Kịch Lưu Quang Vũ: Lặng lẽ mà mãnh liệt giữa phố phường hiện đại

THUÝ HIỀN

VHO - Nhiều năm qua mùa kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ đã trở thành thương hiệu nghệ thuật đặc sắc của Nhà hát Tuổi trẻ. Giữa những ngày đầu thu Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ lại sáng đèn với chuỗi vở kịch mang dấu ấn của cố tác giả Lưu Quang Vũ. NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam, chia sẻ với Văn Hóa về hành trình giữ lửa cho những vở diễn khiến người xem suy ngẫm sau mỗi đêm rời rạp hát.

Kịch Lưu Quang Vũ: Lặng lẽ mà mãnh liệt giữa phố phường hiện đại - ảnh 1
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Sĩ Tiến

.P.V: Thưa ông, vì sao Nhà hát Tuổi Trẻ lại tổ chức chuỗi kịch Lưu Quang Vũ đều đặn mỗi tháng 8?

-NSƯT Sĩ Tiến: Tháng 8 là khoảng thời gian Lưu Quang Vũ rời cõi tạm, nhưng cũng là lúc mà các giá trị ông để lại cần được gợi nhắc. Đã hơn một thập kỷ nay, tháng 8 luôn là “mùa kịch” của Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Chúng tôi không chỉ diễn để hoài niệm, mà để khơi lại sức sống của kịch nói Việt Nam - một sân khấu đối thoại, nhân văn và đầy tỉnh thức.

Lưu Quang Vũ viết cho xã hội, viết cho những con người đang phải vật lộn giữa cái thiện - cái ác, lý tưởng - thực tế, yêu thương - tổn thương. Và những câu hỏi đó vẫn nguyên giá trị trong lòng khán giả hôm nay.

. Theo ông, điều gì khiến kịch Lưu Quang Vũ vẫn sống động sau nhiều thập kỷ?

- Tác phẩm của Lưu Quang Vũ không chỉ có chất thơ mà còn đầy tính dự báo. Ông không “lên lớp” mà đặt con người vào tình thế phải lựa chọn, đó là lúc đạo đức lên tiếng. Đó cũng là lý do vì sao các vở diễn như Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ông không phải là bố tôi, Lời thề thứ 9, Ai là thủ phạm… vẫn khiến khán giả rơi nước mắt và giật mình nhìn lại chính mình. Đối với khán giả yêu sân khấu đương đại cho đến thời điểm này những vở diễn của cố tác giả tài hoa vẫn hàm chứa các giá trị nghệ thuật, nhân văn, vươn tới những vấn đề nhân sinh và triết học sâu sắc.

Kịch Lưu Quang Vũ: Lặng lẽ mà mãnh liệt giữa phố phường hiện đại - ảnh 2
Vở Hoa cúc xanh trên đầm lấy do đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến dàn dựng

Thế hệ diễn viên hiện nay góp phần như thế nào vào sức sống của các vở kịch?

Mỗi vở kịch của Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Tuổi trẻ đều mang lại những khát khao sáng tạo của các nghệ sĩ khi đứng trước thách thức làm mới mình trong việc ứng xử với những tác phẩm có tầm vóc, mang đậm tính khái quát điển hình. Chính điều này mà đến mùa kịch, khán giả cứ đến xem và bắt gặp chính mình trong từng nhân vật trên sân khấu. Chúng tôi luôn chú trọng chọn lựa và tập huấn cho các diễn viên trẻ. Họ không chỉ diễn, mà còn sống cùng nhân vật. Những cái tên như Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, Chí Huy, Thanh Tú, Anh Tú, Minh Cúc, Huy Hoàng, Đức Anh, Du Ka… là những gương mặt đã ghi dấu trong các mùa diễn gần đây.

Sự phối hợp giữa lớp nghệ sĩ giàu kinh nghiệm như NSƯT Đức Khuê, NSƯT Hoa Thúy, NSƯT Thanh Bình, NSƯT Quang Ánh, NSƯT Tuấn Anh, NSƯT Nguyệt Hằng, Duy Anh, Quỳnh Dương, Bá Anh, Thanh Dương, Anh Thơ... với các bạn trẻ tạo ra những cú “chuyển động kép”  vừa sâu sắc, vừa mới mẻ. Nhờ vậy mà khán giả không thấy kịch xưa, mà thấy chính mình trong đó.

