Kiên Giang:

Lần đầu tiên tổ chức Giải thưởng Văn học, nghệ thuật Chiêu Anh Các

THÙY TRANG

VHO - BTC Giải thưởng Văn học, nghệ thuật Chiêu Anh Các tỉnh Kiên Giang, lần thứ I - năm 2025 vừa ban hành Thể lệ tổ chức Giải thưởng Văn học, nghệ thuật Chiêu Anh Các tỉnh Kiên Giang, lần thứ I - năm 2025, xét tặng đối với 9 lĩnh vực.

Lần đầu tiên tổ chức Giải thưởng Văn học, nghệ thuật Chiêu Anh Các - ảnh 1

Theo Thể lệ, tác phẩm, công trình được xét Giải thưởng phải đóng góp đáng kể vào sự nghiệp văn học - nghệ thuật của tỉnh. Ảnh minh họa: Nghệ sĩ Bích Trâm với tiết mục đơn ca cổ “Lời người đất đảo” đoạt Huy chương Vàng tại Hội thi tuyên truyền lưu động về biển, đảo Việt Nam năm 2023

Đây là lần đầu tiên Giải thưởng Văn học, nghệ thuật Chiêu Anh Các được tổ chức. Giải thưởng xét tặng cho tác giả, nhóm tác giả là công dân Việt Nam, người Việt Nam đang sinh sống ở ngước ngoài có tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu, xuất sắc sáng tác về tỉnh Kiên Giang, gồm các lĩnh vực: Âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian.

Theo BTC, Giải thưởng Văn học, nghệ thuật Chiêu Anh Các tỉnh Kiên Giang, lần thứ I - năm 2025 được xét tặng một lần cho tác giả, nhóm tác giả ở một trong các thể loại nói trên.

Đối với tác phẩm, công trình cá nhân: Mỗi loại hình xét chọn 3 giải thưởng.

Đối với các tác phẩm công trình tập thể: Mỗi loại hình xét chọn 1 giải thưởng. Giải thưởng không phân biệt về thứ, hạng. Mỗi tác giả chỉ được tham dự xét thưởng 1 thể loại cho mỗi lần xét tặng Giải thưởng Chiêu Anh Các.

Tác phẩm, công trình đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật không tham dự giải thưởng này. Tác giả có tác phẩm, công trình tham gia dự giải thì không tham gia Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo xét tặng giải thưởng.

Tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được xét tặng Giải thưởng Chiêu Anh Các phải có giá trị xuất sắc về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; có tác dụng tốt trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, trong xây dựng quê hương, đất nước; góp phần nâng cao trình độ, thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân.

Tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật phải đóng góp đáng kể vào sự nghiệp văn học - nghệ thuật của tỉnh; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất và người Kiên Giang đối với khu vực, quốc gia và thế giới.

Tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đã khẳng định được sức sống trong lòng công chúng, được công chúng thưởng thức mến mộ và công nhận những giá trị về tư tưởng, nghệ thuật.

Đối với lĩnh vực Âm nhạc: Tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đủ điều kiện để xét tặng Giải thưởng thuộc một trong các chuyên ngành: ca khúc, hợp xướng, khí nhạc… đã được trình diễn, ghi âm, ghi hình và được cơ quan chức năng (CQCN) cho phép phát hành qua băng, đĩa hoặc qua dàn dựng, công diễn. Công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về âm nhạc đã được xuất bản thành sách do CQCN cho phép phát hành ấn phẩm.

Lĩnh vực Điện ảnh: Các tác phẩm thể loại điện ảnh, phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, phim truyện truyền hình (chỉ xét tác giả kịch bản điện ảnh và đạo diễn; không xét tác phẩm thuộc thể loại báo chí truyền hình) đã được CQCN cho phép phát hành qua băng, đĩa hoặc qua dàn dựng, công chiếu. Công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về điện ảnh đã được xuất bản thành sách do CQCN cho phép phát hành ấn phẩm.

Lĩnh vực Kiến trúc: Tác phẩm công trình, kiến trúc được xây dựng và đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, mà không vi phạm pháp luật. Công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về kiến trúc đã được xuất bản thành sách do CQCN cho phép phát hành ấn phẩm.

Lịnh vực Múa: Kịch bản múa được dàn dựng công diễn, các vở múa đã được trình diễn, ghi hình (chỉ xét biên đạo múa) và được CQCN cho phép phát hành qua băng, đĩa hoặc qua dàn dựng, công diễn. Công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về múa đã được xuất bản thành sách do CQCN cho phép phát hành ấn phẩm.

Lĩnh vực Mỹ thuật: Các tác phẩm thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, nghệ thuật trang trí đã được thể hiện thành tranh, tượng, bức vẽ. Công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về mỹ thuật đã được xuất bản thành sách do CQCN cho phép phát hành ấn phẩm.

Lĩnh vực Nhiếp ảnh: Các tác phẩm thể loại ảnh nghệ thuật đã được in ấn, trưng bày, triển lãm trong nước và nước ngoài. Công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về nhiếp ảnh đã được xuất bản thành sách do CQCN cho phép phát hành ấn phẩm.

Lĩnh vực Sân khấu: Các tác phẩm kịch bản sân khấu được dàn dựng công diễn, các vở diễn thuộc các loại hình sân khấu (chỉ xét tác giả kịch bản, đạo diễn).

Đối với thể loại cổ nhạc chỉ xét bản vọng cổ và 20 bài bản Tổ ca nhạc tài tử đã được biên soạn thành bài, tập sách thể hiện bằng hình thức in ấn, ghi âm, ghi hình đã được CQCN cho phép phát hành bằng ấn phẩm băng, đĩa hoặc qua dàn dựng, công diễn.

Công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về sân khấu đã được xuất bản thành sách do CQCN cho phép phát hành ấn phẩm.

Lĩnh vực Văn học: Các tác phẩm thuộc thể loại văn xuôi, thơ được xuất bản thành sách do CQCN cho phép phát hành ấn phẩm. Công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về văn học được xuất bản thành sách do CQCN cho phép phát hành ấn phẩm.

Lĩnh vực Văn nghệ dân gian: Các tác phẩm, công trình sưu tầm, nghiên cứu, lý luận và phê bình về văn học, nghệ thuật dân gian được xuất bản thành sách do CQCN cho phép phát hành ấn phẩm.

Thời gian nhận tác phẩm xét dự giải: Từ tháng 7 đến hết tháng 9.2024. Lễ công bố, trao Giải thưởng Chiêu Anh Các, dự kiến tổ chức vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025).

Tác giả có tác phẩm, công trình đạt giải thưởng được nhận bằng chứng nhận (kèm theo biểu trưng và tiền thưởng) của Chủ tịch UBND tỉnh. Cụ thể, đối với các tác phẩm, công trình của cá nhân: 72 triệu đồng/giải; tác phẩm, công trình tập thể (nhóm tác giả): 108 triệu đồng/giải.