Thành tựu của nhiếp ảnh Việt Nam 50 năm phát triển cùng đất nước
VHO - Chiều 18.11, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Nhiếp ảnh Việt Nam – 50 năm phát triển cùng đất nước”, nhằm khẳng đánh giá toàn diện những thành tựu nổi bật của nhiếp ảnh Việt Nam qua chặng đường nửa thế kỷ; đồng thời nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển, thực hiện mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống khẳng định, sau ngày đất nước thống nhất, các thế hệ yêu thích, đam mê và trách nhiệm với nhiếp ảnh đã đoàn kết, chung sức, với nghĩa vụ công dân, ý thức phấn đấu “văn nghệ sĩ là chiến sĩ” đã có mặt và ghi lại những hình ảnh chân thực, phản ảnh các dấu mốc quan trọng của lịch sử phát triển đất nước Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XIX.
Nhiều hình ảnh vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng đã được giới thiệu với nhân dân thế giới, được lưu giữ thành tư liệu lịch sử.
Nửa thế kỷ qua cũng là thời kỳ quan trọng ghi nhận đội ngũ các nhà nhiếp ảnh Việt Nam phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Hội đã có 1.075 hội viên, đang hoạt động sáng tạo ở tất cả các tỉnh thành, các chi hội trong cả nước, đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc phát triển văn hóa dân tộc.
Nhiếp ảnh đang thật sự trở thành hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống nghệ thuật, đời sống văn hóa tinh thần của con người không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh cũng cho biết, hội thảo đã nhận được 27 bài tham luận của 26 tác giả là các nhà khoa học, nhà quản lý, nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Các ý kiến tập trung tổng kết, đánh giá toàn diện và sâu sắc những thành tựu nổi bật của nhiếp ảnh Việt Nam qua chặng đường nửa thế kỷ; cùng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển, thực hiện mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Trong đó, những vấn đề được các đại biểu nhấn mạnh như: cơ chế, chính sách cụ thể về nhiếp ảnh, đào tạo nhân lực, nhất là tài năng trẻ, việc xây dựng công nghiệp nhiếp ảnh, sự kết hợp giữa nhiếp ảnh và các ngành kinh tế khác như du lịch, công tác lý luận phê bình, việc chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ số để quảng bá, thương mai tác phẩm ảnh nghệ thuật…
Nhiếp ảnh là một môn nghệ thuật có ngôn ngữ dễ tiếp cận và tính phổ biến cao trong đời sống xã hội. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhiếp ảnh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Nhiếp ảnh Việt Nam ngày càng đa dạng và phong phú về chủ đề và phong cách.
Với đặc trưng là loại hình nghệ thuật đặc biệt chép sử bằng hình ảnh - nhiếp ảnh đã, đang là một trong những công cụ tuyên truyền đắc lực, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước.
Trải qua 50 năm, nhiếp ảnh nghệ thuật đồng hành cùng sự phát triển của đất nước bằng việc cổ vũ, động viên, truyền thông mạnh mẽ bằng thị giác, cảm xúc, đưa đến cho mọi tầng lớp nhân dân những hình ảnh hiện thực, sinh động, tạo ra ngày càng nhiều hơn những bức ảnh có giá trị ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam, tiềm năng Việt Nam, con người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước.
Phát biểu tại hội thảo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhấn mạnh, nhìn lại 50 năm xây dựng, phát triển, nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Các tác giả đã thể hiện qua các tác phẩm triển lãm và giải thưởng những hình ảnh thông qua thời gian sự đổi mới đi lên của đất nước, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị, sống mãi với thời gian.
Hàng nghìn nghệ sĩ và các nhà nhiếp ảnh trên khắp mọi miền đất nước, từ thế hệ các nhà nhiếp ảnh lão thành, thế hệ các nhà nhiếp ảnh trong thời kỳ đổi mới đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ xây dựng nền nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hàng triệu bức ảnh đã được công bố trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước từ năm 1975 đến nay; những tác phẩm của nhiều tác giả Việt Nam được triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới và nhiều tỉnh thành trong nước thông qua các cuộc thi và đang lưu giữ trong các bảo tàng Trung ương và địa phương; các ngành văn hóa, kinh tế, xã hội... là công sức lao động, sáng tạo của nhiều thế hệ các nhà nhiếp ảnh Việt Nam.
“Có thể nói, nhiếp ảnh Việt Nam đã thể hiện hình ảnh thông qua các tác phẩm về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam; về sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những thành tựu của nhiếp ảnh đã góp phần làm phong phú cho hoạt động văn học nghệ thuật, minh chứng cho các chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhiếp ảnh còn có giá trị truyền thông mạnh mẽ hiện thực, tạo niềm tin cho công chúng trong mọi thời đại.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, phát huy thành tích đã qua, cùng với sự phát triển của đất nước, nhiếp ảnh Việt Nam quyết tâm có những bứt phá ngoạn mục hơn nữa, hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh, giàu mạnh”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh.