‘Sống mãi tuổi 17’: Truyền cảm hứng yêu nước đến thế hệ trẻ

VHO-Trong 2 ngày 13 và 14.12, gần 1.000 đoàn viên thanh niên đã tới xem vở kịch Sống mãi tuổi 17 của Nhà hát Tuổi trẻ và không ít bạn trẻ đã không cầm được nước mắt khi xem. Kịch Sống mãi tuổi 17 dàn dựng từ kịch bản đầu tay của cố tác giả Lưu Quang Vũ về Anh hùng Lý Tự Trọng do đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến dàn dựng. Tác phẩm được công diễn chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027.

‘Sống mãi tuổi 17’: Truyền cảm hứng yêu nước đến thế hệ trẻ - Anh 1

Nhiều cảnh được dàn dựng ấn tượng, truyền cảm hứng tới người xem

Năm 1979, một năm sau khi Nhà hát Tuổi trẻ được thành lập, xuất phát từ nhu cầu dàn dựng một vở diễn nghệ thuật dành cho thế hệ trẻ nhằm cổ vũ và tôn vinh lối sống đẹp, tinh thần cống hiến, dấn thân của thanh niên trong thời đại mới, đạo diễn – NSND Phạm Thị Thành (nguyên giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ) đã tìm đến gặp Lưu Quang Vũ và đề nghị ông viết một vở kịch như vậy. Chỉ chưa đầy 20 ngày sau, Sống mãi tuổi 17 đã ra đời với nhân vật chính được xây dựng từ hình tượng người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng, dựa trên câu chuyện Cậu nhỏ của cán bộ lão thành Vũ Duy Kỳ. Vở diễn được đưa lên dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ cuối năm 1979 và ngay sau đó xuất sắc giành được Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu Toàn quốc năm 1980, chính là bước ngoặt cuộc đời khiến từ đó Lưu Quang Vũ say mê với lĩnh vực sáng tác kịch bản, mở ra sự nghiệp lừng lẫy của nhà viết kịch tài hoa bậc nhất, người góp lửa cho sân khấu Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Trong 10 năm, ông đã viết hơn 50 kịch bản sân khấu, phần lớn đã được các nhà hát, đoàn nghệ thuật trên cả nước dàn dựng, công diễn hàng trăm buổi trong nước và lưu diễn trên thế giới.

‘Sống mãi tuổi 17’: Truyền cảm hứng yêu nước đến thế hệ trẻ - Anh 2

Bị bắt giam, tra tấn nhưng Anh hùng Lý Tự Trọng vẫn giữ vững bản lĩnh và lý tưởng 

Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Sĩ Tiến  cho biết: Trong nhiều năm, khán giả đến với Nhà hát Tuổi trẻ đã được thưởng thức các tác phẩm mang màu sắc đương đại, phản ánh đời sống xã hội qua những “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” được tổ chức hàng năm như Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ai là thủ phạm? Tin ở hoa hồng, Ông không phải là bố tôi…nhưng với Sống mãi tuổi 17, khán giả sẽ đến với kịch Lưu Quang Vũ trong một vở diễn lấy bối cảnh từ thời kỳ đất nước chưa giành được độc lập, là tác phẩm đầu tay của ông từng được dàn dựng tại Nhà hát Tuổi trẻ hơn 40 năm trước. Cho đến hôm nay, những thông điệp và ý nghĩa của vở diễn vẫn còn nguyên giá trị đối với công chúng và thời đại. Là nhà hát dành cho thanh thiếu nhi, Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng lại Sống mãi tuổi 17 để tạo sức lan tỏa tích cực đến với đông đảo thế hệ trẻ. “Tôi tin rằng, rất nhiều bạn trẻ trong chúng ta vẫn còn trăn trở trong hành trình nhận diện mục đích và lý tưởng sống đúng đắn cho riêng mình. Vở diễn được dàn dựng với mục đích truyền cảm hứng, lý tưởng và ý chí quyết tâm, không lùi bước trước khó khăn, sẵn sàng gánh vác sứ mệnh và trọng trách của thế hệ thanh niên Việt Nam trước Tổ quốc hôm nay và mai sau”, đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến chia sẻ.

‘Sống mãi tuổi 17’: Truyền cảm hứng yêu nước đến thế hệ trẻ - Anh 3

Vở diễn phù hợp với giới trẻ

Sống mãi tuổi 17 khai thác bối cảnh đất nước ta trong giai đoạn lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp gần 100 năm trước, lột tả sự thống khổ của người dân lao động thuộc địa một cổ hai tròng, cơ cực bi thương. Chuyện kịch kể về Lý Tự Trọng – người thanh niên trẻ tuổi sớm được giác ngộ cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng; đồng thời được giao nhiệm vụ đặc biệt: vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản trong nước.

  Lý Tự Trọng với tư chất thông minh đã sáng tạo, gan dạ, nhiều lần vượt qua sự truy lùng, vây bắt của kẻ thù và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngay cả khi bị địch bắt, trong nhà tù thực dân đế quốc, kẻ thù sử dụng mọi hình thức tra tấn dã man, tàn khốc nhưng anh vẫn kiên cường giữ vững ý chí, lý tưởng, không một lời khai báo. Khi bị kết án tử hình, Lý Tự Trọng khảng khái tuyên bố “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác. Cuộc đời và sự hy sinh anh dũng của Lý Tự Trọng đã để lại cho lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam nhiều bài học quý báu về lòng yêu nước nồng nàn, yêu đồng bào và tinh thần tự tôn dân tộc; bài học về tấm gương ham học hỏi, ham hiểu biết để đóng góp được nhiều hơn cho đất nước và dân tộc.

Vở kịch về người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng tưởng là một đề tài tuyên truyền lý tưởng cách mạng khô khan, nhưng tài hoa của Lưu Quang Vũ đã mang đến một kịch bản hấp dẫn, nhiều lớp lang, nhiều xung đột kịch để khắc họa chân dung nhân vật sinh động, từ nhân vật chính tới nhân vật phụ đều có tính cách và số phận. Từ một kịch bản tốt, NSƯT Sĩ Tiến - giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, trong vai trò đạo diễn - đã dựng lên một vở kịch hấp dẫn bởi sự chỉn chu, từ diễn xuất của diễn viên, thiết kế sân khấu tới âm nhạc và những nhịp dựng thắt mở nhiều cảm xúc. Có những đoạn, đạo diễn đẩy cảm xúc của người xem bằng lối dựng của điện ảnh: cho tất cả bối cảnh nền, diễn viên quần chúng "đứng hình", bất động trong một lúc để chỉ tập trung vào lột tả cuộc giằng xé nội tâm mạnh mẽ của người thanh niên Lý Tự Trọng khi chứng kiến cảnh nhân dân mình lầm than, cay đắng trong thân phận nô lệ.Dàn nghệ sĩ ngôi sao của nhà hát như Quang Trọng (vai Lý Tự Trọng), Thanh Sơn (Bảy thẹo), Chí Huy (luật sư thân Pháp), Lệ Quyên và Thùy Trang (cùng vai Phương), Đức Khuê (người hát xẩm), Nguyệt Hằng (Má Hai)… cũng là yếu tố hấp dẫn khán giả trẻ.

Với sự hỗ trợ của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sống mãi tuổi 17 sẽ đến với các bạn học sinh, sinh viên, Đoàn viên thanh niên cả nước qua các chuyến lưu diễn trong năm 2023.

HIỀN LƯƠNG; ảnh: THẾ TOÀN

Ý kiến bạn đọc