Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Trung Thông
VHO - Nhà thơ Hoàng Trung Thông là con người tài hoa, đa năng mà cuộc đời và sự nghiệp phong phú mang những dấu ấn khác biệt đáng để hậu thế tiếp tục quan tâm.
Sáng 12.5, tại Hà Nội, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Tọa đàm khoa học Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Trung Thông (5.5.1925 - 5.5.2025).

Tham dự Tọa đàm có đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và gia đình cố nhà thơ Hoàng Trung Thông.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925 - 1993) còn có bút danh là Đặc Công, Bút Châm. Ông là một gương mặt thơ tiêu biểu có vị trí đại diện cho nền thơ cách mạng của nước Việt Nam mới; nguyên Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam; nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Văn học; nguyên Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Văn học (1976 - 1985).

Hoàng Trung Thông sinh ngày 5.5.1925 tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Thuở nhỏ ông theo học chữ Hán và được coi như một thần đồng nổi tiếng khắp vùng.
Đến năm 12 tuổi, ông theo học trường Quốc học Vinh, một trong những trường danh giá thời bấy giờ. Sớm thoát ly tham gia cách mạng trong phong trào Việt Minh, trong Kháng chiến chống Pháp ông từng cùng Hải Triều, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên lãnh đạo Hội văn nghệ Khu IV.
Chia sẻ ký ức về nhà thơ Hoàng Trung Thông, GS Phong Lê cho biết: Với tôi, Hoàng Trung Thông là bậc đàn anh trong nghiệp nghiên cứu và mười năm là thủ trưởng của tôi.

Nhưng trong tôi, ông luôn luôn là một nhà thơ. Tôi không muốn tách hai tư cách này ở ông, bởi với ông, cả hai là không bài trừ nhau mà bổ sung cho nhau.
Tuy không phải là người thuộc nhiều thơ ông - vì thơ ông nhìn chung không dễ thuộc, nhưng tôi vẫn cảm nhận được rõ ràng về ông như nhiều người. Đó là một hồn thơ chân chất, khoẻ khoắn, chắc nịch, mà chỉ riêng tên quyển, tên bài đã nói lên điều đó: Bài ca vỡ đất, Quê hương chiến đấu, Đường chúng ta đi, Trong gió lửa...
Việc xác định một giọng điệu riêng cho thơ ông quả là không khó lắm. Với Hoàng Trung Thông, bất cứ lúc nào, bạn đọc cũng đều có chung một liên tưởng.
Đó là nhà thơ của Bài ca vỡ đất, nhà thơ của câu thơ:
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
Thế nhưng, với tôi, Hoàng Trung Thông không chỉ là một tiếng thơ rắn rỏi. Không phải chỉ là tiếng nói của lý trí, theo lối tam đoạn luận. Mà đôi lúc còn là một tiếng thơ mềm của cảm xúc, của những bâng khuâng với rất nhiều lưu luyến trong tình người.

Hoàng Trung Thông là người có học vấn uyên bác. Thơ ca của ông giúp con người sống tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, đánh thức tình yêu với con người, nỗ lực đấu tranh vì những lý tưởng nhân đạo và sự tiến bộ của con người.
Thơ của ông vừa mộc mạc, giản dị, vừa giàu chất suy tưởng và triết lý. Điều này bắt nguồn từ niềm cảm xúc chân thành, sự rung cảm chân thật và quan niệm thẩm mỹ gần gũi với đa số công chúng yêu văn chương, nghệ thuật.
Những sáng tạo của ông thường gắn bó mật thiết với cuộc đời nhưng không dễ dãi; song hành cùng hơi thở của cuộc sống và được đón nhận một cách nồng hậu. Cho nên, thơ Hoàng Trung Thông mang một vẻ đẹp bình dị được chắt lọc từ cuộc sống đời thường.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông từng được Giải ba dịch văn học dịch tác phẩm Vương Quý và Lý Hương Hương của Lý Quý, Trung Quốc (1954).
Giải thưởng thơ Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1954 - 1955.
Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001
Năm 2022, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (đợt 6) với các tập thơ: Đường chúng ta đi, Những cánh buồm, Đầu sóng, Tiếng thơ không dứt...
Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã được đặt tên đường ở TP Vinh (Nghệ An), TP Đà Nẵng và TP Vũng Tàu.