Lắng nghe câu chuyện cuộc đời trong thế giới hội họa Nguyễn Thu Hà
VHO - Ngày 16.11 tại TÁCH Spaces (Hà Nội), triển lãm “Chân dung màu nước - Sự soi chiếu qua những tấm gương” nằm trong dự án hợp tác triển lãm tranh giữa họa sĩ Nguyễn Thu Hà và TÁCH Spaces đã khai mạc, với đa chiều cảm xúc.
Không gian hội họa xinh đẹp chiều cuối tuần đã giữ chân đông đảo người yêu tranh, yêu nét vẽ kể câu chuyện cuộc đời của nữ họa sĩ Nguyễn Thu Hà.
Triển lãm bày 27 bức chân dung, như một điểm khởi đầu để phác thảo chân thực nhất những lát cắt trong câu chuyện cuộc đời của từng nhân vật. Nhân vật ngoài đời thực và chân dung trong bức tranh là hai manh mối song song, như được phản chiếu qua tấm gương.
Ngoài đời thực của triển lãm là 23 nhân vật được họa sĩ chọn làm nguyên mẫu, mỗi nhân vật đại diện cho sự phân chia về giới, về lứa tuổi và công việc..., trong đó có cả người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trong xã hội.
Nhiều người là những con người bình dị, thậm chí có những số phận dường như bị lãng quên. Họ đến với họa sĩ Nguyễn Thu Hà bằng tình yêu hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung. Nữ họa sĩ đã đưa ra nhiều khía cạnh diễn giải hơn cho chủ đề chính của triển lãm, mỗi khía cạnh là một câu chuyện cuộc đời trong thế giới hội họa.
“Tôi nghĩ, mỗi con người có nhiều mặt khác nhau, đơn giản như lúc trang điểm hay lúc không trang điểm, kiểu tóc buông xoã, búi lên cao hoặc đội mũ, chưa kể tâm tư lúc vui lúc buồn, suy nghĩ lúc thế này lúc thế khác. Gương cũng vậy. Một tấm gương luôn chân thật, mỗi khi soi vào ở từng thời điểm, hoàn cảnh, sẽ cho hình ảnh phản chiếu khác nhau.
Đặc trưng của màu nước là độ loang rất khó kiểm soát. Đó chính là những lí do khi đặt tiêu đề triển lãm, tôi đã chọn GƯƠNG là số nhiều và CHÂN DUNG là số ít...”, Nguyễn Thu Hà bày tỏ.
Mỗi tác phẩm đều có những câu chuyện trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Đồng thời, những câu chuyện này có nhiều thể loại. Mỗi tác phẩm kể một câu chuyện khác nhau.
Triển lãm đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Thu Hà sử dụng quan điểm nghệ thuật là mô tả chân thực nhằm tìm hiểu về các tầng lớp trong xã hội. Mỗi bức vẽ kể một câu chuyện có tính lát cắt về cuộc đời của một con người, thông qua số phận và hoàn cảnh sống của họ để phản ánh xã hội, phản ánh không gian họ đang sống.
Điều khá đặc biệt là triển lãm của nữ họa sĩ Nguyễn Thu Hà được đồng hành bởi giám tuyển là bác sĩ, nhạc sĩ Trần Văn Phúc. Không phải sự chọn lựa từ sưu tập hay những tác phẩm có sẵn như ở nhiều triển lãm khác, tại “Chân dung màu nước - Sự soi chiếu qua những tấm gương”, họa sĩ và giám tuyển đã có nhiều cuộc trò chuyện, chia sẻ với nhau, từ đó, hình thành nên những ý tưởng để đưa ra góc nhìn sao cho có thể lột tả được rõ nhất chân dung nhân vật. Chân dung ấy không chỉ thể hiện ở sắc diện bên ngoài mà còn là những câu chuyện phía sau.
Giám tuyển Trần Văn Phúc chia sẻ, những năm đầu khi Thu Hà bước chân vào con đường nghệ thuật, anh đã trao đổi và định hướng cô nên bắt đầu với những lựa chọn cụ thể như gốm, hay nghệ thuật đương đại… Và trên những sản phẩm gốm, Nguyễn Thu Hà cũng đã có những bức vẽ rất đẹp để đưa đến văn hóa Việt đến với nhiều nước, trong đó có châu Âu. Những sản phẩm đó vừa được bán, vừa quảng bá những giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc ra thế giới.
