Ra mắt sách "Cô Đào hát" của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc

VHO - Sáng ngày 19.9, tại TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp cùng NXB Sân khấu đã tổ chức buổi ra mắt sách Cô Đào hát và giao lưu với tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc. Tác phẩm là tuyển tập kịch bản sân khấu đánh dấu tuổi 70 của nhà viết kịch đa năng và đa đoan Nguyễn Thị Minh Ngọc.

Ra mắt sách

NSND Lệ Thủy và NSND Kim Xuân tặng hoa chúc mừng tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc

Buổi ra mắt Cô Đào hát có sự tham gia của đông đảo giới văn nghệ sĩ như: NSND Trịnh Thúy Mùi, NSND Lệ Thủy, NSND Kim Xuân, TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà văn Bích Ngân, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Phương Hồng Thủy, NSƯT Thành Hội, NSƯT Hải Phượng… cùng đông đảo bạn đọc yêu văn chương, yêu sân khấu.

Theo đó, tuyển tập kịch bản sân khấu Cô Đào hát gồm 6 kịch bản là: Cô Đào hát; Vầng trăng ai xẻ; Tía ơi, má dìa; Giữa hai bờ sương khói; Hãy khóc đi em; Người đàn bà thất lạc, trong hơn 70 kịch bản sân khấu trong cuộc đời sáng tạo không ngừng nghỉ của nhà hoạt động sân khấu tài năng và toàn năng Nguyễn Thị Minh Ngọc. “Thật vui khi cuốn sách quý này được ra mắt đúng dịp mừng sinh nhật lần thứ 70 của tác giả. Càng vui hơn khi cuối tháng 8 vừa qua, phiên bản cải lương mới của kịch bản Cô Đào hát do NSƯT, đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng cho Sân khấu Cải lương mới Đại Việt đã công diễn buổi đầu tiên tại TP.HCM và được khán giả ủng hộ nồng nhiệt”, bà Phạm Thị Ngọc Anh, Giám đốc NXB Sân khấu bày tỏ.

Ra mắt sách

Tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc

Chia sẻ tại buổi giao lưu, tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc cho biết, đây là những kịch bản sân khấu đã được dựng diễn, chứa đựng nội dung nhân văn phong phú, sâu sắc, đầy sức cảm hóa. Đặc biệt, chứa đựng sự kết hợp đầy biến ảo, bất ngờ giữa thực và mộng, giữa đạo và đời, giữa bi và hài, giữa bình dân và bác học, giữa truyền thống và hiện đại. “Chính nghề diễn và đạo diễn giúp tôi thấu hiểu nhiều hơn tâm lý của nhân vật, từ đó cho ra những kịch bản đời hơn và gần hơn. Cũng nhờ đó tôi dần hiểu được, các diễn viên cần sự trợ giúp như thế nào của chính tác giả. Và vì thế, khi viết kịch bản tôi không để cho các vai diễn bị đứng trơ trên sân khấu, cho dù nhân vật khác có thoại cả tràng dài”, tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc chia sẻ.

Tại buổi giao lưu, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, Cô Đào hát có một sức hút rất riêng biệt, dù là tác phẩm kịch sân khấu nhưng đầy tính văn học và giá trị nghệ thuật. “Hy vọng rằng, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc sẽ tiếp tục cống hiến cho sân khấu nước nhà với có những kịch bản mới, nhất là khi sân khấu đang gặp phải những khó khăn, trắc trở”, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho hay. Còn với nhà văn Bích Ngân, Nguyễn Thị Minh Ngọc là một tài năng hiếm hoi khi ở chị tụ lại, nào văn chương, sân khấu, điện ảnh, cả việc làm thầy. “Vai nào Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng sống hết mình, đam mê đến tận cùng và chị cũng tìm thấy niềm hạnh phúc trong cô đơn sáng tạo, trong sẻ chia và trong sự vỡ òa của thăng hoa mà chỉ có nghệ thuật mới có thể mang lại. Trong hành trình sáng tạo của mình, Nguyễn Thị Minh Ngọc lúc nào cũng tự mình nhen lửa, giữ lửa và nỗ lực truyền lửa nghề…cho nghề, cho đồng nghiệp và cho cuộc đời”, nhà văn Bích Ngân bày tỏ sự ngưỡng mộ.

Thật vậy, Nguyễn Thị Minh Ngọc là người đa tài và đa năng ở nhiều vai trò: nhà văn, đạo diễn, giảng viên và cả diễn viên với nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp văn nghệ TP.HCM. Chị là người đồng sáng lập câu lạc bộ Đạo diễn thể nghiệm (năm 1985) - tiền thân của nhà hát sân khấu Nhỏ 5B; là chủ nhân của rất nhiều giải thưởng về văn học, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, kể cả kịch bản phim tài liệu. Chị cũng là chủ biên quyển sách 100 câu hỏi đáp về sân khấu Cải lương Nam bộ - Sài Gòn. Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng đã mang sân khấu và văn hóa Việt Nam đến môi trường quốc tế qua các diễn đàn văn hóa tại các nước: Úc, Anh, Pháp, Ðức, Tanzania, Na Uy, Thụy Ðiển, Philippines, Mỹ, Indonesia… Chị cũng được xem là người phụ nữ Việt đầu tiên đưa tác phẩm Việt Nam vào sân khấu Broadway tại New York với 3 vai trò tác giả - đạo diễn - diễn viên trong 2 vở: Người đàn bà thất lạc (2008) và Chúng tôi là… (2011).

Đại diện NXB Sân khấu cũng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện những tập sách giới thiệu các kịch bản của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã chứng tỏ được sức sống trên sân khấu kịch, cải lương TP.HCM và các tỉnh phía Nam như: Một nửa của tôi đâu; Thương hoài ngàn năm; Nắng chiều; Vàng hay bạc nhái; Lũ rừng; Hãy yêu nhau đi; Trái tim nhảy múa… Các tập kịch bản này đã và đang đóng góp có giá trị cho kho tàng kịch bản sân khấu Việt Nam, cung cấp cho các nhà biên kịch một nghệ thuật biên kịch độc đáo đáng tham khảo. Và đặc biệt, đây sẽ là một nguồn kịch bản đáng quý cho các đơn vị sân khấu cả nước, đặc biệt là các đơn vị sân khấu ở các tỉnh phía Bắc, khai thác dàn dựng làm phong phú thêm cho dàn kịch mục của mình. 

Nhân dịp ra mắt sách đầu tiên dù trước đó đã in rất nhiều tác phẩm, tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc không chỉ mong muốn giới thiệu những kịch bản sân khấu với bạn đọc, mà thông qua đây tác giả sẽ dành nguồn kinh phí bán sách để hỗ trợ cho các nghệ sĩ hiện đang có hoàn cảnh khó khăn.

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc