Ngày Thơ Việt Nam năm 2025:
Tiếng nói của thi nhân trong thời đại mới
VHO - Ngày Thơ Việt Nam, một sự kiện văn hóa đặc sắc, đã trở thành cầu nối quan trọng giữa quá khứ và hiện tại, giữa những giá trị truyền thống và tinh thần sáng tạo đương đại.
Mỗi năm, cứ vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, những trái tim yêu văn chương lại cùng nhau hội tụ, tham gia vào không gian thơ ca rộng lớn, nơi những câu từ không chỉ mang đến cảm xúc mà còn là nhịp cầu kết nối giữa các thế hệ, dân tộc và các nền văn hóa trên mọi miền đất nước.
Những vần thơ “cất cánh” cùng dân tộc

Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23, năm 2025, tối 12.2 tại Nhà hát Phạm Thị Trân (Ninh Bình), Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Sở VHTT Ninh Bình tổ chức đêm thơ “Tổ quốc bay lên”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và đánh trống khai mạc.
Phát biểu khai mạc đêm thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, năm nay, Ngày Thơ Việt Nam có chủ đề “Tổ quốc bay lên”, lấy cảm hứng từ câu thơ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân trong tác phẩm Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân.
“Chúng ta chọn tinh thần từ bài thơ của nhà thơ Lê Anh Xuân để bày tỏ sự tôn vinh và lòng biết ơn đối với tất cả những người con trên mảnh đất Việt Nam yêu quý đã dâng hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
Ngày Thơ Việt Nam 2025 tổ chức trong bối cảnh cả nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Với hơn 120 phút, đêm thơ mang đến một không gian nghệ thuật đậm chất trữ tình, nơi những vần thơ vang lên đầy cảm xúc qua các tiết mục ngâm thơ đặc sắc. Những bài thơ không chỉ tái hiện vẻ đẹp của ngôn ngữ mà còn khơi gợi những tầng sâu ý nghĩa về lịch sử, đất nước và con người.
Không chỉ là “sân chơi” của những “cây đại thụ” trong làng thi ca, đêm thơ còn ghi dấu sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ, mang đến hơi thở tươi mới, giúp chương trình trở nên phong phú, đa dạng hơn. Chính sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại đã tạo nên sức hút riêng biệt, khiến người nghe dễ dàng hòa mình vào từng vần điệu.
Đặc biệt, đêm thơ để lại dấu ấn sâu sắc với phần trình bày song ngữ bài thơ Lời thơ tặng mẹ Nguyễn Thị Vẻ của nhà thơ cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl. Ông Bruce Weigl chia sẻ, bài thơ này được viết từ những rung cảm chân thành trong những lần trở về mảnh đất từng in dấu chân ông thời chiến tranh.
Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23, không gian triển lãm trưng bày poster của 20 nhà thơ Việt Nam tiêu biểu được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật cùng các bài thơ cổ và hiện đại về vùng đất Ninh Bình và những hình ảnh đẹp về cảnh sắc, nước non Ninh Bình,... đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. N.M
Giữ “hồn thơ” trong thế giới đương đại
“Thơ hiện nay có nền nhưng thiếu đỉnh, nhà thơ nở rộ như nấm sau mưa, nhưng thơ hay lại hiếm như sao buổi sáng…” - đó là một trong những nhận xét đầy chua chát về diện mạo của thơ Việt Nam đương đại. Giữa một “rừng” vần điệu nhạt nhòa, trăn trở làm sao để thi ca quay về với giá trị đích thực luôn là nỗi lo canh cánh trong lòng mỗi nhà văn, nhà thơ và giới mộ điệu.
Nghệ thuật, trước hết là cái đẹp, và cái đẹp đó phải phản ánh chân thực cuộc sống. Tuy nhiên, nghệ thuật không chỉ là sự trau chuốt bề ngoài mà còn là nơi con người gửi gắm những suy tư, những cảm xúc sâu sắc về hiện thực. Được sinh ra từ cuộc sống, nghệ thuật - và thơ ca - không thể tách rời đời sống và nội tâm con người. Một bài thơ chỉ thực sự có giá trị khi nó phản ánh những rung động chân thành của tác giả, khi từng câu chữ toát lên vẻ đẹp “chân - thiện - mỹ” hoặc bộc lộ được những tâm tư về thế sự.
Thơ không thể trực tiếp thay đổi vận mệnh con người, nhưng lại có sức ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội theo một cách tinh tế và sâu sắc. Trong kỷ nguyên số, khi Internet và phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ, việc sáng tác và tiếp nhận thơ ngày càng đa dạng. Thơ, với ngôn từ sắc sảo và văn phong đặc trưng, không chỉ phản ánh các vấn đề xã hội mà còn truyền tải những thông điệp mới mẻ, có sức lay động mạnh mẽ.

