Nhiều sách ra mắt độc giả dịp 8.3
VHO - Nhân dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, NXB Tổng hợp TP.HCM ra mắt tác phẩm Những cô gái PR – Ba thế hệ, 2 thập kỷ nghề và nhiều niềm tin phía trước của các tác giả Lê Mai Anh, Nguyễn Mai Phương, Hà Kiều Anh; tác phẩm Nhật ký cô giáo - Học kỳ Tết của tác giả - cô giáo Hồ Yên Thục và tiểu thuyết Chỉ cách người một nhịp đập con tim của tác giả Isabelle Müller, dịch giả Trương Thùy An, hiệu đính Trương Hồng Quang.
Những tác phẩm mới vừa ra mắt độc giả
Ý tưởng để Những cô gái PR – Ba thế hệ, 2 thập kỷ nghề và nhiều niềm tin phía trước ra đời từ những cuộc cafe tình cờ, kể lại câu chuyện công việc quan hệ công chúng của bộ ba cô gái.
Có mặt từ những năm 90 của thế kỷ trước, PR đang dần khẳng định vị trí và đóng góp của mình cho nền kinh tế năng động, cho sự phát triển của văn hóa – xã hội và nhiều lĩnh vực khác. Các cô nàng bỗng nhận ra một điều là những người làm truyền thông và kể chuyện, nhưng hình như tại Việt Nam, rất ít người làm PR – đặc biệt là những cô gái, có cơ hội kể câu chuyện công việc của mình một cách trọn vẹn, qua từng chặng khác nhau của nghề nghiệp.
Sách dày 244 trang, gồm 3 chương chính là sự sẻ chia của 3 nữ tác giả trẻ: Hà Kiều Anh, Nguyễn Mai Phương và Lê Mai Anh. Cuốn sách là những trải nghiệm của ba cô gái có cùng hoạt động trong ngành PR ở 3 giai đoạn khác nhau của sự nghiệp.
Nhìn lại quá trình phát triển mạnh mẽ của ngành Truyền thông trong những năm gần đây, nhiều người dự đoán rằng bức tranh về ngành nghề PR Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, không chỉ về số lượng mà các hoạt động PR cũng sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn.
Thông qua những câu chuyện và trải nghiệm nghề nghiệp, hy vọng các bạn sẽ cảm nhận được niềm đam mê và hạnh phúc trong công việc của các cô gái, hiểu thêm về ngành Truyền thông – Quan hệ công chúng. Đó thực sự là một công việc sôi động, giàu cảm xúc, trải nghiệm và không thiếu sự kỷ luật, chuyên tâm. Quyển sách Những cô gái PR – Ba thế hệ, 2 thập kỷ nghề và nhiều niềm tin phía trước sẽ gợi mở cho những ai quan tâm, có thêm sự tìm hiểu nhất định và nguồn cảm hứng để bước vào nghề nghiệp này.
Sau các tập sách Nhật ký cô giáo - Học kỳ Xuân (2019), Nhật ký cô giáo - Học kỳ Hè (2021), Nhật ký cô giáo - Học kỳ Thu (2022), Nhật ký cô giáo - Học kỳ Tết của tác giả - cô giáo Hồ Yên Thục tiếp tục ra mắt bạn đọc vào năm 2024. Sách dày 191 trang gồm các nội dung chủ đạo: May mắn, Hỏi đáp vui, Facebook, Chương trình và sự kiện, Nhân vật cổ tích, Tuyển dụng, How to pass, Dẫn lối.
Vì sao cô giáo Hồ Yên Thục lấy tên là học kỳ Tết mà không phải học kỳ Đông? Học kỳ Tết là tập cuối trong series sách Nhật ký cô giáo, ghi chép lại những câu chuyện hàng ngày đi làm của một giảng viên đại học tư thục ở TP.HCM.
Trường Đại học FPT có 3 học kỳ Xuân - Hè - Thu nên tập sách này lấy tên học kỳ Tết như một lời mô tả không khí nơi học quán luôn vui tươi, sum vầy, đầm ấm, con người nơi này đối xử với nhau như người nhà, đến trường như về nhà vậy.
Lần này, học kỳ Tết tiếp tục mô tả cuộc sống học quán của cô giáo đã qua giai đoạn làm quen với môn học, sinh viên, bước vào giai đoạn ổn định toàn tâm toàn ý xây dựng cho nơi làm việc trở thành nơi đáng sống. Đời sống đại học được tác giả ghi chép lại kỹ lưỡng với hai nhân vật chính ở trường vẫn là người dạy – người học.
Trong mối quan hệ thầy trò gắn bó này, họ cùng nhau vượt qua giới hạn bản thân, bình đẳng về tư duy, cùng nhau phát triển. Khi học và làm cùng nhau hướng đến mục tiêu chung, người dạy và người học nhìn nhận được bản thân, từ đó học cách chấp nhận và yêu mến chính mình, rồi học cách tôn trọng và yêu mến người khác.
Với họa sĩ Nguyễn Quân - nhà lý luận phê bình mỹ thuật: “Đây là một tập tản văn thú vị, sắc sảo và cả hài hước về tâm lý giáo dục và “khủng hoảng” giáo dục hiện nay. Văn của cô giáo ưu tú cũng khéo lạ, tưng tưng cười nhẹ, một câu bày ra cùng lúc hai ba không gian, tình huống và biểu cảm. Sự pha trộn ngôn ngữ đời thường, câu chữ của social network với tự sự nhật ký vừa tự hỏi mình vừa ham đối thoại. Hy vọng thứ văn kết nối hiện thực thật và hiện thực ảo này còn tiếp tục sinh sôi”.
PGS.TS Hồ Sơn Đài bày tỏ: “Thông điệp mà tôi cảm nhận được từ tập sách nhỏ này cùng cả bộ nhật ký là giáo dục sau phổ thông đương đại đang hướng tới giải đáp câu hỏi người trẻ muốn gì, và người dạy nên học cùng người học. Từ những tự sự thường nhật, tác giả Nhật ký cô giáo – Học kỳ Tết ý tứ nói đến cái lý do nghề nghiệp, những nỗ lực trách vụ và hệ lụy của người thầy trong sự va đập, tương tác với người trò. Rằng, kiến thức không đến từ giáo trình và sự truyền thụ mà đã nằm sẵn trong chiếc smartphone nhỏ xinh, và nó lạc hậu rất nhanh bởi tri thức mới;…”.
T.TRANG