Nơi nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết ca khúc “Giải phóng Điện Biên”
VHO - Nằm trong khu di tích Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), nơi đồng bào các dân tộc ở đây vẫn thân thương gọi tên là “rừng Đại tướng” có một di tích rất đặc biệt, nơi nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác bài hát “Giải phóng Điện Biên”. 71 năm trước, những giai điệu của bài hát đã ra đời ngay trong đêm 7.5.1954, ghi dấu “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

Nơi ra đời những giai điệu bất tử của bản hùng ca Giải phóng Điện Biên là di tích Hội trường- địa điểm phục vụ chỉ huy, điều hành các công tác của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đưa chúng tôi đến điểm di tích trong rừng Mường Phăng, nữ hướng dẫn viên dân tộc Thái Lò Thị Thủy cho biết, hội trường đơn sơ này năm xưa là nơi họp của các cấp trung đoàn do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch triệu tập. Trong đó, quan trọng nhất là Hội nghị cán bộ ngày 7.2.1954 để quán triệt phương châm tác chiến mới và tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu.
Cũng tại nơi này, 71 năm về trước, chiều 7.5.1954, đã ghi dấu một buổi chiều đáng nhớ. Không khí ở khu rừng Mường Phăng vốn âm thầm, lặng lẽ đã trở nên sôi động lạ thường. Mọi người không kiềm chế nổi niềm vui sung sướng, báo tin chiến thắng và ôm lấy nhau, tiếng cười vang rộn cả núi rừng.
“Hội trường đơn sơ này chính là nơi nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác bài hát Giải phóng Điện Biên ngay trong đêm 7.5.1954, ghi dấu Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng…”, nữ hướng dẫn viên xúc động.
Trong cuốn nhật ký của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, ông cũng đã kể lại hoàn cảnh ra đời của ca khúc. Chiều 7.5.1954, trong lúc ông hì hục vác đá vá đường thì một chiến sĩ đi xe đạp qua, reo to “Hồng Cúm hàng rồi, chiến thắng rồi!”. Tin thắng lợi làm nức lòng tất cả mọi người. Các chiến sĩ bỏ cuốc xẻng, cầm tay nhảy múa, chẳng cần nhạc đệm.
Đêm ấy, ở bản Mường Phăng, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã thức trắng đêm hoàn thành bài hát.

Sau này, nhạc sĩ kể lại, khi đó, ông nghĩ đi nghĩ lại, câu “giải phóng Điện Biên” phải đặt lên đầu, rồi từ đó bắt đầu phát triển giai điệu. Nhạc sĩ đã sáng tác trong niềm vui sướng, hạnh phúc trào dâng. Lúc thì ghi nhạc trước, lúc thì viết lời ca trước. Cứ thế, những nét giai điệu và lời ca nối tiếp xuất hiện.
Những giai điệu hào hùng ra đời với cảm xúc tuôn trào: Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…
Ngay buổi sáng hôm sau, ông hồ hởi phổ biến bằng miệng cho các chiến sĩ. Bài hát truyền khẩu lan truyền nhanh chóng được các nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, họa sĩ Mai Văn Hiến, ca sĩ Kim Ngọc, ca sĩ Trần Thị Ngà, nhạc sĩ Thanh Phúc… hát vang tại mặt trận. Trong buổi sáng 8.5.1954, tốp ca của đơn vị pháo cao xạ thể hiện đầu tiên ca khúc này.
71 năm trôi qua, Khu Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, với những điểm di tích lịch sử như lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến, ngôi lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hội trường, bếp Hoàng Cầm.... Mỗi di tích là một ký ức lịch sử còn mãi với thời gian.
Trong đó, dấu tích hội trường đơn sơ, nơi ra đời ca khúc Giải phóng Điện Biên luôn là một điểm dừng chân của hàng triệu người dân và du khách khi đến khu di tích. Để mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử của dân tộc, khắp nơi trong khu rừng Mường Phăng năm xưa lại se sẽ vang lên những giai điệu hào hùng, giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về…