Hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh tại Việt Nam ký đơn "kêu cứu":
Nếu không giảm xin đừng tăng thuế
VHO - Hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh tại Việt Nam vừa đồng loạt ký vào văn bản khẩn về việc điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 26.11 tới. Văn bản nêu rõ, họ không đồng tình với đề xuất tăng thuế lĩnh vực điện ảnh từ 5% (như hiện nay) lên 10%...
Theo đó, văn bản được gửi đến Chính phủ và Quốc hội. Trong danh sách có chữ ký và con dấu của phần lớn các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh như: Công ty cổ phần Phim Thiên Ngân, BHD Việt Nam, CJ CGV Việt Nam, Lotte Cinema Việt Nam, Mega GS, HK Film, ABC Pictures, Chánh Phương Phim, CJ HK, 89SGROUP, VCCORP... Nhiều đạo diễn, nhà sản xuất danh tiếng cũng đã ký tên như: Đạo diễn Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng, Thu Trang, Trần Thị Bích Ngọc, Nhất Trung, Hàm Trần, Hoàng Quân...
Ba nguyên nhân được doanh nghiệp đưa ra
Theo nội dung kiến nghị, có ba nguyên nhân chính được các doanh nghiệp và đạo diễn đưa ra: Thứ nhất, Điện ảnh là một phần quan trọng của văn hóa dân tộc, là yếu tố cốt lõi trong hoạt động văn hóa của đất nước, và Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến ngành này. Vì vậy, các doanh nghiệp điện ảnh đã và đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu chung của ngành.
Khoản 1, Điều 5, Luật Điện ảnh năm 2022 quy định: “Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp và nhà làm phim không có yêu cầu Nhà nước đầu tư tài chính, cung cấp cơ sở hạ tầng, đất đai hay nhân sự, mà chỉ đề nghị cơ chế và chính sách hợp lý để vừa đảm bảo đóng góp cho ngân sách, vừa phát triển ổn định doanh nghiệp, trong đó có vấn đề thuế VAT. Văn bản cũng đề xuất: “Nếu không thể giảm thuế, xin đừng tăng thêm thuế, để người dân tiếp tục được thụ hưởng các giá trị văn hóa mà chúng tôi cung cấp”.
Thứ hai, ngành Điện ảnh gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19, tốc độ hồi phục năm 2023 chỉ mới gần bằng năm 2019 (trước đại dịch) và vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì thế, các doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình khởi động lại với hy vọng có cơ hội phục hồi vào những năm 2024 và 2025. Thêm vào đó, sự thay đổi thói quen của khán giả trong việc sử dụng dịch vụ và thưởng thức văn hóa sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng tác động không nhỏ đến ngành Điện ảnh. “Chắc chắn rằng, ngành này chỉ có thể phục hồi nếu nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành thông qua những chính sách thiết thực, đặc biệt là trong vấn đề thuế”, văn bản nêu rõ. Thứ ba, khó khăn kinh tế toàn cầu và gánh nặng tài chính từ việc tăng thuế khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, việc tăng thuế từ 5% lên 10% sẽ tạo áp lực tài chính lớn cho các doanh nghiệp điện ảnh. Đề xuất tăng thuế mà không có căn cứ khoa học hay thực tiễn làm các doanh nghiệp và nhà làm phim hết sức bất ngờ. “Việc tăng thuế không chỉ tạo thêm gánh nặng tài chính mà còn làm mất đi cơ hội phục hồi và phát triển của ngành, trong khi thói quen tiêu dùng của khán giả đã thay đổi và sức mua giảm mạnh”, văn bản nhấn mạnh.
Sau cùng, các doanh nghiệp còn mạnh dạn đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng xuống mức 3% (giảm 2% so với hiện nay).
Giới làm phim “đứng ngồi không yên”
Trước tình hình trên, giới nghề không chỉ “kêu cứu” bằng cách gửi văn bản khẩn đến Chính phủ và Quốc hội mà còn đồng lòng đăng bài viết trên mạng xã hội với hashtag #khongtangthuedienanh. Những bài viết đã nhận được sự đồng tình từ đông đảo khán giả cùng giới chuyên môn.
