Mãn nhãn đêm biểu diễn nghệ thuật kịch múa “Tổ quốc”
VHO - Tối 28.11, tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật với vở kịch múa Tổ quốc đến từ Trường Múa TP.HCM, thu hút đông đảo khán giả là sinh viên. Đây là một trong các suất diễn đặc biệt của Trường Múa trong đợt biểu diễn quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu, có nội dung thiết thực về “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tác phẩm với phần biểu diễn của các diễn viên trẻ đến từ Trường Múa TP.HCM
Tác phẩm kịch múa Tổ quốc (Biên đạo: NSƯT Tạ Thùy Chi, NSND Hà Thế Dũng, NSƯT Lương Xuân Thành) có nội dung chia làm 4 phần: Dấu ấn thời gian, Bên kia vĩ tuyến, Cuộc chiến nội đô và Khúc khải hoàn. Đây được xem như những lát cắt về thời khắc bi hùng của dân tộc trải dài từ nỗi đau chia cắt năm 1954 đến ngày non sông thu về một mối, được thể hiện xuất sắc qua phần thể hiện của các diễn viên trẻ, tài năng Trường Trung cấp Múa TP.HCM.
Những lát cắt về thời khắc bi hùng của dân tộc được thể hiện qua ngôn ngữ múa
Năm 1954, khi Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, những nhà tù, trại tập trung, các cuộc bắt bớ, giam cầm, tra tấn những người con yêu nước diễn ra khắp nơi tại miền Nam. Chiến dịch dồn dân, lập ấp đã gây bao nỗi oán thán, cuộc sống khốn đốn vô cùng đã làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh với mong muốn nước nhà được thống nhất trong tâm trí của mỗi con người Việt Nam.
Cuộc kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc đã thôi thúc bao thế hệ chiến sĩ, thanh niên miền Bắc, nơi bên kia vĩ tuyến lên đường tiến vào miền Nam. Chiến trường diễn ra khốc liệt, bao chiến sĩ đã quên mình ngã xuống vẫn không ngăn được ý chí ngoan cường của những người yêu nước tiếp bước tiến lên.
Những cuộc biểu tình được nhen nhóm lớn dần lên, những trận chống càn, phản kháng diễn ra quyết liệt ở mọi ngả đường, góc phố. Và cứ thế, cuộc chiến thầm lặng của người dân nội đô và các chiến sĩ luôn làm đảo lộn chiến lược kìm kẹp của địch. Cuộc chiến không cân sức tưởng chứng sẽ bị đè bẹp trước kẻ thù, nhưng chiến công nối tiếp chiến công, càng thúc mạnh lòng quyết tâm giành lại độc lập cho nước nhà, thống nhất Tổ quốc…
Sinh viên hào hứng cổ vũ chương trình
Với độ dài gần 60 phút, sự tham gia của 35 diễn viên qua nhiều lớp diễn khác nhau, Tổ quốc ghi dấu ấn đẹp đối với công chúng yêu thích nghệ thuật múa nói riêng và khán giả nói chung. Tác phẩm đã đem đến cho người xem, đặc biệt là các sinh viên thật nhiều cảm xúc, đó là tinh thần tự hào dân tộc, biết ơn các thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương ngã xuống để bảo vệ cho nền độc lập nước nhà… Và có lẽ sẽ rất thiếu nếu không nói đến phần trình diễn chuyên nghiệp, đẹp mắt với sự chỉn chu, kỹ lưỡng trong từng động tác. Đây là một kịch bản gọn gàng, mạnh mẽ mà không hề bị “khô cứng” bởi những động tác quá nhịp nhàng, uyển chuyển của các diễn viên, đã thực sự khiến người xem sự cảm động và khâm phục.
Góp phần thành công cho vở diễn có lẽ còn là sân khấu chuyên nghiệp tại Hội trường lớn Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, với hệ thống âm thanh, ánh sáng chuyên dụng, rất phù hợp cho các tác phẩm quy mô lớn...
Phó giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM Trần Quý Bình cho biết, đợt biểu diễn quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu, có nội dung thiết thực về “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” diễn ra từ ngày 12.11-7.12.2023, với 30 suất diễn phục vụ tại nhiều địa phương, đơn vị, trường học trên địa bàn TP. Đây là đợt biểu diễn quảng bá đầu tiên với danh nghĩa sự chỉ đạo của Sở VHTT TP.HCM, nhằm kết nối, phát huy không chỉ các đơn vị nghệ thuật công lập, mà cả các sân khấu xã hội hóa cùng đưa tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao đến với công chúng. Nhà hát Kịch TP.HCM được phân công phối hợp cùng các đơn vị thực hiện.
Sau khi diễn tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, tác phẩm kịch múa Tổ quốc tiếp tục biểu diễn 2 suất, vào 18h ngày 8.12 tại Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn và suất 18h ngày 19.12, tại quận Tân Phú. Trước đó, vở kịch múa này đã biểu diễn phục vụ tại Trường ĐH Công thương (ngày 15.11) và huyện Bình Chánh (ngày 20.11) đều nhận được sự cổ vũ của đông đảo người xem.
Nhằm tạo thêm sự sinh động, đa dạng cho buổi biểu diễn, chương trình còn có phần trình diễn các ca khúc Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (Tác giả: Nguyễn Văn Thương; biểu diễn: nhóm ca Trúc Việt và vũ đoàn), Hoa sen Tháp Mười (Tác giả: Trương Quang Lục; biểu diễn: Trịnh Kim Liên, Hồng Mơ),…
Lãnh đạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM và Nhà hát Kịch TP.HCM tặng hoa cho các diễn viên
Ngoài vở diễn nói trên, trong đợt quảng bá còn có tác phẩm múa Huyền thoại rừng Sác (đơn vị Đoàn văn công Quân khu 7) và 4 vở kịch: Cuộc hành trình tìm bức chân dung (đơn vị Nhà hát Kịch TP.HCM); Cánh đồng rực lửa (Sân khấu Kịch Quốc Thảo); Rặng trâm bầu (Sân khấu Trịnh Kim Chi); và Đại náo Long cung (Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ). Đây là những vở kịch từng đạt các giải thưởng cao tại các liên hoan, hội diễn, từng gây ấn tượng với khán giả bởi nội dung khắc họa được một thời anh dũng kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đồng thời độc đáo bởi cách dàn dựng sáng tạo.
THÙY TRANG