Sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi Việt Nam:

Thoái trào và ảm đạm?

THÙY TRANG

VHO - Âm nhạc thiếu nhi là một trong những thể loại quan trọng của nền âm nhạc mới Việt Nam, đồng thời là phương tiện giáo dục hiệu quả cho thế hệ tương lai của đất nước… Thế nhưng, trong hơn thập kỷ qua, thể loại nghệ thuật này đã và đang rơi vào thoái trào, ảm đạm, không còn thấy những bài hát thực sự đi vào đời sống thiếu nhi nước nhà.

 Thay vào đó là sự phát triển mạnh mẽ những gameshow, cuộc thi âm nhạc dành riêng cho các bạn nhỏ có tài năng ca hát. Giới trẻ phải đối mặt với những tiêu cực, áp lực, “drama” từ chương trình, bị ảnh hưởng bởi sự ganh đua không lành mạnh, làm mất đi sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ.

Thoái trào và ảm đạm? - ảnh 1
Tiết mục trình diễn tại Liên hoan “Tiếng hát họa mi” do Thành đoàn và Nhà thiếu nhi TP.HCM tổ chức - một trong các sân chơi hiếm hoi về âm nhạc dành cho thiếu nhi TP hiện nay

Không có chỗ đứng

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM cho biết: “Hơn 10 năm qua, Hội Âm nhạc TP chú trọng đẩy mạnh, phát huy chất lượng của hoạt động sáng tác ca khúc thiếu nhi. Hội đã thực hiện trang YouTube “Thư viện âm nhạc thiếu nhi, tuổi hồng” với gần 400 ca khúc mới, cho phép người truy cập sử dụng miễn phí, kể cả nhạc nền. Tuy nhiên, sức lan tỏa của thư viện vẫn còn nhiều hạn chế…”.

Tại Hội thảo khoa học Âm nhạc Thiếu nhi do Hội Âm nhạc TP.HCM phối hợp với Nhà Thiếu nhi TP tổ chức cuối tuần qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ: “Tôi cho rằng những bài hát thiếu nhi có thể góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách một đứa trẻ. Thường xuyên được nghe nhạc, tiếp xúc với âm nhạc, học nhạc và chơi nhạc, trẻ sẽ có xu hướng ít bạo lực hơn, bởi một đứa trẻ biết yêu thương thì sẽ không làm tổn thương người khác”.

Thế nhưng, không khó để nhận ra rằng, từ sau giai đoạn hoàng kim mà đại diện tiêu biểu là bé Xuân Mai, âm nhạc thiếu nhi không còn xuất hiện những bài hát mới thật sự đi vào đời sống các bé. Không còn những chương trình, sân chơi đậm chất thiếu nhi và dành cho đông đảo các bạn nhỏ như “Những bông hoa nhỏ”, “Đồ rê mí”… mà thay vào đó là sự phát triển mạnh mẽ của những gameshow, cuộc thi, nơi các bé được chọn hoặc bị chọn biểu diễn những bài hát khó, kỹ thuật cao, nội dung phức tạp để cho người lớn chấm điểm, đánh giá và những người lớn khác xem.

“Bản thân tôi cũng từng làm ban giám khảo hoặc giám đốc âm nhạc cho những cuộc thi như vậy, bên cạnh mặt tích cực là các con được rèn luyện kỹ năng xử lý ca khúc và biểu diễn sân khấu như những nghệ sĩ chuyên nghiệp, thì có rất nhiều tiêu cực và câu chuyện buồn lòng”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ, đồng thời cho biết, không ai chọn cho các em những bài hát thiếu nhi vì “đơn giản quá, ngắn quá, dễ quá”, không thu hút rating… Vì thế, họ dễ dàng bỏ qua kho nhạc thiếu nhi được sáng tác ra mỗi năm bởi những nhạc sĩ có tâm huyết, dù luôn miệng kêu “thiếu nhạc thiếu nhi”, nhưng thực chất là không ai tìm, không ai nghe và không ai chọn?!

Không còn “đất dụng võ”, âm nhạc thiếu nhi mới không có chỗ đứng. Không còn nơi sản xuất, không còn phương tiện truyền thông lan tỏa, các nhạc sĩ dù có tâm huyết, dù vẫn viết, nhưng không phải ai cũng có khả năng tự sản xuất; thiếu các giải thưởng tôn vinh, thiếu sự quan tâm đặc biệt của các ban, ngành, giới nhạc sĩ mất đi niềm tự hào và động viên khi sáng tác nhạc cho thiếu nhi, nhất là nhạc sĩ trẻ. Đương nhiên, họ sẽ đầu tư thời gian, chất xám, tâm huyết, tiền bạc vào dòng nhạc giúp họ dễ dàng thu được lợi nhuận và danh tiếng.

Chính vì những điều trên mà âm nhạc thiếu nhi nước nhà không thể phát triển và lan tỏa được thật sự được trong suốt 10 năm qua. Theo nhạc sĩ Văn Thành Nho, do thiếu hụt ca khúc thiếu nhi hay, nên con em chúng ta thường xuyên xem, nghe nhạc người lớn hoặc nhạc thiếu nhi nước ngoài. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và hành vi của trẻ. Ở chiều ngược lại, do sức hút của thể loại này còn hạn chế, nên các chương trình truyền hình, sân khấu âm nhạc dành cho thiếu nhi chưa thu hút được sự quan tâm của giới trẻ.

Còn nhiều cái khó

Nhạc sĩ Văn Thành Nho cũng cho rằng, sáng tác ca khúc thiếu nhi là lĩnh vực đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự thấu hiểu tâm hồn các bé; giai điệu và ca từ tuy đơn giản nhưng phải hấp dẫn, vui tươi, dễ hát, dễ nhớ. Tuy nhiên, đơn giản không đồng nghĩa với việc thiếu sáng tạo, nhạc sĩ phải “thổi hồn” để ca khúc thu hút được sự quan tâm, yêu thích của lứa tuổi măng non. Vì vậy, sáng tác cho thiếu nhi không phải nhạc sĩ nào cũng có thể làm tốt.

Với tư cách là một nhạc sĩ tự thân sáng tác, tự thân sản xuất và truyền thông dự án “300 bài hát thiếu nhi” trong suốt hơn 10 năm qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: Vốn dĩ trách nhiệm của nhạc sĩ chỉ là sáng tác, thế nhưng khi sáng tác xong thì chỉ là một văn bản có in những nốt nhạc, sẽ không có bé nào đọc và hiểu được, vì thế phải đầu tư để hòa âm, thu âm, thậm chí phải bỏ tiền để quay MV hoặc làm clip hoạt hình vì các bé không chỉ nghe mà chúng rất thích xem…

Theo nam nhạc sĩ, từ lúc anh sáng tác và lập kênh YouTube “300 bài hát thiếu nhi”, đến giờ đã đầu tư vào đây hơn 2 tỉ đồng, nhưng chưa thu lại được bao nhiêu. Anh cho biết, hiện tại chưa có môi trường phát triển chính thức, bắt buộc và được ưu tiên cho âm nhạc thiếu nhi như ngày xưa. Các đài truyền hình, đài phát thanh không còn khung giờ vàng cho thiếu nhi; các kênh YouTube của các đơn vị này cũng không đầu tư cho các chương trình âm nhạc tuổi hồng; các trường mầm non, tiểu học chưa có sự chỉ đạo sâu sát và hướng dẫn truy cập, tham khảo, sử dụng kho nhạc thiếu nhi mới được sáng tác bởi các nhạc sĩ từ các Hội Âm nhạc, Hội Nhạc sĩ…

Bên cạnh những cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi thì thị trường âm nhạc hiện tại không có bất kỳ một giải thưởng lớn nào tôn vinh các ca khúc và nhạc sĩ sáng tác nhạc thiếu nhi. Điều đó khiến cho các nhạc sĩ viết mảng nhạc này cảm thấy thời gian và tâm sức mình bỏ ra bị phí hoài, những cống hiến không được trân trọng xứng đáng.