Tăng cường công tác quản lý văn hóa nghệ thuật: Phối hợp liên ngành để ngăn chặn những biểu hiện “lệch chuẩn”
VHO - “Điểm nổi bật của Dự thảo chính là tạo nên sức mạnh liên ngành với sự phối hợp của các Ban, Bộ, ngành liên quan để đưa ra các giải pháp tăng cường công tác quản lý văn hóa nghệ thuật, có đủ sức răn đe với các trường hợp nghệ sĩ có phát ngôn, cư xử, lối sống không phù hợp, làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội”…
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì cuộc họp
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã khẳng định điều này tại cuộc họp xây dựng Quy trình thí điểm phối hợp phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Cuộc họp do Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì làm việc với đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Cục Điện ảnh, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục NTBD… Thứ trưởng cho biết, sau khi Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật được ban hành, việc xây dựng Quy trình thí điểm phối hợp phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là việc làm cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Theo Thứ trưởng, đây là hoạt động có ảnh hưởng lớn đến xã hội, vì vậy, cần cơ sở pháp lý rõ ràng, căn cứ trên những vấn đề được pháp luật cho phép song cũng đảm bảo tính hiệu quả, thực tế và có sức răn đe. Vì vậy, lãnh đạo Bộ mong muốn nghe những ý kiến góp ý cho việc xây dựng Quy trình, những cản trở trong triển khai Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật để việc xây dựng Quy trình khoa học, bài bản, phù hợp thực tiễn.
Tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thanh Sơn đã trình bày báo cáo về Xây dựng Quy trình thí điểm phối hợp phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và Dự thảo quyết định ban hành Quy trình. Báo cáo nêu rõ sự cần thiết của xây dựng Dự thảo căn cứ trên cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Quy trình soạn thảo Dự thảo đã được cơ quan quản lý nhà nước xây dựng rất chặt chẽ; tổ chức các cuộc họp trao đổi, lấy ý kiến góp ý của các Ban, Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, TTXVN, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, đồng thời tiếp thu nhóm các ý kiến của các tổ chức, đơn vị với 10 tổ chức, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL. Vụ đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Quy trình thí điểm phối hợp. Về cơ bản, các ý kiến thống nhất cần phải phối hợp giữa các Ban, Bộ để tăng cường quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật trên không gian mạng, trong thời gian tiếp tục hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về quản lý các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên không gian mạng, cần thiết có Quy trình thí điểm phối hợp phát hiện, hạn chế tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cuộc họp đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý xác đáng
Dự thảo Quy trình gồm 4 nội dung: Mục đích; Phạm vi, đối tượng áp dụng; Quy trình phối hợp và Tổ chức thực hiện. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp sau khi lắng nghe những ý kiến góp ý, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá cao sự tích cực của Vụ Pháp chế trong việc xây dựng dự thảo Quy trình dựa trên nền tảng Quy tắc ứng xử. Quy trình này đảm bảo việc thống nhất trong phối hợp phát hiện, đánh giá, áp dụng biện pháp kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật theo trình tự thống nhất, đảm bảo đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch, khách quan. Theo Thứ trưởng, Bộ VHTTDL đưa ra khuyến cáo, đề xuất về Quy trình thí điểm phối hợp phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Các đài truyền hình, cơ quan quản lý có thể dựa trên quy trình riêng để xử lý hoặc theo khuyến cáo của Bộ VHTTDL.
Thứ trưởng cũng gợi mở về quy trình tiếp nhận và xử lý nội bộ của Bộ, cách tiếp nhận thông tin. Ngoài các nguồn chính thống, cần phải chọn lọc, tiếp nhận thông tin từ các nguồn khác, có thể từ quần chúng, từ mạng xã hội… để đảm bảo việc phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đảm bảo tính răn đe, góp phần gìn giữ chuẩn mực hành vi ứng xử đạo đức; khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
“Ngoài các nguồn tin chính thống, cần phải chọn lọc, tiếp nhận thông tin từ các nguồn khác, có thể từ quần chúng, từ mạng xã hội… để đảm bảo việc phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đảm bảo tính răn đe, góp phần gìn giữ chuẩn mực hành vi ứng xử đạo đức; khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
(Thứ trưởng Tạ Quang Đông)
THÚY HIỀN