Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024:

Nóng bởi sức sáng tạo nghệ thuật

THÚY HIỀN

VHO - Sau hơn hai tuần diễn ra sôi nổi, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 đã chính thức khép lại bằng lễ Bế mạc tại Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (Thái Nguyên) vào đêm 26.6 vừa qua. Sự kiện quy tụ gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của 19 đơn vị kịch nói chuyên nghiệp trong và ngoài công lập, với 23 vở diễn là những sản phẩm chất lượng, đặc sắc, độc đáo của nền nghệ thuật biểu diễn nước nhà.

Nóng bởi sức sáng tạo nghệ thuật - ảnh 1

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao HCV cho các đơn vị: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Đoàn Kịch nói Hải Phòng

 Tiến bộ cả về nội dung và hình thức

Theo đánh giá của giới nghề, Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 đã chấm chọn rất chặt chẽ, khách quan, và vì vậy, những giải thưởng tôn vinh là hoàn toàn xứng đáng. Đặc biệt, chỉ có 3 HCV được trao cho các vở: Đêm trắng của Nhà hát Kịch Việt Nam; Vòng tròn bội bạc của Nhà hát Kịch Hà Nội và Bắt quỷ của Đoàn Kịch nói Hải Phòng.

Ba vở diễn khai thác những đề tài hoàn toàn khác nhau: Vòng tròn bội bạc kể về người lính bước ra sau chiến tranh, họ vẫn giữ tinh thần là tấm “phên dậu” bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính nghĩa trong thời bình; Đêm trắng của Nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí... gắn với rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên; trong khi đó, Bắt quỷ của Đoàn kịch nói Hải Phòng là một trong số ít tác phẩm đề cập trực diện một vấn đề “nóng”, đó là sự trả giá cho những mưu toan, tư lợi của một số cán bộ cấp cao...

Cùng với HCV vở diễn, BTC đã trao giải Tác giả xuất sắc cho nhà văn Chu Lai với vở Vòng tròn bội bạc; giải Đạo diễn xuất sắc cho NSND Trần Lực với vở Búp bê; giải Họa sĩ xuất sắc cho NSND Đỗ Doãn Bằng với Bến nước thời gian. 35 nghệ sĩ được trao HCV có nhiều gương mặt quen thuộc được khán giả yêu quý như: NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Dũng Nam, NSƯT Lê Thiện Tùng, NSƯT Hoa Thúy, NSƯT Ngọc Quỳnh, Hoàng Tùng, Hồng Quang, Anh Thơ...

Dẫu khai thác những vấn đề của đời sống hiện tại hay đề tài chiến tranh cách mạng, dân gian, lịch sử... thì điều ghi nhận lớn nhất tại Liên hoan lần này chính là sự tâm huyết của những người làm nghệ thuật kịch nói. Những tập thể và nghệ sĩ được giải thưởng cao đều thể hiện nổi trội qua cách kể, lối diễn và tư duy dàn dựng mới mẻ, hiện đại, chinh phục được đồng nghiệp, khán giả. Đơn cử như vở Búp bê của sân khấu Luc Team, khai thác câu chuyện “muôn thủa” với những triết lý về cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc, vở kịch chỉ có 4 nhân vật, nhưng khán giả thực sự bị cuốn hút bởi cách dàn dựng, diễn xuất ấn tượng của phong cách ước lệ đạo diễn Trần Lực đeo đuổi nhiều năm qua. Búp bê không chỉ thể hiện làn gió mới khi áp dụng công nghệ hiện đại, mà còn không quên truyền thống trong dàn dựng để thể hiện một đề tài nóng, thời sự, đưa ra thông điệp “con người cần làm chủ trí tuệ nhân tạo chứ không để nó điều khiển, biến mình thành những cỗ máy vô tri, vô giác”.

