Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23:
Phát huy trách nhiệm, khát vọng nhà thơ
VHO - Sáng 12.2, tại Ninh Bình, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”. Sự kiện thu hút đông đảo sự tham gia của nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học, cơ quan báo chí,…

Nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23, tọa đàm Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ không chỉ là dịp tôn vinh vẻ đẹp của thơ ca mà còn mở ra không gian trao đổi về khát vọng và trách nhiệm của người cầm bút trước những chuyển động của xã hội.
Từ đó, tọa đàm góp phần khẳng định sức sống mạnh mẽ của thơ ca trong đời sống tinh thần, đồng thời, khơi dậy khát vọng sáng tạo trong mỗi nhà thơ.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh, với chủ đề Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ, thơ ca không chỉ đưa con người vượt qua những trắc trở trong cuộc sống, nhận ra và ca ngợi những vẻ đẹp của cuộc sống, mà từ đây, chưng cất lên vẻ đẹp mang tính lý tưởng, hướng con người đến với lý tưởng đó.
“Trách nhiệm của người sáng tạo không chỉ nằm ở việc hoàn thiện một bài thơ hay, mà còn ở việc đối diện với những vấn đề mà thơ ca có thể phản ánh và chạm tới”, nhà thơ Nguyễn Bình Phương khẳng định.
Cũng theo nhà thơ Nguyễn Bình Phương, thơ không đơn thuần là nghệ thuật ngôn từ, mà còn là nơi con người tìm đến để chữa lành tâm hồn, soi chiếu chính mình và giữ gìn những giá trị tinh thần; thơ giúp con người tìm kiếm nghị lực sau những vấp ngã, là chỗ dựa trong những thời khắc khó khăn,…
Tọa đàm ghi nhận 11 tham luận sâu sắc từ các nhà văn, nhà thơ gạo cội, nhà phê bình văn học, các cây bút trẻ,… Từ đó, mang đến góc nhìn đa chiều về trách nhiệm và khát vọng của người sáng tác trong bối cảnh đương đại.
Dù cách thể hiện quan điểm khác nhau nhưng các tham luận đều khẳng định trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ trong thời hiện đại, nghệ thuật phải gắn liền với nhân sinh, thơ ca phải mang giá trị nghệ thuật, đồng thời, phản ánh đúng hiện thực đời sống, hướng con người đến giá trị cao đẹp…

Tổng kết buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình (Hội Nhà văn Việt Nam) nhấn mạnh, thơ ca luôn gắn liền với đời sống, phản ánh những vấn đề của thời đại và tạo sự kết nối giữa con người trong những biến động xã hội. Bên cạnh đó, thơ còn mang trong mình khát vọng của sự sáng tạo, sự tự do và khả năng mở ra những hướng tư duy mới trong nghệ thuật.
Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, một nền văn học phát triển bền vững phải gắn liền với tự do sáng tạo. Tự do không có nghĩa là thoát ly khỏi trách nhiệm, mà chính là sự chủ động trong tư tưởng, trong cách biểu đạt. Khi có không gian tự do, nghệ thuật mới có thể chạm tới những tầng sâu nhất của cảm xúc và trí tuệ con người.
"Một nhà thơ hay một nghệ sĩ không chỉ tồn tại bằng tác phẩm mà còn bởi sức nặng tư tưởng gửi gắm trong từng câu chữ. Trách nhiệm của họ là đối diện, phản ánh và đặt ra những câu hỏi lớn về con người, xã hội, không chỉ để làm thơ hay mà còn để chạm đến những vấn đề của thời đại", PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp bày tỏ.
Tiếp nối chuỗi hoạt động Ngày thơ Việt Nam, đêm thơ Tổ quốc bay lên sẽ diễn ra lúc 20h00 ngày 12.2.2024 tại Nhà hát Phạm Thị Trân (65 đường Lê Đại Hành, phường Vân Giang, TP Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
Chương hứa hẹn mang đến một không gian nghệ thuật giàu cảm xúc, nơi những vần thơ hòa quyện cùng âm nhạc, tạo nên bức tranh thi ca sống động.