“Trải qua một quãng thời gian khá dài, cho đến năm 2019, khi nữ họa sĩ sở hữu được khoảng 300 bức vẽ hoa và chân dung, cô mong muốn tổ chức một triển lãm. Thời điểm đó, chúng tôi đã trao đổi và thống nhất sẽ không bày tranh như một triển lãm đơn thuần mà nhất định cần có một triển lãm dấu ấn, có tính định hướng với công chúng. Điều đó đòi hỏi sự chuẩn bị dài hơi, công phu hơn.
Tôi đã nhận lời sẽ làm giám tuyển cho triển lãm của Hà. Chúng tôi ấp ủ sẽ làm một triển lãm có tên “Nhìn trong bóng đêm” vào giai đoạn đại dịch Covid-19 xảy ra. Nhưng rất may sau đó đại dịch đã được khống chế, và chúng tôi quyết định chuyển hướng sang cuộc triển lãm này- “Chân dung màu nước - Sự soi chiếu qua những tấm gương”…”, giám tuyển Trần Văn Phúc nhớ lại.
Để có được triển lãm lần này, những người tổ chức đã xây dựng, chọn các tuyến nhân vật đăc biệt, không phải ở sự nổi tiếng của nhân vật mà ở chiều sâu của họ. Nhiều người là những nhân vật điển hình trong xã hội, mang tính giáo dục cao.
“Thậm chí, chúng tôi nghiên cứu về những lát cắt cuộc đời, những góc khuất ẩn phía sau để xây dựng nên những câu chuyện, số phận, chuyển tải những triết lý và thông điệp, những giá trị nhân văn nhằm định hướng cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ trong bối cảnh cuộc sống đang có nhiều va đập, khủng hoảng…”, giám tuyển Trần Văn Phúc cho biết.
Những bức chân dung màu nước cuốn hút của Nguyễn Thu Hà đều luôn nhất quán một quan điểm là đơn giản và đẹp mắt. Chị không máy móc rập khuôn theo chủ nghĩa hội họa kinh điển, cũng không vội vã lao theo phong trào nghệ thuật đương đại mà luôn giữ lại kĩ thuật vẽ theo công thức cổ điển, đồng thời tự làm mới trong cách sử dụng cọ vẽ và màu sắc. Các hình thức được chú ý, thể hiện đủ và chi tiết, mang hơi hướng của một cấu trúc hình họa chắc chắn.
Nguyễn Thu Hà đã biến kĩ thuật vẽ chân dung thành chủ nghĩa tối giản trang nhã, bộc lộ vẻ đẹp và trật tự trong cách thể hiện mang tính cá nhân và đương đại, tạo nên một sức mạnh cảm xúc mới thông qua những nét hình và mảng màu trong trẻo, khơi dậy niềm tin sáng tạo mới.
Bày tỏ sự xúc động, một trong những “nguyên mẫu” trong tranh của Nguyễn Thu Hà, NSƯT Cao Ngọc Ánh, PGĐ Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ, xem tranh chân dung của Nguyễn Thu Hà luôn thấy những nỗ lực sáng tạo nghệ thuật một cách chân thực nhất, cảm nhận được tâm hồn an lạc của nghệ sĩ khi hết mình sáng tạo.
Người xem cũng cảm nhận thái độ chân thành đối với nghệ thuật, cảm nhận được sự tôn trọng kĩ năng và sự kính trọng giá trị truyền thống từ nữ họa sĩ.
Là nhân vật trong tranh “Sự im lặng màu xanh”, NSƯT Cao Ngọc Ánh tâm sự: “Điều tôi thích nhất là có được bức chân dung bằng hội hoạ. Một bức chân dung toát lên thần thái, nội tâm, thể hiện sự đồng cảm, nhận diện và lột tả của tác giả với nguyên mẫu của mình. Trong cuộc sống hôm nay, việc giành thời gian ngồi làm mẫu vẽ, để trò chuyện tìm hiểu về nhau, trở về cội nguồn nội tâm có thể nói rất hiếm hoi, nhưng vô cùng ý nghĩa”.
NSƯT Cao Ngọc Ánh cho rằng, những bức chân dung màu nước mà hoạ sĩ Nguyễn Thu Hà vẽ bằng cả trái tim đã truyền cảm hứng cho người xem, với những giá trị gốc rễ truyền thống không thể thiếu vắng trong cuộc sống đương đại.
