Từ concert đến truyền hình thực tế:
Làn sóng tiêu dùng âm nhạc tại Việt Nam
VHO - Trong năm 2024, sự phong phú về hình thức và quy mô của các sự kiện văn hóa, nghệ thuật đã vẽ nên một bức tranh âm nhạc sôi động và đầy sắc màu. Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường biểu diễn không chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả mà còn góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Sôi động thị trường âm nhạc
Thị trường biểu diễn âm nhạc trực tiếp tại Việt Nam vừa trải qua một cột mốc bùng nổ chưa từng có. Các sân khấu lớn nhỏ trên khắp cả nước liên tục náo nhiệt với hàng loạt lễ hội, liveshow và concert quy mô hoành tráng, từ những lễ hội sôi động dành cho giới trẻ như GENfest, Những thành phố mơ màng, đến liveshow của các ngôi sao hàng đầu Vpop như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn… Liên hoan Âm nhạc quốc tế Hò Zô vừa quay lại TP Hồ Chí Minh, tiếp tục khẳng định vị thế của mình như một thương hiệu nhạc hội đình đám, thu hút hơn 100 nghệ sĩ quốc tế, trong đó có sự góp mặt của Mỹ Tâm...
Đặc biệt, các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc đã trở thành “bàn đạp” quan trọng, giúp các nghệ sĩ, đặc biệt là những gương mặt trẻ, tiếp cận và chinh phục khán giả đại chúng. Năm 2024, làng giải trí Việt Nam trở nên “nóng” hơn bao giờ hết với các chương trình như Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi, cùng sự trở lại của mùa 2 Chị đẹp đạp gió rẽ sóng. Những sân chơi này không chỉ là dịp để các nghệ sĩ thể hiện tài năng mà còn góp phần tăng cường độ nhận diện và xây dựng cộng đồng người hâm mộ trung thành.
Với sự kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc, kịch bản hấp dẫn và những màn tương tác dí dỏm, các chương trình này nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng, đồng thời tạo ra những trào lưu mới, lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Thành công rực rỡ ấy đã chứng minh sức hấp dẫn mạnh mẽ của mô hình “mix and match” nghệ sĩ. Việc kết hợp nhiều nghệ sĩ tài năng không chỉ mang lại những sản phẩm âm nhạc chất lượng mà còn giúp khán giả khám phá những góc nhìn mới về thần tượng của mình. Với sự ra mắt của “Em xinh say hi” vào năm 2025, có thể thấy rằng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Không chỉ dừng lại ở các chương trình truyền hình, những concert Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai với sự tham gia của hàng chục nghìn khán giả đã diễn ra tại nhiều tỉnh, thành. Tại đây, khán giả được đắm chìm trong những trải nghiệm âm nhạc đa dạng, từ giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng cho đến những bản nhạc sôi động, hiện đại. Các sự kiện âm nhạc này không chỉ là cầu nối tuyệt vời giữa nghệ sĩ và người hâm mộ, mà còn tạo ra nhiều kỷ niệm khó quên, vừa nâng cao tiêu chuẩn giải trí vừa góp phần thúc đẩy ngành âm nhạc Việt Nam phát triển và vươn ra thế giới.
Kết nối sâu sắc nghệ sĩ với người hâm mộ
Từ những buổi biểu diễn nhỏ lẻ với lượng khán giả hạn chế, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các concert quy mô lớn, thu hút hàng chục nghìn người tham dự. Có thể thấy, người hâm mộ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển của ngành âm nhạc Việt Nam. Họ không chỉ là những người nghe nhạc thụ động mà còn sẵn sàng chi trả để theo đuổi đam mê âm nhạc và không ngại bày tỏ tình cảm với thần tượng.
Theo nghiên cứu “Tổng quan ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam 2024-2025” của Đại học RMIT Việt Nam, người hâm mộ là một phần không thể thiếu trong thành công của nghệ sĩ. Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và fan thường phát triển một cách tự nhiên, khi người hâm mộ bị thu hút bởi âm nhạc và hình ảnh của nghệ sĩ. Trong khi người nghe thông thường chỉ nghe nhạc ngẫu nhiên qua các nền tảng đề xuất, thì những người hâm mộ nhiệt thành (superfan - chiếm khoảng 13% tổng số người yêu nhạc ở Việt Nam) tích cực tương tác và hỗ trợ nghệ sĩ yêu thích qua các hoạt động trực tuyến và tham gia các sự kiện trực tiếp.
Người hâm mộ sẵn sàng “mở hầu bao” để sở hữu những sản phẩm liên quan đến thần tượng. Dù mức chi tiêu trung bình chỉ khoảng 50.000 đồng, nhưng với các superfan, con số này có thể lên tới hơn 500.000 đồng mỗi tháng. Các sản phẩm hợp tác giữa nghệ sĩ và thương hiệu luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt. Nhiều fan không ngại chi “khủng” để sở hữu những món đồ độc quyền, mang đậm dấu ấn cá nhân của thần tượng. Bên cạnh đó, các gói đăng ký thành viên trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến, album hay đĩa đơn cũng là những lựa chọn phổ biến, giúp thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người hâm mộ.
Với nhiệt huyết và lòng trung thành tuyệt đối, người hâm mộ đã tạo ra một làn sóng tiêu dùng âm nhạc vượt trội, đặc biệt là đối với các sản phẩm của nghệ sĩ trong nước. Tuy nhiên, sức mạnh của superfan cũng đi kèm với không ít thách thức. Superfan có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của nghệ sĩ; họ có thể ủng hộ nhiệt tình, nhưng cũng có thể “quay lưng” nếu kỳ vọng không được đáp ứng. PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long (Đại học RMIT Việt Nam) nhận định: “Điều này mở ra cơ hội kết nối sâu sắc hơn với người hâm mộ, nhưng cũng đặt ra thử thách khi quản lý hình ảnh trước công chúng của nghệ sĩ. Nghệ sĩ và đội ngũ quản lý cần hết sức cẩn trọng trong việc điều hướng kỳ vọng của fan và duy trì hình ảnh tích cực, tránh tình trạng bị họ xa lánh”.
Thực tế cho thấy, người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đang dần có xu hướng tham gia các buổi biểu diễn âm nhạc thường xuyên hơn. Tuy nhiên, so với các quốc gia Đông Nam Á khác, con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Để thị trường concert nước nhà thực sự phát triển mạnh mẽ, việc tham gia các sự kiện âm nhạc trực tiếp cần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của giới trẻ. Vì vậy, việc đa dạng hóa các loại hình sự kiện âm nhạc, từ các concert quy mô lớn đến những đêm nhạc nhỏ, từ pop, rock đến indie và EDM, là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng dịch vụ tổ chức sự kiện cũng đóng vai trò then chốt; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị sản xuất, nghệ sĩ, địa điểm tổ chức, đơn vị truyền thông và khán giả.
Trong bối cảnh công nghiệp văn hóa, đặc biệt là công nghiệp âm nhạc đang gặp thời cơ thuận lợi, việc thực hiện các giải pháp trên sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc, giúp các nghệ sĩ Việt Nam phát triển sự nghiệp. Từ đó, ngành công nghiệp âm nhạc trong nước có thể vươn tầm và sánh vai cùng các quốc gia trong khu vực.