Kịch xiếc "Cha Rồng mẹ Tiên": Thông điệp ý nghĩa và giàu tính nghệ thuật
VHO - Tối 28.4, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam công diễn chính thức vở kịch xiếc Cha Rồng mẹ Tiên. Tác phẩm được Nhà hát ấp ủ suốt nhiều năm nhưng vì nhiều lý do chưa thể ra mắt, đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm nay mới chính thức hội ngộ khán giả.
Trang phục và đạo cụ vở diễn được đầu tư chỉnh chu, đẹp mắt
Cha Rồng mẹ Tiên (kịch bản và tổng đạo diễn: Phi Sơn, đạo diễn xiếc: Công Nguyễn; chỉ đạo nghệ thuật: Lê Diễn) với sự tham gia biểu diễn của khoảng 20 diễn viên, nghệ sĩ.
Nội dung vở kịch xiếc dựa trên câu truyện truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ với trăm trứng nở trăm con. Thông qua ngôn ngữ chính là xiếc, vở kịch sử dụng vũ đạo, tổ hợp múa, âm nhạc đã làm cho tác phẩm sinh động. Mạch kịch được xây dựng theo góc nhìn mới, từ thuở khi loài người phát hiện ra lửa, tìm cách chinh phục thiên nhiên, chiến đấu với các thế lực siêu nhiên để sinh tồn và phát triển. Với cách xây dựng tài tình, vở kịch đã mang đến những màn cao trào, đầy kịch tính, tạo hồi hộp và lôi cuốn khán giả.
Màn xiếc, múa lửa minh họa sinh động giai đoạn sơ khai của loài người khi tìm ra lửa và biết vận dụng lửa váo đời sống sinh hoạt
Vở diễn được đầu tư khá công phu về cảnh trí, phục trang để tái hiện thời kỳ sơ khai. Đó là những đồi núi, cánh rừng hoang sơ, hùng vĩ nhưng đầy màu sắc và sự âm u, huyền bí; đó là cảnh dưới biển có khi dịu êm nhưng cũng có lúc dữ tợn với sự xuất hiện của các loài thủy quái… Hình ảnh chiếc thuyền đánh cá được cách điệu và những ngư dân chiến đấu với ác thú gây nhiều thú vụ cho người xem.
Con người chống chọi với thủy quái
Cao trào nhất của vở là đoạn Lạc Long Quân chiến đấu với Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh chuyên gây hại cho dân lành, chính sự dũng mãnh, anh hùng của chàng Long Quân đã khiến nàng Âu Cơ yêu mến, dẫn đến mối lương duyên của cha Rồng và mẹ Tiên. Để rồi tình yêu thăng hoa và họ đã sinh ra trăm trứng là trăm người con, hậu duệ của họ là Vua Hùng đã dựng nên nhà nước cổ đại đầu tiên của Việt Nam.
Sự xuất hiện của nàng Âu Cơ trên sân khấu kịch xiếc vô cùng lung linh
Có lẽ truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên không xa lạ với người dân Việt cũng như đã câu chuyện này đã được thể hiện qua nhiều loại hình nghệ thuật. Song qua ngôn ngữ của xiếc, câu chuyện mang màu sắc rất riêng, đầy hấp dẫn.
Ông Nguyễn Phi Sơn, Phó Giá đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam chia sẻ, “Chúng tôi quyết tâm xây dựng vở kịch xiếc này này, đầu tiên là biểu diễn phục vụ khán giả vào đúng dịp Lễ Giổ Tổ Hùng Vương và các ngày lễ lớn của đất nước, sau đó là muốn giới thiệu nét mới của xiếc với các tạo hình nhân vật Lạc Long Quân, Âu Cơ, Vua Hùng Vương để khán giả thấy được sự mới mẽ, hấp dẫn của nghệ thuật xiếc.
Vở diễn đã giới thiệu nét mới của xiếc với các tạo hình nhân vật Lạc Long Quân, Âu Cơ, Vua Hùng Vương
Cái khó đối với vở này là không chỉ xiếc đơn thuần, mà còn sử dụng vũ đạo, các tổ hợp múa, âm nhạc… để làm rõ hơn nội dung và thông điệp vở diễn, vì thế khá khó đối với nghệ sĩ xiếc. Trước đây các nghệ sĩ chỉ cần xiếc thôi, còn âm nhạc thì không cần để ý lắm nhưng bây giờ thì họ phải là từng động tác theo khuôn nhạc nhất định, do đó công tác tập luyện rất khó khăn và cực cho anh em”.
Cha Rồng mẹ Tiên diễn tại rạp xiếc công viên Gia Định (quận Gò Vấp, TP.HCM) vào các ngày 28, 29, 30.4 và 1, 2, 3.5. Lãnh đạo Nhà hát cho biết sau đợt công diễn này, các nghệ sĩ sẽ tiếp thu ý kiến của khán giả, hoàn thiện vở diễn hơn để tiếp tục biểu diễn phục vụ thiếu nhi vào ngày 1.6 và trong dịp hè.
THÙY TRANG