Nhà thơ trẻ Nguyên Như, với hành trình sáng tác từ năm 2019, chia sẻ: “Mỗi ngành nghề đều có trách nhiệm và nghĩa vụ riêng, làm thơ cũng vậy. Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà thơ là sáng tạo bằng cả tấm lòng chân thành nhất của mình”. Đó là lời nhắc nhở về vai trò thiêng liêng của thơ ca trong cuộc sống, rằng thơ không chỉ là nghệ thuật, mà còn là tiếng nói của thời đại và của lòng người.
Tại tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 diễn ra tại Ninh Bình ngày 12.2, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Bình Phương chia sẻ: “Thơ ca không chỉ giúp con người vượt qua những thử thách trong cuộc sống, mà còn là nơi giúp ta nhận ra và tôn vinh những vẻ đẹp của cuộc sống. Thơ là sự chưng cất những giá trị lý tưởng, hướng con người đến những lý tưởng ấy. Thơ giúp con người tìm lại nghị lực sau mỗi vấp ngã và trở thành chỗ dựa trong những thời khắc khó khăn…”.
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ. Thơ trước hết phải hay và có chiều sâu nghệ thuật; hình ảnh trong thơ phải gợi mở, ngôn ngữ tinh tế, cảm xúc phải chạm đến trái tim người đọc. Nếu coi mỗi bài thơ là một ngôi nhà, thì vật liệu xây dựng không chỉ là câu chữ mà còn là cảm xúc, hình ảnh, nhạc điệu, ý tưởng, hình tượng, tứ thơ và suy tưởng. Dù mục đích sáng tác có cao đẹp đến đâu, nếu thiếu đi sức mạnh nghệ thuật thì bài thơ chỉ là những con chữ vô hồn.
Thực tế hiện nay cho thấy, thơ ca Việt Nam đương đại đang dần mất đi sức nặng. Việc tìm kiếm một gương mặt thơ mới hay một hiện tượng thơ nổi bật ngày càng trở nên khó khăn. Chính thực trạng này càng làm nổi bật vai trò quan trọng của trách nhiệm và khát vọng trong mỗi nhà thơ.
Theo nhà thơ Hà Phạm Phú, các thi nhân lớn trong lịch sử đều là những người tiên phong của thời đại, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm xã hội. Thơ có thể phản ánh các vấn đề chính trị, phê phán tệ nạn, quan tâm đến đời sống của người dân, đồng thời góp phần trau dồi gu thẩm mỹ và phẩm chất đạo đức.
Thơ cũng có thể đóng vai trò giao tiếp, kế thừa hoặc tiếp nối văn hóa. Sứ mệnh của nhà thơ là quay lại với xã hội, cảm nhận và mô tả nỗi đau của tầng lớp cần lao, quan tâm đến những đối tượng mà xã hội đang chú ý. Khi thơ chạm vào những vấn đề đó, nó không chỉ là nghệ thuật ngôn từ mà còn trở thành một phần của lịch sử, tinh thần dân tộc và tâm hồn con người.
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình (Hội Nhà văn Việt Nam), nhấn mạnh: Thơ luôn gắn liền với đời sống, phản ánh các vấn đề của thời đại và tạo ra sự kết nối trong những biến động xã hội. Bên cạnh đó, thơ còn mang trong mình khát vọng sáng tạo, tự do và khả năng mở ra những hướng tư duy mới.
Ông khẳng định: “Một nền văn học phát triển bền vững phải gắn liền với tự do sáng tạo. Tự do không có nghĩa là thoát ly khỏi trách nhiệm, mà là sự chủ động trong tư tưởng và cách biểu đạt. Chỉ khi có không gian tự do, nghệ thuật mới có thể chạm tới những tầng sâu nhất của cảm xúc và trí tuệ con người”.
“Một nhà thơ hay nghệ sĩ không chỉ tồn tại qua tác phẩm mà còn bởi sức nặng tư tưởng được gửi gắm trong từng câu chữ. Trách nhiệm của họ là đối diện, phản ánh và đặt ra những câu hỏi lớn về con người, xã hội, không chỉ để làm thơ hay mà còn để chạm đến những vấn đề của thời đại,” PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp bày tỏ.
Mỗi thời đại, nhà thơ lại mang trong mình một trách nhiệm riêng. Trong thời chiến tranh, thơ ca là tiếng gọi yêu nước, động viên tinh thần chiến đấu và trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng. Ở thời hiện tại, nhiệm vụ của thơ là phản ánh những biến chuyển của xã hội, những tâm tư của con người trong kỷ nguyên số, toàn cầu hóa và sự va đập của các giá trị văn hóa.
