ngoại bang (năm 905), Khúc Thừa Dụ đã kết thúc về cơ bản ách thống trị hơn 1.000 năm của phong kiến phương Bắc, thiết lập một chính quyền tự chủ và từng bước xây dựng hệ thống hành chính do người dân bản địa cai quản. Sau đó, Khúc Hạo với cuộc cải cách, cải tổ các đơn vị hành chính từ trung ương đến tận cấp xã, và được tiếp nối dưới thời Khúc Thừa Mỹ đã giúp các Tiết độ sứ họ Khúc nắm được quyền quản lý đất nước đến tận cơ sở là các làng xã - vốn nằm ngoài tầm với của chính quyền đô hộ phương Bắc cho tới thời điểm đó. 

Điều này đã khẳng định rằng, từ tự chủ đến độc lập hoàn toàn là một chặng đường dài, song nếu không có bước đi “tự chủ” đầu tiên của họ Khúc thì sẽ không có nền độc lập dân tộc ngày càng hoàn chỉnh và hùng mạnh ở các triều đại tiếp sau. Khi đánh giá về công lao, vai trò và vị trí của họ Khúc trong lịch sử Việt Nam, các chuyên gia hàng đầu trong nghiên cứu lịch sử dân tộc cũng đã đưa ra đánh giá hết sức thuyết phục rằng: “Sự nghiệp của họ Khúc thật vĩ đại nhưng chưa trọn vẹn… nó chính là bước chuẩn bị trực tiếp cho bước ngoặt hết sức căn bản của lịch sử dân tộc”.

Cuốn Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X trong lịch sử dân tộc Việt Nam do TS Khúc Minh Tuấn chủ biên, tập hợp các bài viết, bài tham luận có giá trị khoa học lịch sử trong Hội thảo “Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc đầu thế kỷ X” do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp cùng Hội Khoa học lịch sử TP.HCM Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức vào tháng 5.2022.

Bên cạnh các bài viết tôn vinh vai trò và công lao của Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, nhất là cuộc cải cách mang tinh thần độc lập dân tộc được tiến hành dưới thời Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ, có nhiều bài viết triển khai hướng nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá thỏa đáng hơn vai trò của Khúc Thừa Mỹ. Cuốn sách giúp bạn đọc có thêm những thông tin, tư liệu chân thực với góc nhìn đa chiều, khách quan khi đánh giá về vị trí, vai trò to lớn của công cuộc trung hưng đất nước mà họ Khúc tiến hành từ sự vận động của lịch sử dân tộc trong thế kỷ X, những bài học lịch sử về nghệ thuật quân sự, sách lược ngoại giao trong buổi đầu dựng nước và giữ nước, đi tới khẳng định: Họ Khúc và công cuộc dựng quyền tự chủ của dòng họ này là một điểm sáng trong lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử chế độ quân chủ Đông Á nói chung.

Tại buổi tọa đàm GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, cuốn sách đã làm rõ hơn nữa vị trí, vai trò của Tam Khúc chúa trong buổi đầu xây dựng nền tự chủ với nghệ thuật chính trị, quân sự, ngoại giao xuất sắc, mềm mỏng, khôn khéo để tránh sự đối đầu với các vương triều phong kiến phương Bắc, tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng phòng thủ đất nước.

Bên cạnh đó, tại tọa đàm nhiều ý kiến, tham luận đã phân tích, đánh giá làm sáng tỏ công lao, một số thành tựu nổi bật của thời kỳ độc lập, tự chủ của Tam Khúc chúa; kế sách giữ gìn nền tự chủ và quyền tự chủ của Tam Khúc chúa thế kỷ X- Ý nghĩa và bài học đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia của Việt Nam hiện nay…, là những tư liệu có giá trị tham khảo tốt, có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn. Đồng thời, góp phần tổng hợp, lưu giữ nguồn sử liệu chính thống về họ Khúc trong lịch sử dân tộc; góp thêm một số ý kiến và nhận định về họ Khúc trong nghiên cứu và giảng dạy môn Lịch sử cho thế hệ học sinh hôm nay và mai sau.

HÀ MINH

Ý kiến bạn đọc