“Sau cánh cổng làng”: Dựng chèo đề tài hiện đại để đến gần hơn với khán giả
VHO - Đoàn Nghệ thuật Thể nghiệm Nhà hát Chèo Việt Nam vừa ra mắt vở Sau cánh cổng làng đã tạo nhiều bất ngờ đối với khán giả và cả những người làm chèo. Nhà hát đã mạnh dạn khi dựng một kịch bản được khai thác phỏng tác theo tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma ra đời năm 1990 của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Đây được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc viết về chủ đề nông thôn, đề cập tới việc đấu tranh với những hủ tục lạc hậu, đặc biệt là nạn bạo lực gia đình ở nông thôn hiện nay.
Sau cánh cổng làng mang tính thời sự của nông thôn Việt Nam
Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam, đạo diễn, NSƯT Lê Tuấn Cường chia sẻ: Bên cạnh việc gìn giữ mực thước của chèo truyền thống, sân khấu chèo hiện đang thiếu những vở diễn hay về đề tài nông thôn, hiện thực thời đại, hiện thực cuộc sống được phản ánh. Chính vì vậy mà Bộ VHTTDL đã đặt hàng tác phẩm này với Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, bởi những mẫu hình, tính cách nhân vật trong tác phẩm đề cập vẫn không hề cũ, vẫn đang rất nóng tính thời sự.
Nhà hát đã mạnh dạn giao nhiệm vụ cho đạo diễn trẻ, NSƯT Vũ Bá Dũng và ê kíp sáng tạo giải mã Mảnh đất lắm người nhiều ma từ góc nhìn của những người làm sân khấu chèo truyền thống, đó là giảm bớt những tình tiết quá rối rắm và cả những tầng ý nghĩa của tác phẩm văn học, tập trung xoáy sâu vào mâu thuẫn của hai gia đình, cách nghĩ, cách tư duy cổ hủ, đố kị, của những cá nhân trong hai dòng họ ở một vùng quê nông thôn. Vở chèo đã bám sát được chủ đề tư tưởng của tác phẩm nguyên gốc. Đó là phản ánh chân thực bức tranh xã hội ở một làng quê với nạn kéo bè kết cánh, bè phái trong bộ máy chính quyền xã, sự xuống cấp của một số đảng viên giữ vai trò quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo xã, sự tranh giành quyền lực giữa các dòng họ cho đến những rắc rối về từng gia đình, từng thân phận con người “quanh luỹ tre làng”. Tuy vậy, bên cạnh những thế lực đen tối vẫn có những người đảng viên tốt như ông Chỉnh, hay những người trẻ như Tùng, Đào. Họ là những người dám tranh đấu thẳng thắn vượt lên định kiến của dòng tộc, muốn xóa bỏ những bóng đen hắc ám trong chi bộ Đảng, muốn làm trong sạch đội ngũ để xây dựng quê hương vững mạnh - những con người của thế hệ mới, cách tư duy mới như một tia hy vọng, một lối thoát cho bế tắc này. Tình yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đất nước của đôi bạn trẻ đã tạo nên sức mạnh để hoá giải mọi thù hằn, mâu thuẫn truyền kiếp giữa hai dòng họ.
Những cảnh diễn rất trữ tình, ngọt ngào bởi các làn điệu chèo
Đề cập tới những con người của thời đại mới cần phải có tư duy đổi mới. Muốn xã hội phát triển đi lên, mỗi con người cần phải tự nhìn lại bản thân. Đạo diễn đã khéo léo khi xử lý để câu chuyện không đi vào bế tắc. Đó là nhân vật bà Son (vợ ông Hàm) chết giả. Và vì cái việc tưởng rằng bà Son chết ấy mà các nhân vật trong vở ngộ ra, mọi thù hằn, mâu thuẫn, cách nghĩ cũ truyền kiếp giữa hai dòng họ được hoá giải, mối tình giữa Tùng (họ Vũ Đình) và Đào (con gái ông Hàm – họ Trịnh Bá) được thừa nhận. Câu chuyện được khai thông, vấn đề bế tắc được những con người mang tư tưởng mới đấu tranh, giải quyết thỏa đáng, hợp lý.
Từng là cô đào nổi tiếng của Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Thanh Hoài chia sẻ: “Tôi rất mừng vì Nhà hát đã mạnh dạn giao cho một đạo diễn trẻ dàn dựng tác phẩm. Đạo diễn, ê kíp sáng tạo và đặc biệt là dàn nghệ sĩ của đoàn thử nghiệm đã mang tới một vở chèo về đề tài hiện đại hay, hấp dẫn và đặc biệt là một vở chèo hiện đại nhưng không hề dễ dãi theo kiểu “gieo vừng ra ngô” mà mang tới một vở chèo đậm chất chèo nhuần nhụy. Có rất nhiều những làn điệu chèo hay của nghệ thuật chèo truyền thống được đưa vào rất phù hợp với từng tình tiết cũng như diễn tả tâm trạng của các nhân vật trên sân khấu như các đoạn tự sự của cặp nam nữ Tùng và Đào với các làn điệu giao duyên, đường trường chim thước, con nhện giăng mùng, đào liễu, vãn canh...”. NSND Thanh Hoài đặc biệt khen ngợi các diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam đã diễn tả rất tốt các nhân vật của xã hội hiện đại bằng cách diễn rất chèo. Bên cạnh đó đạo diễn đã cài vào những lớp dân làng như dàn đế trong chèo, làm cho xen giữa những xung đột cao trào là sự mềm mại hài hước. Đây là một điều rất khó đối với đề tài hiện đại, nhưng ở vở diễn Sau cánh cổng làng đã đưa nét đặc trưng của sân khấu chèo vào đây.
Vấn nạn bạo lực gia đình được đề cập trong vở chèo khá rõ nét
Thủ pháp dàn dựng của đạo diễn đã kế thừa và biến đổi từ nghệ thuật chèo truyền thống được gợi mở thỏa sức cho diễn viên thăng hoa, sáng tạo, bộc lộ tài năng và không bị gò ép theo lối diễn của sân khấu kịch, các lớp trò như: “Gọi hồn, đào mộ” các lớp diễn vợ chồng ông Hàm đã được khai thác triệt để cách diễn sáng tạo, lối sử dụng làn điệu trong nghệ thuật chèo truyền thống. Qua điệu (hát xuôi, hát ngược) nghệ sĩ TNSKT Thục Hiền trong vai bà Son đã khoe được tài năng của mình với sự thăng hoa trong lối diễn của nghệ thuật chèo truyền thống. Trang trí sân khấu gợi mở, tả ý, dành không gian cho diễn viên thỏa sức sáng tạo. Điều thú vị là soi vào những nhân vật trên sân khấu, chắc hẳn người xem sẽ thấy ở đâu đó có bóng dáng của họ vẫn hiển hiện ở trong cuộc sống nông thôn hiện đại và cả trong từng gia đình. Đó là hình ảnh của ông Hàm (nghệ sĩ Duy Toàn thể hiện), một mẫu đàn ông gia trưởng, phong kiến, trong gia đình ông, chỉ có đàn ông được ngồi trên nhà ăn cơm, còn con gái phải ngồi dưới bếp. Luôn miệng chửi bới, đánh đập vợ vô cớ. Và đối nghịch với ông Hàm là hình ảnh bà Son (nghệ sĩ Thục Hiền thể hiện), người đàn bà đẹp nhưng đầy cam chịu, cứ luẩn quẩn với cái việc mình có lỗi với chồng nên phải làm việc và bị đối xử như con ở trong nhà bao nhiêu năm chung sống vợ chồng. Đối lập với cặp vợ chồng ông Hàm, bà Son là tình yêu của Tùng (nghệ sĩ Hà Văn Cường thể hiện) và Đào (Nghệ sĩ Trần Ngát thể hiện) mang tới một làn gió mới, đại diện cho lớp người trẻ đã làm thay đổi nếp nghĩ xưa cũ để xây dựng nông thôn mới phát triển.
Các nhân vật dân làng ở vai trò dàn đế trong chèo tạo được hiệu quả tốt cho vở
Cái được khi dựng lại một tiểu thuyết cách đây hơn 30 năm nhưng giá trị tư tưởng và những mẫu hình nhân vật được xây dựng trong vở chèo Sau cánh cổng làng đã không hề cũ đối với thời điểm hiện tại. Nhìn vào sự dốt nát, nạn kết bè phái đàn áp người tốt hay những quan niệm trong hôn nhân sai lệch đã mang lại nhiều cảm xúc và suy tư đối với người xem về cuộc đời và tình người. Làm thế nào để gạt bỏ thù hận, sống nhân ái hơn, làm thế nào để tẩy rửa những thói xấu, tập tục ở đất quê lề thói, làm thế nào để xã hội thanh lọc được những kẻ xấu nhường chỗ cho những tu duy tốt, cho những người tốt biết vị tha, tô đẹp thêm những nét đẹp của làng quê Việt Nam theo dòng chảy văn hóa lâu đời. Những câu hỏi nhức nhối ấy là điều đọng lại trong lòng mỗi khán giả khi rời khỏi nhà hát trở về.
Với Sau cánh cổng làng, Đoàn Nghệ thuật thể nghiệm Nhà hát Chèo Việt Nam đã làm tốt chức năng của mình khi xây dựng một vở chèo đề tài hiện đại nhưng luôn kế thừa và biến đối vẫn giữ được những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chèo truyền thống, đặc biệt là lực lượng nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong đó có những nghệ sĩ mới ra trường nhưng cũng đã nắm chắc nghề, khắc hoạ thành công các nhân vật của đời sống hiện đại mà vẫn thể hiện các làn điệu, câu hát truyền thống rất ngọt, đi vào lòng bạn nghề, lòng khán giả.
THÚY HIỀN; ảnh: LÊ LAN