NSND Lê Huy Quang, người nghệ sĩ đa tài đã ra đi
VHO - Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thông tin, NSND, họa sĩ, nhà thơ Lê Huy Quang - người nghệ sĩ đa tài của văn học, nghệ thuật nước nhà đã qua đời tối 21.8, tại Hà Nội, hưởng thọ 77 tuổi.
NSND Lê Huy Quang là một nghệ sĩ đa tài
NSND, họa sĩ, nhà thơ Lê Huy Quang sinh năm 1947, nguyên quán tại Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Mỹ thuật Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội và Hội Nhà văn Hà Nội.
Ông tốt nghiệp lớp trung cấp và cao đẳng mỹ thuật; tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Từ năm 1976, ông bắt đầu làm báo, tại Tạp chí Sân khấu, đồng thời là họa sĩ thiết kế mỹ thuật của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Lê Huy Quang là một trong những hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu nổi tiếng của sân khấu.
Tính đến nay, NSND Lê Huy Quang đã giữ vai trò họa sĩ thiết kế cho trên 300 vở diễn thuộc nhiều loại hình sân khấu. Mỗi bản thiết kế mỹ thuật cho sân khấu của NSND Lê Huy Quang là một tác phẩm sáng tạo cho hình thức vở diễn, khi thì trừu tượng, lúc lại chuyển sang hiện thực rồi ấn tượng... nhưng tất cả đều thể hiện một sự đầu tư sáng tạo nghiêm túc và tạo dấu ấn riêng. Ngoài ra, ông còn vẽ tranh, thiết kế bìa sách.
Vở Phương thuốc thần kỳ của Nhà hát Tuồng Việt Nam do NSND Lê Huy Quang thiết kế mỹ thuật
Bên cạnh mỹ thuật, NSND Lê Huy Quang còn là một nhà thơ. Tập thơ Phải khác, gồm 108 bài thơ tập hợp sáng tác của ông từ năm 1968 đến 2008, bày tỏ quan điểm sống, quan niệm nghệ thuật của ông, đã để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Ông nổi tiếng với những tác phẩm thơ như Ảo ảnh đồng quê, Ký ức tuổi thơ, Phố sau mưa...
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, NSND Lê Huy Quang đã đoạt nhiều giải thưởng về hội họa, bìa sách, đồ họa, trang trí sân khấu và thơ. Đặc biệt, ông đã có hơn 20 Huy chương vàng, Huy chương bạc tại các hội diễn, liên hoan sân khấu toàn quốc.
Trước khi qua đời, NSND Lê Huy Quang là Thư ký tòa soạn Tạp chí Âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) và vẫn tích cực tham gia các hoạt động văn học, nghệ thuật.
"Hội họa cho tôi trí tuệ, lý trí; thơ cho tâm hồn bay bổng, trữ tình; sân khấu - loại hình nghệ thuật tổng hợp - cho tôi một cái nhìn đầy đủ về cuộc sống, cái đẹp, cùng những nhân vật của xã hội; công việc làm báo cho tôi tính chính xác, cẩn trọng, bình tĩnh với tư cách của một công dân. Tất cả công việc tôi làm quy tụ lại chỉ ở hai phương tiện: bút lông và bút sắt. Tôi hình như sinh ra để yêu nghệ thuật và làm nghệ thuật", khi còn sống NSND Lê Huy Quang đã từng chia sẻ như vậy về quan điểm sống và làm nghệ thuật của ông.
Tuyển tập thơ của nhà thơ Lê Huy Quang
Sự ra đi của ông khiến nhiều đồng nghiệp tiếc nuối, thương xót. Nhà thơ, họa sĩ Lê Huy Quang được nhớ đến với phong cách suốt đời chỉ đi guốc mộc, đeo nhẫn bạc, vòng bạc, tóc dài. Ông thường thích mặc hai màu đỏ đen.
Ông thường tự nhận mình là “gã nhà quê xứ Nghệ” nhưng nhìn vào gia tài sáng tác của ông thì quả là chẳng “nhà quê” chút nào, thậm chí có thể gọi là “tay chơi” có tiếng. Đồng nghiệp yêu quý, trân trọng con người thẳng tính, bộc trực, và hơn cả là niềm đam mê sáng tạo, khám phá tìm tòi chưa bao giờ ngưng nghỉ của Lê Huy Quang.
Lê Huy Quang sống trong một gia đình có truyền thống yêu nghệ thuật. Cha ông là một nghệ nhân tuồng cổ. Mẹ ông cũng theo chồng đi cùng các gánh hát. Tiếp nối truyền thống yêu nghệ thuật của gia đình, ba anh em họa sĩ Lê Huy Quang trở thành những tên tuổi trong làng nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Anh cả Lê Huy Hòa là họa sĩ xuất sắc của khóa Mỹ thuật kháng chiến được đào tạo tại chiến khu Việt Bắc năm xưa, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012. Người em út của NSND Lê Huy Quang là Lê Huy Hạnh - vốn là một người lính chiến trường Lào, Tây Nguyên. Sau này, ông là họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thơ của Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng.
Lễ tang NSND, họa sĩ, nhà thơ Lê Huy Quang diễn ra lúc 9h ngày 24.8, tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
ĐÀO ANH