Thí sinh đa sắc màu tại “Học viện Cải lương”
VHO - Có khoảng 300 thí sinh có mặt tại TP.HCM để tham gia thi tuyển vòng sơ khảo của Học viện Cải lương - chương trình truyền hình thực tế về đào tạo nghệ sĩ cải lương thế hệ mới do NSND Bạch Tuyết và các cộng sự sáng lập.
Không khí chia sẻ thân tình giữa nghệ sĩ, thí sinh và người nhà tại buổi thi tuyển vòng sơ khảo
Mong chờ thế hệ nghệ sĩ trẻ kế thừa
Tại đây, các thí sinh làm thủ tục, trò chuyện với các giám khảo, sau đó phỏng vấn kín cùng BTC, thể hiện kỹ năng ca diễn. Chương trình xây dựng theo dạng học viện có Viện trưởng là NSND Bạch Tuyết. Các nghệ sĩ cải lương Châu Thanh, Thanh Hằng cùng “thầy đờn” - nhạc sĩ, NSND Thanh Hải đồng hành xuyên suốt với thí sinh trong chương trình.
Ở tuổi 80, NSND Bạch Tuyết vẫn khoẻ mạnh, tràn đầy nhiệt huyết. Bà cho biết rất vui khi phần lớn thí sinh tham gia chương trình thuộc gen Z. Bởi họ - cùng thế hệ khán giả của mình sẽ tiếp nối các giá trị và tạo ra một bản sắc cải lương phù hợp với xã hội đương thời: mới, hay, đẹp, đa dạng (tương thích trên đa nền tảng) và hữu ích cho cuộc sống.
Bà dành nhiều thời gian trò chuyện cùng thí sinh trước khi họ đến với các phần thi quan trọng. Đặc biệt, bà đưa ra đề nghị các bạn nên chủ động, tự tin đưa ra ý kiến mà không chờ sự chỉ định. Chủ động, tự tin là điều bà mong chờ ở các thí sinh của “Học viện Cải lương”, của thế hệ nghệ sĩ tiếp nối.
“Tôi sinh ra trước, nên nay lớn tuổi hơn các bạn. Nhưng tâm và ý không tuổi. Hai yếu tố này quyết định cuộc đời chúng ta. Tâm và ý sinh tướng, tác động đến vẻ đẹp. Ý nghĩ lành, tâm lành, thì mọi sự phát triển tốt đẹp. Vì thế, tại đây không có ranh giới giữa người nhiều tuổi và người ít tuổi, người nổi tiếng hay không nổi tiếng. Chúng ta công bằng trong tình yêu, khát vọng dành cho cải lương và văn hóa Việt”, NSND Bạch Tuyết tâm sự với thí sinh.
Các bạn trẻ không ngần ngại thử sức tại sân chơi nghệ thuật mới
Tại đây, NSND Bạch Tuyết cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm làm nghề cho các bạn trẻ. Theo bà, để nổi tiếng thì nghệ sĩ cần quan sát kỹ mọi tình huống, hoàn cảnh trong cuộc sống; nhiều tâm lý, tính cách, vai trò khác nhau của con người, từ đó tổng hợp thành vốn liếng, là chất liệu thực cho đời sống sân khấu.
Theo NSND Bạch Tuyết, hơn một trăm năm tồn tại, nghệ thuật cải lương đã đồng hành cùng dân tộc và văn hóa dân tộc. Là tiếng lòng của người dân qua từng thời đoạn, là tiếng nói yêu nước, chống giặc ngoại xâm, là tự tình của mỗi con người, số phận… Và hiện nay, cải lương vẫn đi cùng “đường dân tộc đang đi”. Vì thế, là nghệ sĩ cải lương; hay ấp ủ tình yêu dành cho cải lương bạn đang đến gần nó thì cũng đều cần có một sự học hỏi nhau, trao cho nhau nguồn năng lượng tích cực để ca, để diễn, để phục vụ công chúng.
Vì thế, bà hy vọng trong điều kiện “thế giới phẳng” hiện nay, tất cả sẽ nắm được lợi thế không-biên-giới để cùng giúp cải lương tồn tại, phát triển. “Vào chương trình này, các bạn cần học hát, học nghề, là hiển nhiên. Nhưng tôi mong đầu tiên các bạn học làm người - như lời thầy tôi, NSND Phùng Há đã từng dạy chúng tôi - trở thành thế hệ nghệ sĩ tiếp nối một cách xứng đáng”, bà tâm sự.
Thí sinh 15 tuổi dự thi
Trong 300 thí sinh đến dự sơ tuyển, chia thành 3 nhóm chính: người yêu thích nhưng chưa biết hát cải lương; người có khả năng hát nhưng chưa được đào tạo bài bản; người đã hoạt động chuyên nghiệp.
Đáng chú ý, có nhiều gương mặt khá trẻ, trong đó, Nguyễn Hoàng Lâm mới 15 tuổi, hiện đang sống, học tập tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hoàng Lâm cho biết em mê ca từ khi còn nhỏ. Em biết đến cuộc thi thông qua mạng xã hội.
Gia đình không ủng hộ Hoàng Lâm theo đuổi công việc ca hát. Tuy nhiên, cô em hiểu và ủng hộ. Vì thế, cô cho tiền Hoàng Lâm để từ Vũng Tàu lên TP.HCM dự thi sơ tuyển. Khi đi, em có thông báo cho gia đình. Nhờ cô nên ba mẹ đồng ý để Lâm đi.
“Em học hát ở nhà, cũng có đi hát đám ma. Ba mẹ sợ em khổ khi theo nghề. Em muốn tham gia chương trình để có cơ hội học nghề nhiều hơn”, Hoàng Lâm nói.
Bộ ba gồm NSND Bạch Tuyết, nghệ sĩ Châu Thanh, Thanh Hằng đồng hành với thí sinh trong chương trình
Trong khi đó, em Huỳnh Bảo Nhi (15 tuổi, học sinh lớp 10 tại trường THPT Việt Âu, Quận 12, TP.HCM) được mẹ điền đơn đăng ký dự thi. Em có đam mê với nghệ thuật cải lương, nhưng chưa được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp. Em mong có cơ hội để cọ xát, rèn luyện thêm.
Chị Đặng Thị Trúc Linh (mẹ của Bảo Nhi, Kiên Giang) ủng hộ con gái theo con đường nghệ thuật. Chị nói: “Tôi sống ở quê nên không có điều kiện cho con theo trường lớp học nghệ thuật chuyên nghiệp. Tôi cứ động viên con đi thi, nhưng không nghĩ chuyện thắng thua hay áp lực. Tôi mong con có môi trường để học hỏi, tự tin hơn, hoàn thiện kỹ năng. Tôi cũng biết không thể bước một bước là chinh phục được đam mê”.
Bảo Nhi đi hát từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, gia đình vẫn nhắc nhở, đảm bảo Nhi cân bằng được việc học và đam mê. Gia đình biết việc theo đuổi cải lương trong bối cảnh hiện tại khó khăn, nhiều thử thách nhưng tôn trọng sở thích, ý muốn của con.
Chị Hồng Phi (30 tuổi, An Giang) là người chuyển giới nữ, hiện đang làm giám đốc một doanh nghiệp cộng đồng, một nhà hoạt động xã hội cho cộng đồng LGBTQ+. Chị từng theo học và tốt nghiệp tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. NSND Bạch Tuyết từng dạy chị.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, chị Hồng Phi làm công việc khác, những năm qua, chị vẫn nuôi dưỡng tình yêu với cải lương. Đến với chương trình, chị muốn tiếp tục gìn giữ nghệ thuật cải lương, cũng mong mang đến hình ảnh người chuyển giới có đóng góp tích cực cho xã hội.
Một số gương mặt từng đạt thành tích cao tại một số cuộc thi, chương trình cũng góp mặt tại sân chơi này
Mỹ Lệ (24 tuổi, Bạc Liêu) từng dự thi Chuông vàng vọng cổ, Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc, đạt một số thành tích. Mỹ Lệ mong qua đây có thể học thêm nhiều kỹ năng mới, hoàn thiện mình, có cơ hội thể hiện nhiều vai diễn hơn. Chị Nguyễn Thị Trúc Linh (35 tuổi), hiện đang làm MC, thích ca diễn từ nhỏ. Bây giờ chị muốn theo đuổi đam mê, với tâm thế thoải mái.
Tại buổi tuyển chọn, BTC đã “tình cờ” tiếp một vị khách quốc tế đang muốn tìm hiểu về cải lương, âm nhạc Nam Bộ. Đây lại trở thành là một “bài thi” cho các thí sinh. Và điều thú vị là nhiều thí sinh đã cho thấy kỹ năng ngoai ngữ khá tốt, các bạn trực tiếp giới thiệu, trao đổi về cải lương khiến vị khách ngoại quốc ngạc nhiên và thấy rất thú vị, bổ ích.
Một trong những tiêu chí của Học viện Cải lương là ưu tiên các thí sinh có khả năng tiếng Anh, bởi kỳ vọng được đặt ra trong chương trình là sẽ tạo nhịp cầu văn hóa để các thí sinh trong/sau khi rời cuộc thi vẫn tiếp tục đồng hành, giới thiệu, giao lưu, trình diễn nghệ thuật cải lương đến du khách quốc tế.
Sau vòng sơ khảo, Ban giám khảo chọn 50 thí sinh bước vào vòng kế tiếp. Chương trình lên sóng từ tháng 4.2024 trên kênh truyền hình Today TV và kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết.
Học viện Cải lương là chương trình truyền hình thực tế gồm 12 tập, với tổ hợp gồm đào tạo - tranh tài - trình diễn, hướng đến xây dựng hình ảnh nghệ sĩ cải lương thế hệ mới, không chỉ làm nghề, mà còn làm văn hoá. Chương trình trang bị những kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca - diễn cải lương; tạo không gian từ sàn tập đến sàn diễn cho các học viên để từng bước trở thành một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp. Đồng thời chương trình cũng hướng đến việc đào tạo họ là một người hoạt động văn hóa, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa - nghệ thuật nước nhà. Đối tượng dự thi từ 16-40 tuổi, hội tụ đầy đủ những yếu tố của nghệ thuật ca kịch. Thí sinh biết ngoại ngữ cũng là một lợi thế. |
THÙY TRANG; ảnh: BTC