Người nghệ sĩ của âm nhạc chiến trường

NGỌC HÀ

VHO - Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng có những ca khúc của một thời bom đạn vẫn còn mãi trong lòng bao thế hệ. Bài hát Cô du kích Đà Nẵng do nhạc sĩ, NSƯT Thanh Anh (tên khai sinh là Bùi Anh Phò, quê quán Bình Định, hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng) sáng tác là một trong những ca khúc tiêu biểu như thế.

Người nghệ sĩ của âm nhạc chiến trường - ảnh 1
Người dân Đà Nẵng đón chào đoàn quân Giải phóng những ngày mùa xuân năm 1975

Còn vẹn nguyên cảm xúc

Người nhạc sĩ đầy sức trẻ ngày ấy giờ đã bước sang tuổi 91. Gặp vợ chồng ông tại căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng, dù vẻ linh hoạt đã mất đi, đôi tai không còn tinh tường với âm thanh, nhưng đôi mắt ông vẫn sáng lên niềm vui khi kể cho chúng tôi nghe về từng bài hát trong Tuyển tập ca khúc Thanh Anh.

Ngồi bên cạnh, bà Việt, vợ nhạc sĩ Thanh Anh, cũng là văn công xuân sắc trên chiến trường xưa, nhắc ông tường tận về mọi ca khúc mà hai người đã từng hát, những mốc sáng tác, hoàn cảnh cụ thể đều được bà nhớ một cách chuẩn xác. Bà tự hào nói, Cô du kích Đà Nẵng đã khẳng định tầm vóc của nhạc sĩ Thanh Anh giữa lòng công chúng yêu âm nhạc: “Bạn gái bảo em mi là dũng sĩ/ Em chỉ cười chưa biết nói chi/ Bạn gái hỏi em giết được bao nhiêu Mỹ/ Giữa Đà Thành mà Mỹ ngụy hoang mang…”.

Mặc dù quê ở Bình Định, nhưng có lẽ do gắn bó với mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng lâu ngày, nên số ca khúc NSƯT Thanh Anh viết về nơi đây còn nhiều hơn cả quê nhà. Ông là một trong số nhạc sĩ có mặt rất sớm tại chiến trường Khu 5 ác liệt.

Khởi đầu con đường nghệ thuật là diễn viên múa, năm 1961 ông vào chiến trường B1 (khu 5) làm Trưởng đoàn Văn công Quân giải phóng miền Trung Trung Bộ. Chính từ nơi chiến trường gian khổ, ác liệt, ca khúc Vui chiến công đầu của ông đã ra đời, được anh em bộ đội hát với nhau tại chiến trường. Tiếp đó, những ca khúc Tiếng hát ban mai, Anh đi hơn con chim bay, Tải đạn ra chiến trường, Cô du kích Đà Nẵng... và rất nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng khác đã được ông sáng tác giữa mưa bom bão đạn, đã khích lệ tinh thần, ý chí chiến đấu sục sôi của quân và dân thời đó.

Kể về bài hát nổi tiếng Cô du kích Đà Nẵng, nhạc sĩ Thanh Anh chìm vào hồi ức: Năm 1968, tại chiến khu miền Tây huyện Đại Lộc (Quảng Nam), giữa đêm mưa lạnh, ông cặm cụi ngồi bên chiếc đàn ghi ta cũ kĩ, so dây sáng tác ca khúc.

Cô du kích Đà Nẵng lấy cảm hứng từ người thật, việc thật là các nữ chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng, như cô Tám Tuyết, cô Lê Thị Hải Châu, là tình yêu mảnh đất và con người nơi đây... Các nữ chiến sĩ biệt động đầy gan dạ, dũng cảm và mưu trí, ông hình dung họ là những nữ học sinh, sinh viên, nữ công nhân, hằng ngày đến trường hoặc lao động, nhưng khi cần họ có thể trở thành những nữ du kích dạn dày, khi ẩn khi hiện, có mặt khắp nơi trên đường phố Đà Nẵng.

Ca khúc được thể hiện bằng câu từ trong sáng, giản dị, tình cảm, lạc quan. Chính những “tư liệu” mộc mạc ấy đã khiến âm hưởng của Cô du kích Đà Nẵng nhanh chóng thấm sâu vào lòng người nghe ngay sau khi ra đời, trở thành bài hát nằm lòng của rất nhiều khán thính giả, đặc biệt là các nữ biệt động đang ngày đêm chiến đấu giữa lòng địch.

Ca khúc nhanh chóng được đoàn văn công tập luyện và biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở khắp chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. “Sau này, trong các cuộc giao lưu nhân chứng chiến tranh, những người phụ nữ đã từng là biệt động nói rằng, khi hát, khi nghe Cô du kích Đà Nẵng họ lại thấy mình trong đó, thấy một thời hy sinh mất mát nhưng dữ dội và oanh liệt không thể nào quên được”, nhạc sĩ Thanh Anh nhớ lại.

Người nghệ sĩ của âm nhạc chiến trường - ảnh 2
Nhạc sĩ Thanh Anh kể về những ca khúc được sáng tác ngay tại chiến trường

Những sáng tác sục sôi sức trẻ

Thời kỳ đó, nhạc sĩ Thanh Anh đã liên tục sáng tác rất nhiều ca khúc hay như Tải đạn ra chiến trường, Anh đi hơn con chim bay, Khúc hát ban mai… kịp thời phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở chiến trường trong giai đoạn ác liệt nhất. Nói về tình cảm quân dân ngày ấy, nhạc sĩ Thanh Anh cho biết: “Trên chiến trường, mỗi một tác phẩm ra đời đều được bộ đội ta tiếp nhận bằng tất cả tình cảm và sự trân trọng. Những bài hát được sáng tác như rút từ ruột gan người chiến sĩ - nhạc sĩ có sức ảnh hưởng to lớn, lay động, thôi thúc, giục giã bước chân bộ đội ta vững bước trên khắp các mặt trận. Tất cả mọi người đều mang tinh thần không ngại hy sinh, luôn mang trong mình tinh thần cống hiến, không cần phải có đội hình đông đảo, mà một người, hai người họ cũng hát phục vụ bộ đội, nhân dân”.

Có những khoảnh khắc bất ngờ nhưng trở thành bất tử, như bài Tải đạn ra chiến trường (năm 1967) phục vụ cho bộ đội hành lang đang làm nhiệm vụ tiếp tế đạn dược, lương thực, được nhạc sĩ hoàn thành chỉ trong một buổi chiều để kịp thời phục vụ cho bộ đội ngay lúc đó.

Đến nay, Tải đạn ra chiến trường vinh dự là một trong những ca khúc được Giải thưởng Nhà nước. Còn với ca khúc Du kích nhân dân, ông vừa dự hội nghị du kích vừa viết tại chỗ, được đông đảo đồng bào, chiến sĩ yêu thích và được hát phổ biến ở các địa phương.

Với những cống hiến to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Thanh Anh được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú năm 1997; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật; Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng…

Bất chấp thời gian đã trôi xa, những tác phẩm âm nhạc của ông vẫn giữ nguyên giá trị và trường tồn trong lòng khán giả nhiều lứa tuổi. 200 trong số rất nhiều tác phẩm của ông được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 2007, NXB Âm nhạc đã ấn hành Tuyển tập ca khúc Thanh Anh gồm 100 ca khúc chọn lọc được ông sáng tác từ năm 1962-2007. 

Ý kiến bạn đọc