Phát triển Điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa, bài học từ Hàn Quốc và Pháp
VHO - Chiều ngày 16.11, tại Galaxy Cinema (TP.HCM) đã diễn ra Tọa đàm “Phát triển Điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa, bài học từ Hàn Quốc và Pháp”. Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024 (HIFF), do Sở VHTT TP.HCM chủ trì.
Các diễn giả trao đổi tại Tọa đàm
Tọa đàm có sự tham dự của ông Kim Dong-ho, nhà sáng lập, cựu chủ tịch LHP Quốc tế Busan, Chủ tịch danh dự của HIFF; ông Jeremy Segay, Tùy viên Nghe nhìn Khu vực Đông Nam Á tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, thành viên Ban cố vấn HIFF; bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM.
Tại sự kiện, ông Kim Dong-ho chia sẻ về sự phát triển của ngành công nghiệp Hàn Quốc trong 5 năm vừa qua, thông qua những minh chứng như bộ phim Ký sinh trùng, Trò chơi Con Mực đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá.
Ông cho biết: Liên hoan phim Quốc tế Busan đã tôn vinh những tác phẩm nổi tiếng trong gần 30 năm qua, từ đó nhiều tác phẩm điện ảnh đã được phổ biến rộng rãi cho khán giả cũng như thị trường điện ảnh. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của một Liên hoan phim Quốc tế đối với thị trường điện ảnh của một đất nước. Từ đây, ông khẳng định HIFF đóng vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu những bộ phim mới đến với khán giả.
Khán giả giao lưu cùng các diễn giả
Tiếp đó, ông Jeremy Segay đã chia sẻ những thông tin lạc quan về điện ảnh Việt Nam trên thị trường điện ảnh thế giới. Ông cho biết tại Pháp, bộ phim Bên trong Vỏ kén vàng đã bán được 50.000 vé vì bộ phim đã gây được sự chú ý khi được trình chiếu và giành giải thưởng danh giá tại Liên hoan phim Cannes. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của HIFF vì hiện tại, những nhà làm phim Quốc tế đang rất nóng lòng được gặp những nhà làm phim Việt Nam. Đây là dịp đặc biệt để giới thiệu những bộ phim trong nước đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, Liên hoan phim Quốc tế sẽ thúc đẩy những chính sách để phát triển điện ảnh.
Ông Jeremy cũng có những chia sẻ về việc kiểm duyệt và tự do sáng tạo. Ông cho rằng việc mỗi quốc gia đều có luật lệ riêng liên quan đến việc kiểm duyệt. Tuy nhiên, đại diện cho những người làm điện ảnh, ông mong rằng tại Liên hoan phim Quốc tế, những luật lệ này sẽ trở nên linh hoạt hơn. Ông lấy minh chứng là Liên hoan phim Quốc tế Busan đã nới lỏng những mở đường cho những bộ phim Nhật được phép chiếu tại Hàn Quốc.
“Trước 1996, phim Nhật vẫn bị cấm hoàn toàn tại Hàn, nhưng Liên hoan phim Busan đã cho phép 15 phim Nhật được chiếu, và từ đó Hàn Quốc đã cho phép chiếu phim Nhật”, ông bổ sung thêm và cũng khẳng định tầm quan trọng của Liên hoan phim Quốc tế khi khuyến khích người trẻ thưởng thức phim tại rạp.
Ông cho biết tại nhiều nước trên thế giới, nhiều trường học đã khuyến khích học sinh đến rạp, xem những bộ phim kinh điển để đẩy mạnh thị trường điẹn ảnh. Ông cũng khẳng định: Liên hoan phim cũng sẽ thúc đẩy những cuộc đối thoại trong ngành công nghiệp phim ảnh để có thể hiểu lẫn nhau và hỗ trợ sự phát triển của ngành.
Sau tọa đàm, người tham dự được thưởng thức phim ngắn Jury (2012) do ông Kim Dong-ho làm đạo diễn khi đã ở tuổi 70. Đây là bộ phim ngắn hài hước xoay quanh những tình huống dở khóc dở cười trong quá trình làm việc của ban giám khảo Liên hoan phim Busan. Sau buổi chiếu, ông Kim Dong-ho đã giao lưu với khán giả.
Trước đó, vào sáng ngày 14.11.2023, ông Kim Dong-ho đã có buổi thăm địa đạo Củ Chi và thăm phim trường của bộ phim Địa đạo, một tác phẩm sắp được bấm máy của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
BÌNH THỦY