Sách “Sự trở lại của sân khấu”: Lôi cuốn bởi tâm huyết của người viết
VHO- “Sự trở lại của sân khấu” là tập sách gồm 44 bài phê bình, tiểu luận của nhà nghiên cứu sân khấu và văn hóa nghệ thuật Nguyễn Thế Khoa về đời sống sân khấu giai đoạn 5 năm gần đây (2018-2023) do Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành vừa ra mắt vào tháng 12.2023 này.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa từng làm báo ở chiến trường, sau này có thời gian làm cán bộ quản lý văn hóa. Ông có quan hệ thân thiết với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên cả nước và tích lũy vốn kiến thức cùng thực tế phong phú về hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Công tác tại tạp chí Văn hiến Việt Nam nhiều năm qua, ông càng có điều kiện viết và tìm hiểu nhiều hơn vào lĩnh vực sân khấu.
Sự trở lại của sân khấu, cuốn sách tập hợp 44 bài phê bình, tiểu luận của nhà nghiên cứu sân khấu và văn hóa nghệ thuật Nguyễn Thế Khoa về đời sống sân khấu giai đoạn 5 năm gần đây (2018-2023), đã phần nào phản ảnh chân thật sinh động cuộc phấn đấu trở lại theo quy luật “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” của nền sân khấu nước nhà cùng những bài học quý giá về sự thành công và cái chưa thành công của các soạn giả, đạo diễn, diễn viên, đơn vị sân khấu trong việc làm mới mình để theo kịp đà phát triển của đất nước.
Sự trở lại của sân khấu cũng giới thiệu một chuyên luận công phu, vừa vững vàng về lý luận vừa giàu thực tiễn, vừa lôi cuốn bởi tâm huyết: “Kịch bản cải lương qua 100 năm lịch sử” của nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa viết nhân kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương (1918-2018). Sau khi điểm qua các giai đoạn hình thành phát triển nhiều thành tựu của cải lương qua 100 năm lịch sử, nhà nghiên cứu Nguyên Thế Khoa có phần tổng kết rất đáng chú ý về các đặc điểm nội dung và nghệ thuật kịch bản của bộ môn sân khấu sinh sau đẻ muộn nhưng được yêu thích nhất của sân khấu nước nhà.
Đây đã là cuốn sách thứ 4 về sân khấu của Nguyễn Thế Khoa do Nhà xuất bản Sân khấu xuất bản, trước đó là các sách: Kẻ tàng hình không còn biết tàng hình (2007), Sân khấu -Truyền thống và Hiện đại (2019), Đào Tấn - Nguyễn Diêu, một thời đại tuồng (2021).
ĐÀO ANH