Nóng bởi sức sáng tạo nghệ thuật - ảnh 2

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Trần Ly Ly trao Giải Xuất sắc cho NSND Trần Lực, NSND Doãn Bằng, diễn viên Thiện Tùng nhận giải thưởng thay cho nhà văn Chu Lai

Sự xuất hiện của nhiều tác phẩm chất lượng

Phát biểu tại lễ Bế mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đánh giá, Liên hoan năm nay có nhiều vở diễn sáng tạo, mới mẻ, cho thấy sân khấu kịch nói đã và đang khởi sắc rất khả quan. Đề tài được phản ánh trong các vở diễn khá phong phú và có giá trị dự báo. Các đơn vị tham gia đều thể hiện nghiêm túc, sáng rõ về chủ đề tư tưởng, hấp dẫn về hình thức, tính thời sự cao, hữu ích với xã hội, các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, truyền đi những thông điệp ý nghĩa nhân văn.

 Liên hoan có nhiều vở diễn sáng tạo, mới mẻ, cho thấy sân khấu kịch nói đã và đang khởi sắc rất khả quan. Đề tài được phản ánh trong các vở diễn khá phong phú và có giá trị dự báo. Các đơn vị tham gia đều thể hiện nghiêm túc, sáng rõ về chủ đề tư tưởng, hấp dẫn về hình thức, tính thời sự cao, hữu ích với xã hội, các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, truyền đi những thông điệp ý nghĩa nhân văn...

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đề nghị, trong thời gian tới các cơ quan, đơn vị chức năng, nhà hát cần tiếp tục quan tâm, đầu tư kỹ lưỡng về con người và cơ sở vật chất cho các phần thi. Đặc biệt, cần có chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ tài năng làm lực lượng kế cận cho mai sau. Các vở kịch, phần biểu diễn của diễn viên cần dàn dựng công phu, có kịch bản hay, cốt truyện hấp dẫn, điểm nhấn thu hút, diễn viên cần trang bị kỹ thuật điêu luyện, có đạo diễn, người dàn dựng giỏi… để phục vụ nhu cầu thưởng thức của khán giả.

Tại đánh giá tổng kết Liên hoan, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cũng cho rằng, sự kiện lần này có những vở diễn đạt chất lượng cả về nghệ thuật và sức hấp dẫn công chúng; tuy nhiên, cũng có một số vở thiếu tính sáng tạo, kịch bản cũ kỹ, thiếu tính đột phá, đặc biệt là thiếu những tác phẩm phản ánh hiện thực của đời sống và những vấn đề nóng bỏng trong xã hội hiện nay. Điều này cho thấy sân khấu kịch nói đang tồn tại không ít vấn đề cần bàn như kịch bản, đạo diễn, mỹ thuật sân khấu, bản quyền…

“Uớc gì có thể và có đủ huy chương để trao tặng cho khán giả Thái Nguyên. Dòng thông báo “Không còn chỗ” được Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đưa ra trước mỗi suất diễn chính là thành công lớn của Liên hoan lần này. Thương lắm những người phải đứng xem kịch qua màn hình trước rạp. Những tràng pháo tay, sự hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình của họ đã giúp cho chúng tôi nhận xét chuyên môn chính xác hơn. Sân khấu là dành cho khán giả, chúng tôi rất mừng khi đánh giá của Hội đồng nghệ thuật không khác biệt với người xem”, NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.

Nóng bởi sức sáng tạo nghệ thuật - ảnh 3

 Sự nhiệt tình ủng hộ của khán giả là thành công lớn của Liên hoan lần này

Khán phòng hơn 1.000 chỗ lúc nào cũng kín chỗ, khán giả nhiệt tình, hào hứng tương tác, những giọt nước mắt, những tiếng cười thú vị… cho thấy sức hấp dẫn của sân khấu kịch nói đối với đời sống xã hội hôm nay. Tuy nhiên, đúng như lời chia sẻ của Thứ trưởng Tạ Quang Đông, trong xu thế mới, do yêu cầu về sự phát triển của bản thân kịch nói, do đòi hỏi ngày một nghiêm túc và khắt khe của công chúng, sân khấu nói chung, kịch nói nói riêng cần giải quyết nhiều vấn đề, nhiều thách thức lớn, mà trước tiên và quan trọng nhất là không ngừng sáng tạo nên những tác phẩm có ý nghĩa về nội dung, có giá trị về nghệ thuật, kịp thời phản ánh dòng chảy như vũ bão của hiện thực xã hội hôm nay. Thiếu hơi thở cuộc sống vẫn đang là “món nợ” mà những người làm sân khấu kịch chưa thể trả xứng đáng cho sự mong chờ của giới mộ điệu.