NSND Ngọc Huyền, cũng là một nhân vật trong tranh của Nguyễn Thu Hà bộc bạch: “Sau khi xem những tranh chân dung của Hà, tôi càng cảm thấy yêu nữ họa sĩ nhiều hơn. Đã có một số lần được vẽ tranh chân dung, nhưng phải đến khi gặp Nguyễn Thu Hà, tôi mới cảm thấy thích nhất. Tôi rất yêu bức tranh Thu Hà vẽ cho tôi, nhất là đôi mắt, rất có hồn và chân thực”.
Hiện tại, Nguyễn Thu Hà vẫn tôn trọng chức năng chính và ban đầu của chân dung là trung thành với nguyên mẫu. Họa sĩ chọn phong cách chân dung là hình ảnh phản chiếu qua những tấm gương để tìm những manh mối cuộc sống và xã hội.
Nguyễn Thu Hà vẽ chân dung phản ánh con người, phản ánh hiện thực cuộc sống và xã hội theo cách dễ hiểu nhất, tập trung vào kĩ năng nắm bắt thần thái, kĩ năng nắm bắt hình họa chắc chắn, thông qua màu nước - một chất liệu thanh thoát, nhẹ nhàng và có tính ngẫu nhiên, tính dẫn dắt cao.
Ở thời đại mà việc chụp ảnh dễ như uống nước, tại sao mọi người phải mất hàng tháng trời, thậm chí hàng năm hoặc lâu hơn để chờ đợi một bức tranh chân dung? Một bức chân dung được tạo ra có gì đặc biệt?
Những câu hỏi đặt ra dường như khiến cho việc một họa sĩ thời nay quyết định quay về vẽ chân dung cực kì khó khăn, vẽ chân dung màu nước lại càng khó khăn hơn nữa. Nhưng với Nguyễn Thu Hà, cô lại chọn chân dung như cuộc trở về với chính mình.
Tốt nghiệp Trường Đại học Mĩ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 2002 nhưng Nguyễn Thu Hà chỉ thực sự quay trở lại vẽ từ cuối năm 2021, họa sĩ lựa chọn thể loại chân dung chất liệu màu nước, một lĩnh vực tương đối khó, đòi hỏi sự kiên trì, không ngừng học hỏi về kiến thức đủ mọi lĩnh vực.
Trước triển lãm “Chân dung màu nước - Sự soi chiếu qua những tấm gương”, tháng 7. 2023, Nguyễn Thu Hà đã cùng 19 họa sĩ Việt Nam khác tham dự Triển lãm Hương Gió Phương Nam – Mỹ thuật Việt Nam ngày nay, tổ chức tại Ulan Bator, đây cũng là lần ra mắt đầu tiên của Mỹ thuật Việt Nam tại Mông Cổ.
Ông Doãn Khánh Tâm, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ chia sẻ ấn tượng về nữ họa sĩ lần tham gia triển lãm này. “Tôi vẫn lưu giữ hình ảnh tôi và họa sĩ Thu Hà chụp cùng một nguyên mẫu là cô gái Mông Cổ. Cô gái là tình nguyện viên giúp đỡ Đại sứ quán và các nghệ sĩ của Việt Nam trong đợt triển lãm. Trong lần đi dã ngoại, nhiều họa sĩ Việt Nam đã sáng tác về cảnh sắc, con người Mông Cổ và đặc biệt, nữ họa sĩ Thu Hà đã sáng tác ngay tại chỗ bức chân dung về cô gái Mông Cổ. Và tại triển lãm Chân dung màu nước hôm nay, tôi một lần nữa được gặp lại bức tranh này”.
Nguyên Đại sứ Doãn Khánh Tâm bày tỏ, một trong những dấu ấn ngoại giao văn hóa mà ông có được ở vị trí đại sứ của mình có đóng góp không nhỏ từ hoạt động của đoàn nghệ sĩ Việt Nam tại Mông Cổ, trong đó có vai trò của nữ họa sĩ Nguyễn Thu Hà.
Đã có rất nhiều chia sẻ ấm áp, gần gũi như thế trong không gian xinh đẹp của cuộc triển lãm. Với 27 bức chân dung, họa sĩ Nguyễn Thu Hà đã kể nhiều những câu chuyện, qua đó nói về nhiều chủ đề khác, như gia đình, tình yêu, hạnh phúc, thậm chí là sự cô đơn, các vấn đề của đời sống xã hội..., ở những bối cảnh và điều kiện khác nhau.
Nhưng trên tất cả, người yêu nghệ thuật vẫn luôn cảm nhận được một tình yêu, một tâm hồn thanh thoát, cảm mến cái đẹp và những giá trị của cuộc sống, thông qua từng bức tranh, từng nhân vật và những câu chuyện cuộc đời qua nét vẽ Thu Hà.