Thách thức lớn nhất là làm sao giữ gìn bản sắc văn hóa trong khi vẫn đổi mới, để thơ không bị lạc lõng trong dòng chảy thông tin nhanh, sự giải trí trực quan và thị hiếu thay đổi không ngừng. Nhà thơ cần có bản lĩnh, không chạy theo xu hướng mà đánh mất cái tôi nghệ thuật của mình, đồng thời phải tìm cách đưa thơ đến gần hơn với công chúng mà không làm mất đi chiều sâu tư tưởng.

“Bài ca thống nhất” và hành trình dài lâu của thi ca
Cũng trong sáng 12.2, Lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam 2025 với chủ đề Bài ca thống nhất do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức đã chính thức diễn ra. Sự kiện được Thành ủy và UBND TP.HCM đưa vào chuỗi sự kiện các ngày lễ lớn của thành phố, càng khẳng định tình yêu và sức sống của thi ca ở TP.HCM, một đô thị phương Nam có vị trí và tầm vóc đặc biệt trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cho biết, Ngày Thơ Việt Nam năm nay đã chọn chủ đề Bài ca thống nhất để đánh dấu 50 năm non sông liền một dải. Nửa thế kỷ xây dựng và kiến thiết TP.HCM, chúng ta chứng kiến sự hiện diện của những công trình hiện đại phục vụ dân sinh, công tác chăm bồi các giá trị văn hóa mà văn học nghệ thuật giữ vai trò quan trọng, trong đó thi ca luôn có vị trí đặc biệt.
“Bài ca thống nhất là cột mốc để chúng ta nhìn lại và tôn vinh thi ca Sài Gòn - TP.HCM trong cội nguồn thi ca Việt Nam, trong đó có dòng chảy cuồn cuộn phù sa của thi ca phương Nam. Bởi lẽ, thi ca đã đồng hành chiều dài mở mang bờ cõi của cha ông chúng ta. Đất đai khẩn hoang đến đâu thì thi ca xuất hiện ở đó…
Mọi biến động lịch sử đều có sự dự phần của thi ca. Mỗi nhà thơ đều tuân theo mệnh lệnh từ trái tim mình, là sẻ chia vui buồn cùng mỗi thăng trầm của thời cuộc, của đời sống xã hội và của dân tộc”, nhà văn Bích Ngân bày tỏ.
Sau phần khai mạc, những bài hát được phổ nhạc từ thơ mang âm hưởng ngợi ca và tự hào về truyền thống bảo vệ và giữ gìn đất nước như: Đất nước (thơ Tạ Hữu Yên, nhạc Phạm Minh Tuấn), Ngày mai anh lên đường (thơ Lê Giang, nhạc Thanh Trúc), Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền, nhạc Hoàng Hiệp)… đã được các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen trình bày.
Đặc biệt, phần giao lưu với chủ đề Chúng tôi làm thơ và đánh giặc cùng các nhà thơ: Nguyễn Bính Hồng Cầu, Trần Thế Tuyển, Đặng Nguyệt Anh và phần giao lưu Giọng thơ trẻ ở thành phố trẻ cùng các nhà thơ trẻ: Trần Đức Tín, Đoàn Nguyễn Anh Minh và Trần Trọng Đoàn.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TP.HCM, Phó ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam năm 2025 tại TP.HCM cho rằng: “Thi ca TP.HCM đang có sự chuyển dịch rất lớn trong đội ngũ những người làm thơ, nhất là gen Z. Họ sáng tác không câu nệ vào niêm luật truyền thống, họ viết như một cách giải phóng toàn bộ cảm xúc và ý tưởng của mình…”.
Chia sẻ tại sự kiện, Trần Trọng Đoàn, tác giả trẻ sinh năm 2004 bày tỏ: “Chủ đề Bài ca thống nhất đã mang đến cho em nhiều cảm xúc, đó là lòng biết ơn sâu sắc dành cho tiền nhân, những anh hùng đã không tiếc máu xương cống hiến cho đất nước hòa bình, độc lập, tự do; cho Thành phố xinh đẹp, nghĩa tình, hiếu khách và đang từng giờ vươn mình phát triển. Đó cũng là tình cảm em dành cho các nhà thơ - những người không chỉ mang vẻ đẹp đến cho đời bằng thi ca, mà còn là những chiến sĩ anh hùng”.
Không chỉ là dịp để những người yêu thơ được sống trong không gian nghệ thuật đầy cảm xúc, Ngày Thơ Việt Nam 2025 còn góp phần mang đến cho công chúng cái nhìn toàn cảnh về nền thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung và chặng đường phát triển của nền thi ca TP.HCM nói riêng trong suốt nửa thế kỷ qua.