Kịch Lưu Quang Vũ: Lặng lẽ mà mãnh liệt giữa phố phường hiện đại - ảnh 3
Vở kịch "Ông không phải là bố tôi" nóng tính thời sự bởi vấn đề đặt ra không cũ

Lớp khán giả hôm nay, nhất là người trẻ, khi đến với kịch Lưu Quang Vũ sẽ nhận được điều gì, theo ông?

- Tôi tin khán giả hôm nay, đặc biệt là người trẻ, sẽ tìm thấy trong kịch Lưu Quang Vũ không chỉ giá trị nghệ thuật mà còn là những câu hỏi rất gần với cuộc sống hiện đại: Sống sao cho tử tế? Chọn đúng hay chọn dễ? Làm người có khó không? Những vấn đề ấy không bao giờ cũ, thậm chí càng hiện rõ trong xã hội hôm nay. Không ít bạn trẻ sau khi xem kịch đã nhắn tin cho chúng tôi, chia sẻ rằng họ thấy chính mình trong nhân vật, thậm chí cần phải điều chỉnh lại cách sống để thấy những điều tốt đẹp mà tác giả gửi gắm. Kịch của Lưu Quang Vũ giúp người ta lắng lại, đối thoại với lương tri, và có lẽ điều đó đáng quý hơn bất kỳ thông điệp đạo lý nào.

Chúng tôi không dựng vở chỉ để diễn lại quá khứ. Mỗi đêm diễn là một cuộc đối thoại. Nếu khán giả rời rạp với sự day dứt, với một điều gì đó khiến họ phải nghĩ  thì kịch đã làm đúng sứ mệnh. Kịch Lưu Quang Vũ không chỉ sống trên sân khấu. Nó sống trong từng người sau khi đã bước ra khỏi rạp.

Kịch Lưu Quang Vũ: Lặng lẽ mà mãnh liệt giữa phố phường hiện đại - ảnh 4
NSƯT Đức Khuê và nghệ sĩ Thanh Sơn đã diễn rất thành công trong vở "Lời thề thứ 9"

Nội dung các vở diễn:

Hoa cúc xanh trên đầm lầy là một vở giả tưởng về tình yêu, trí tuệ nhân tạo và giá trị nhân văn. Câu chuyện tay ba giữa ba người bạn trẻ gắn liền với ký ức đầm lầy cúc xanh, đan xen với sự hiện diện của công nghệ, đặt con người trước lựa chọn giữa cảm xúc thật và hệ giá trị ảo. Vở diễn khơi gợi suy ngẫm sâu sắc: hạnh phúc mới là điều con người luôn tìm kiếm.

Ông không phải là bố tôi  là một trong những kịch bản cuối cùng của Lưu Quang Vũ, viết năm 1988. Câu chuyện xoay quanh một người cha từng chối bỏ vợ con, nay trở về sau nhiều năm xa cách. Cuộc hội ngộ không chỉ khơi lại nỗi đau mà còn đặt mối quan hệ cha con non nớt trước nguy cơ tan vỡ vì những toan tính, lòng tham. Vở diễn là lời nhắc về tình người, sự thấu hiểu – giá trị không hề cũ sau hơn 30 năm.

Lời thề thứ 9: Vở diễn đã để lại những ấn tượng sâu sắc với khán giả về nội dung và diễn xuất tuyệt vời của các nghệ sĩ. Những phân đoạn đối thoại căng thẳng, những xung đột nội tâm, và đặc biệt là chất ngôn ngữ chính luận đã làm nên một vở diễn vừa đầy tính nghệ thuật, vừa đầy tính thời sự, phản ánh và thức tỉnh xã hội. Vở diễn luôn được khán giả đón nhận suốt gần 40 năm qua và rất nhiều vai diễn đã được nhiều thế hệ diễn viên thay nhau đảm nhận, duy trì vở diễn như một khuôn mẫu điển hình của nghệ thuật kịch nói chính luận của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam.

Lịch biểu diễn tháng 8/2025:

20h00 – 16.08: Hoa cúc xanh trên đầm lầy

20h00 – 17.08: Ông không phải là bố tôi

20h00 – 23.08: Lời thề thứ 9

Thông tin vé

Mua vé online tại: https://datve.nhahattuoitre.vn

Hotline: 0789.05.99.88 – 024.3943.4673