Với văn bản kiến nghị này, nhà sản xuất Hoàng Quân cùng nhiều đồng nghiệp kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự bền vững của ngành Điện ảnh. “Việc tăng thuế, nếu không chú ý đến đặc thù ngành nghề, có thể gây khó khăn không nhỏ, đặc biệt với các dự án cần nguồn vốn lớn và thời gian dài để hoàn thiện. Thuế suất cao hơn sẽ dẫn đến việc giảm chất lượng hoặc số lượng các dự án, tạo áp lực lên khán giả thông qua việc tăng giá vé hoặc giảm số lượng phim chiếu rộng rãi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo mà còn làm khó cho các nhà làm phim trẻ khi bước vào thị trường”, anh chia sẻ. Đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng cho biết: “Khi tôi gặp các nhà đầu tư để gọi vốn, họ đều nói rằng đầu tư phim là lĩnh vực đầy rủi ro. Phần lớn họ đầu tư vì sở thích cá nhân và mong muốn hỗ trợ những người làm phim như tôi. Phim ảnh là một trong những công cụ quảng bá thương hiệu quốc gia hiệu quả nhất. Tuy nhiên, khi nghe tin Quốc hội chuẩn bị xem xét thông qua việc tăng thuế suất, tôi vô cùng lo ngại”.
Đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy cũng bày tỏ: “Tôi đã dành nhiều năm để làm nghề mà không có thu nhập ổn định. Chỉ mong một ngày phim có thể thắng hoặc ít nhất hòa vốn để có kinh phí tiếp tục theo đuổi đam mê. Việc tăng thuế chắc chắn là thách thức lớn đối với các công ty non trẻ và các cá nhân làm phim như tôi”.
Trước đó, trong phiên thảo luận của Quốc hội về một số nội dung của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: Không thể chỉ dựa vào một vài bộ phim doanh thu hàng trăm tỉ đồng để đánh giá toàn ngành Điện ảnh Việt Nam, bởi có rất nhiều bộ phim lỗ vốn trầm trọng. Ông Sơn nhấn mạnh rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa, trong đó có việc miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, nhằm không biến thuế thành rào cản đối với khát vọng phát triển đất nước thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Tại “Hội thảo Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm” thuộc khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội 2024, PGS.TS Bùi Hoài Sơn một lần nữa cho rằng, việc miễn, giảm thuế cho sản phẩm và dịch vụ văn hóa là cần thiết để người dân dễ dàng tiếp cận, đồng thời khuyến khích sáng tạo nghệ thuật và bảo tồn các giá trị truyền thống. Điều này sẽ mở đường cho các doanh nghiệp văn hóa phát triển và gia tăng giá trị kinh tế của ngành công nghiệp sáng tạo.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có chia sẻ với báo chí rằng, trong lúc đang cần những hỗ trợ thiết thực để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, việc đề xuất tăng thuế gấp đôi khiến ông ngỡ ngàng. “Hy vọng các đại biểu Quốc hội sẽ cân nhắc, có quyết định đúng đắn và xem đó là hành động thiết thực cho khát vọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, trong đó có điện ảnh”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đề nghị.
CỤC TRƯỞNG CỤC ĐIỆN ẢNH: “Rất mong các đại biểu Quốc hội hết sức cân nhắc”
Trao đổi với Văn Hóa về vấn đề này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) cho biết, đến thời điểm này, Cục mới biết về việc dự kiến tăng thuế như vậy. “Việc tăng thuế gấp đôi thật sự là không phù hợp trong khi chúng ta mong muốn chấn hưng phát triển văn hóa, trong đó có điện ảnh. Cá nhân tôi rất mong các đại biểu Quốc hội hết sức cân nhắc vì nếu tăng thuế sẽ ảnh hưởng rất nặng tới sự phát triển của điện ảnh Việt Nam hiện nay, vì điện ảnh Việt Nam hiện đang khó khăn nhiều hơn là thuận lợi. Đừng thấy một số bộ phim trăm tỉ mà cho rằng đó là thuận lợi. Hiện điện ảnh nước nhà mới khôi phục lại được như trước thời điểm Covid-19, chưa có sự phát triển nào lạc quan ở đây nên tăng thuế là việc không phù hợp”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, trong khoảng ba năm trở lại đây, Bộ VHTTDL rất tích cực tổ chức nhiều diễn đàn, sự kiện nhằm mời gọi các nhà làm phim nước ngoài vào Việt Nam thực hiện các cảnh quay để qua đó giới thiệu, quảng bá văn hóa, con người, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự hồi âm nào vì một trong những vấn đề mà người ta quan tâm là chính sách thuế. Bởi vậy, việc dự kiến tăng thuế như nhiều doanh nghiệp điện ảnh đề cập, có văn bản gửi cấp có thẩm quyền, “theo tôi nghĩ cần được cơ quan Bộ, ngành xem xét kỹ, trước khi có quyết định”, ông Thành nói.