Thứ trưởng Tạ Quang Đông: “HANIFF VII sẽ là một kỳ LHP truyền cảm hứng, giàu sáng tạo”
VHO - Khẳng định LHP quốc tế Hà Nội lần VII (HANIFF VII) là hoạt động văn hóa trọng điểm trong năm 2024 do Bộ VHTTDL phối hợp cùng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo thực hiện, Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trưởng BCĐ LHP cho biết, HANIFF VII trong những ngày qua đã nhận được sự quan tâm, đón chờ của đông đảo nghệ sĩ, khán giả điện ảnh...
Theo Thứ trưởng, sự lan tỏa của HANIFF VII sẽ góp phần quảng bá rộng rãi, đưa Hà Nội- Việt Nam trở thành điểm đến mới, đầy hấp dẫn trên trên bản đồ điện ảnh năm châu.
Sáng nay 5.11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trưởng BCĐ LHP đã chủ trì cuộc họp báo công bố nội dung thông tin LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII).
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, với khẩu hiệu “Điện ảnh Sáng tạo - Cất cánh”, LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND TP. Hà Nội chỉ đạo; Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Sở VHTT Hà Nội tổ chức, diễn ra từ ngày 7- 11.11 tại Hà Nội. LHP cũng là hoạt động thiết thực Kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản thủ đô Hà Nội (10.10.1954 - 10.10.2024).
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, Trưởng BTC LHP cho biết, từ hơn 500 bộ phim đăng ký tham dự, các Ban sơ tuyển và chung tuyển của LHP đã tuyển chọn được 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ để chiếu trong các Chương trình phim của LHP. Những bộ phim đa sắc màu phong cách thể hiện độc đáo, sáng tạo, hứa hẹn tạo nên một kỳ LHP sôi nổi, sống động, giàu bản sắc.
Trong 117 phim dài và phim ngắn tham dự LHP có 65 phim nước ngoài và 52 phim Việt Nam. Trong đó có 10 phim dài dự thi , gồm 9 phim dài dự thi nước ngoài đến từ các nước: Thụy Sĩ, Liên bang Nga, Bỉ, Thụy Điển, Đức, Estonia, Hàn Quốc, Iran, Ấn Độ, Pháp và 01 phim truyện dài Dự thi của Việt Nam là phim Ngày xưa có một chuyện tình, một phim mới của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, năm sản xuất 2024; Đơn vị sản xuất: Công ty CP sản xuất phim Hoan Khuê.
19 phim ngắn dự thi, trong đó 11 phim nước ngoài đến từ các nước: Colombia, Trung Quốc, Iran, Serbia, Campuchia, Hoa Kỳ, Mexico, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Hy Lạp và 8 phim Việt Nam bao gồm các thể loại tài liệu, hoạt hình, phim truyện;
Có 7 phim trong Chương trình Tiêu điểm Điện ảnh Đức. Chương trình toàn cảnh điện ảnh thế giới (Panorama) có 38 phim trong đó có 23 phim dài, 15 phim ngắn. Chương trình phim Việt Nam đương đại có 34 phim trong đó có 22 phim truyện, 06 phim tài liệu, 06 phim hoạt hình.
Chương trình phim Việt Nam chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024) sẽ chiếu 9 phim về Hà Nội, trong đó có 4 phim truyện, 1 phim tài liệu, 4 phim hoạt hình.
HANIFF VII sẽ chính thức được Khai mạc tại Nhà hát Hồ Gươm vào lúc 20 giờ ngày 7.11, được truyền hình trực tiếp trên Đài PTTH Hà Nội và livestream trên các nền tảng mạng xã hội để phục vụ đông đảo công chúng mến mộ điện ảnh.
Lễ Bế mạc và Trao giải thưởng diễn ra lúc 20h00 ngày 11.11 tại Nhà hát Hồ Gươm; truyền hình trực tiếp trên VTV2, ĐTHVN.
“Điều đặc biệt là tại HANIFF VII, sân khấu và các không gian, hoạt động… đều được thiết kế đậm nét, tôn vinh những giá trị di sản và văn hóa truyền thống.
Ý tưởng của kịch bản Lễ Khai mạc và Lễ Bế mạc, trao giải thưởng lấy cảm hứng từ nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống đan xen những công trình kiến trúc hiện đại mang tính biểu tượng của Hà Nội, tạo nên không khí tươi trẻ, tràn đầy sức sống, phù hợp với không gian của một LHP Quốc tế, nơi mà nghệ thuật và văn hóa được tôn vinh và phát triển.
Hình ảnh chủ đạo tại Lễ Khai mạc và Lễ Bế mạc - Trao giải thưởng toát lên tinh thần Á Đông sâu sắc, vừa đậm chất truyền thống Việt Nam, vừa mang nét thẩm mỹ thanh lịch, tinh tế của người Hà Nội”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết.
