Nhiều cảm xúc từ đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Chiều trên quê hương tôi”
VHO - Tối ngày 28.2, UBND TP Huế phối hợp với gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức đêm nhạc nhân kỷ niệm 85 năm Ngày sinh của ông (1939 - 2024). Chương trình được tổ chức tại không gian công viên ven sông Hương - nơi vừa đặt bức tượng nghệ thuật Trịnh Công Sơn.
Đội kèn Huế biểu diễn các tác phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Đêm nhạc có chủ đề “Chiều trên quê hương tôi” với sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ đến từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Huế… Những ca khúc sâu lắng, da diết về tình yêu, về cuộc đời của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã mang đến cho công chúng yêu nhạc xứ Huế và đông đảo du khách những cung bậc cảm xúc.
Mở đầu chương trình, ca sĩ Lã Anh Thư đã mang đến cho công chúng yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn hai ca khúc Cho đời chút ơn và Lời mẹ ru. Ca sĩ Tấn Sơn, người đã gắn bó với nhạc Trịnh gần 20 năm qua cũng “góp mặt” màn trình diễn ghi-ta cùng các ca khúc: Dấu chân địa đàng, Cánh đồng hòa bình, Xin mặt trời ngủ yên.
Ca sĩ Tấn Sơn vừa chơi ghi-ta vừa biểu diễn các ca khúc: Dấu chân địa đàng, Cánh đồng hòa bình, Xin mặt trời ngủ yên
Các ca khúc Vườn xưa, Mưa hồng, Ca dao mẹ - những ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua giọng ca ngọt ngào của Giang Trang cũng đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc. Tiếp đó, nam ca sĩ Đức Tuấn biểu diễn các ca khúc Xin cho tôi, Chiều trên quê hương tôi, Ta thấy gì đêm nay, Nối vòng tay lớn…
Chương trình âm nhạc này là một trong những hoạt động nhân 85 năm Ngày sinh của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đặc biệt, trong chiều cùng ngày, UBND TP.Huế cũng khánh thành tác phẩm tượng nghệ thuật Trịnh Công Sơn được vận chuyển từ miền Nam về Huế và đặt tại công viên ven đường Trịnh Công Sơn, bờ Bắc sông Hương thơ mộng.
Ca sĩ Lã Anh Thư biểu diễn các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của cố nhạc sĩ, chia sẻ rằng: Sinh thời, anh Sơn đã đi, đã gắn bó với nhiều mảnh đất trên đất nước Việt Nam thân yêu - nhưng Huế mãi là nguồn cội, là mảnh đất tạo nguồn cảm hứng và đã để lại dấu ấn to lớn trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ rằng, nếu không có Huế, ta sẽ khó hình dung diện mạo âm nhạc hoàn chỉnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
“Việc đặt tượng Trịnh Công Sơn tại đây chính là sự trở về của anh đối với mảnh đất quê hương. Anh Sơn ơi, vậy là giờ đây anh đã có thể yên bình ngắm dòng sông Hương và nhịp đời lặng lẽ trôi qua theo cách mà anh hằng mong muốn” - bà Trịnh Vĩnh Trinh xúc động và bật khóc.
Gia đình cố nhạc sĩ và đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế tại không gian đặt bức tượng Trịnh Công Sơn
Tác phẩm tượng Trịnh Công Sơn được nhà điêu khắc Trương Đình Quế sáng tác, có chất liệu bằng đồng và nặng khoảng 500kg. Bức tượng được ông Lê Hùng Mạnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh nhà Gia Hòa (TP.HCM) sở hữu và tặng lại cho TP.Huế.
Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP.Huế cho biết: thời gian qua, TP.Huế đã nỗ lực chỉnh trang công viên Trịnh Công Sơn để góp phần tôn tạo cảnh quan chung của đô thị Huế và không gian bờ sông Hương - những hình ảnh không thể thiếu trong nhạc Trịnh. Nơi đặt tượng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ là điểm dừng chân để những người mến mộ tài năng cố nhạc sĩ có dịp hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Công Sơn.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng hoa tri ân ông Lê Hùng Mạnh
Địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện công viên ven con đường mang tên ông để tiếp tục bố trí những kỷ vật lưu niệm của cố nhạc sĩ. Kỳ vọng trong tương lai, công viên Trịnh Công Sơn sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho công chúng và những người yêu mến nhạc sĩ Trịnh, là nơi để những người yêu nhạc Trịnh gặp gỡ, giao lưu âm nhạc.
Tin, ảnh: S.THÙY