Trong khuôn khổ LHP, bên cạnh trung tâm là “đại tiệc phim” còn diễn ra nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn. Triển lãm "Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh" giới thiệu khoảng 200 hình ảnh trong phim của những nhà làm phim trong nước và quốc tế ghi lại những hình ảnh về các di sản của Việt Nam đã được UNESCO công nhận. Triển lãm được khai mạc vào 11h00 ngày 7.11.2024 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
2 Hội thảo trong khuôn khổ LHP gồm: Chủ đề "Tiêu điểm Điện ảnh Đức" diễn ra ngày 8.11 nhằm trao đổi những bài học kinh nghiệm về sản xuất phim của Điện ảnh Đức; Cách khai thác đề tài mang tính con người, xã hội và nhân văn; Phân tích cách kể chuyện đa chiều sáng tạo, xu hướng làm phim của Điện ảnh Đức hiện nay.
Hội thảo "Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học" diễn ra ngày 9.11, đặt ra những vấn đề khi chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh, đổi mới tư duy của các nhà làm phim khi khai thác đề tài lịch sử; Hội thảo đưa ra một số giải pháp nâng tầm và phát triển các dòng phim, kinh nghiệm của quốc tế.
Chợ dự án phim trong khuôn khổ LHP là nơi hỗ trợ các nhà sản xuất, đạo diễn và biên kịch trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương giới thiệu dự án làm phim của mình với các nhà đầu tư, các chuyên gia điện ảnh trong nước và nước ngoài thông qua hội thảo, workshop và các sự kiện networking diễn ra trong khuôn khổ chương trình.
Chợ Dự án không chỉ là nơi gặp gỡ và trải nghiệm của các nhà sản xuất, đạo diễn và biên kịch, các nhà làm phim trẻ triển vọng có mong muốn giới thiệu dự án phim mà còn là nơi đem đến cho họ cơ hội phát triển dự án phim cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận với các nhà sản xuất, đơn vị phát hành, liên hoan phim và các nhà đầu tư.
“Điều đặc biệt, năm nay chợ dự án nhận được số dự án đăng ký kỷ lục gần 70 dự án đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự. Chất lượng các dự án năm nay được đánh giá rất tốt và đa dạng.
Chợ dự án năm nay cũng không chỉ mời các phim tác giả mà còn có sự tham gia của cả các dự án hướng tới khán giả và thương mại nhiều hơn, phản ánh đúng hơn bối cảnh các phim tham dự chợ dự án cũng như cổ vũ cho sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim khán giả của châu Á trong thời gian gần đây”, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết.
Từ gần 70 dự án đăng ký, có 8 dự án chất lượng được tuyển chọn để trao giải thưởng, gồm 4 dự án quốc tế và 4 dự án nổi bật của Việt Nam.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho LHP, bà Lê Thị Ánh Mai, Phó Giám đốc Sở VHTT TP Hà Nội cho biết: Hà Nội đã sẵn sàng tiếp đón các đại biểu, khách quý, các nghệ sĩ tham dự LHP. Các rạp chiếu phim có chất lượng tốt nhất và địa điểm chiếu phim ngoài trời tại Hà Nội đã được chọn lựa kỹ lưỡng để chiếu các bộ phim tham dự LHP, nhằm phục vụ khán giả một cách tốt nhất.
Hà Nội cũng sẽ tổ chức chương trình Gala dinner tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám, với một chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Trong khuôn khổ LHP, các đại biểu, khách mời, nghệ sĩ trong nước và quốc tế cũng có cơ hội tham quan, chiêm ngưỡng và khám phá những di sản văn hóa, điểm đến đặc biệt của Thủ đô như Di tích Hỏa Lò, Tháp nước phố Hàng Đậu và Nhà hát Lớn Hà Nội.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ: “Với tiềm năng sáng tạo dồi dào, LHP quốc tế Hà Nội chính là điểm đến quan trọng để các nhà làm phim trong nước và quốc tế cùng giao lưu, hợp tác, đề cao các tác phẩm điện ảnh mang dấu ấn sáng tạo, giàu giá trị nhân văn, phát hiện và vinh danh những tài năng mới của điện ảnh.
Đồng thời, đây cũng là sự kiện quy mô lớn, chất lượng tốt nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp điện ảnh Việt Nam. LHP là sự kiện quan trọng không chỉ của điện ảnh mà qua đó còn góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, Thủ đô Hà Nội an toàn, thân thiện, mến khách và hội nhập.
Thứ trưởng tin tưởng, với kinh nghiệm tổ chức và sự chuẩn bị chu đáo, LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII sẽ được tổ chức thành công. Thương hiệu HANIFF tiếp tục được khẳng định, nâng cao vị thế, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa Hà Nội và đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.