“Khúc đồng dao”: Khám phá vẻ đẹp văn hoá các vùng miền qua sân khấu múa rối nước

THUÝ HIỀN

VHO - Tối 31.12, các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã có một buổi trình diễn nghệ thuật múa rối nước với chương trình Khúc đồng dao. Qua chương trình, khán giả, đặc biệt là du khách quốc tế sẽ có cơ hội khám phá vẻ đẹp văn hoá tiêu biểu của các vùng miền Việt Nam trên sân khấu múa rối nước.

“Khúc đồng dao”: Khám phá vẻ đẹp văn hoá các vùng miền qua sân khấu múa rối nước - ảnh 1
Những con rối được tạo hình rất đẹp và sinh động

Chương trình nghệ thuật múa rối nước Khúc đồng dao do đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát dàn dựng. Ê kíp sáng tạo: Tác giả Dương Dũng, Trợ lý đạo diễn: NSƯT Thế Long, Tạo hình con rối: NSƯT Thế Khiển, Mỹ thuật sân khấu: Hoạ sĩ Ngô Thắng, Âm nhạc: NSND Huỳnh Tú, Biên đạo múa: NSND Hồng Phong. 

Khúc đồng dao là bản hòa tấu nghệ thuật sinh động trên sân khấu chủ đạo là múa rối nước, đưa khán giả vào một hành trình xuyên suốt từ Bắc vào Nam, khám phá vẻ đẹp văn hóa, con người và những câu chuyện mang đậm bản sắc của các vùng miền, làng quê trên dải đất hình chữ S. 

Đến với Khúc đồng dao, khán giả sẽ cảm nhận được nét đẹp giản dị, gần gũi và thân thuộc, qua những làn điệu dân ca Bắc Bộ, cho đến những bài hát mang đậm âm hưởng dân gian Trung Bộ, hay những câu hò, điệu lý miền Tây… Mỗi tiết mục là một bức tranh sống động, khắc họa những sinh hoạt đời thường, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

“Khúc đồng dao”: Khám phá vẻ đẹp văn hoá các vùng miền qua sân khấu múa rối nước - ảnh 2

Sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật múa rối và âm nhạc dân gian, Khúc đồng dao mang đến một không gian đậm chất văn hóa dân tộc, những khúc hát, điệu múa và câu chuyện dân gian hòa quyện, làm sống dậy những giá trị truyền thống của quê hương.

Đây cũng là dịp các nghệ sĩ múa rối thể hiện tài năng và sự sáng tạo của mình qua những nhân vật rối sinh động, gắn kết với những câu chuyện và phong tục truyền thống của người Việt. Với cách điều khiển con rối tài tình của các nghệ sĩ, kết hợp với âm nhạc dân gian, ánh sáng tạo đã nên một không gian nghệ thuật ấn tượng, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Chương trình không chỉ là một buổi biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, mà còn là lời nhắn nhủ chúng ta về cội nguồn, về tình yêu quê hương đất nước. Đồng thời, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hôm nay nhìn nhận lại những giá trị văn hóa truyền thống qua hình thức nghệ thuật gần gũi và dễ tiếp cận. 

“Khúc đồng dao”: Khám phá vẻ đẹp văn hoá các vùng miền qua sân khấu múa rối nước - ảnh 3
Người và rối cùng biểu diễn trên sân khấu

Chia sẻ với Văn Hoá, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: Khi nói về đồng dao, chúng ta không chỉ nghĩ đến những bài hát ru, những câu hát vỗ về tâm hồn trẻ thơ, mà còn là sự gắn kết của các thế hệ, là nền tảng của gia đình, nơi mà mỗi đứa trẻ được nuôi dưỡng trong tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ. Chúng tôi dùng nghệ thuật múa rối để gieo vào lòng các khán giả trẻ em những hình ảnh phản ánh về văn hoá và phong tục của từng vùng miền tiêu biểu của Việt Nam, giúp các em có cái nhìn toàn diện hơn về văn hoá Việt Nam. Từ đó sẽ hiểu và thấm hơn văn hoá Việt, đồng nghĩa với sự quen thuộc đồng dao qua hình ảnh về văn hoá Việt qua hình thức dàn dựng của nghệ thuật múa rối. 

Điều thú vị là với khán giả là du khách quốc tế Khúc đồng dao không chỉ được thưởng thức nghệ thuật múa rối truyền thống độc đáo mà còn khám phá về văn hoá vùng miền các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt thú vị hơn là cách xử lý để các nghệ sĩ trong trang phục các dân tộc vùng miền với các điệu múa đặc trưng trên sân khấu cạn, và sau đó là sự xuất hiện của các con rối được mô phỏng với trang phục và các sinh hoạt của từng vùng miền ở sân khấu múa rối nước dưới mái thuỷ đình. 

“Khúc đồng dao”: Khám phá vẻ đẹp văn hoá các vùng miền qua sân khấu múa rối nước - ảnh 4
Mặc dù thời tiết giá lạnh, phải ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ nhưng các nghệ sĩ múa rối nước vẫn biểu diễn đầy hào hứng

Khi xem Khúc đồng dao sẽ thấy những xử lý đầy tài tình và táo bạo NSND Nguyễn Tiến Dũng, đạo diễn tài năng của ngành rối. Vẫn là nghệ thuật truyền thống múa rối nước nhưng NSND Nguyễn Tiến Dũng và ê kíp sáng tạo của ông đã mang tới những bước phát triển mới từ tạo hình con rối, thiết kế sân khấu cho tới xử lý âm nhạc, xử lý âm thanh, ánh sáng... 

Nếu chỉ là biểu diễn loanh quanh những trò múa rối nước truyền thống quen thuộc thì việc tạo hình con rối vẫn phải giữ nguyên phần nào những nét cơ bản thô mộc của văn hoá lúa nước. Tuy nhiên, với tích mới, trò mới, Khúc đồng dao đưa vào những sinh hoạt văn hoá, các điệu múa, lễ hội truyền thống đặc sắc của Việt Nam lại là mảnh đất thuận lợi cho sáng tạo nghệ thuật múa rối nước. 

“Khúc đồng dao”: Khám phá vẻ đẹp văn hoá các vùng miền qua sân khấu múa rối nước - ảnh 5
Lãnh đạo Cục nghệ thuật biểu diễn chụp ảnh lưu niệm cùng ê kíp sáng tạo và các nghệ sĩ sau đêm diễn

Những con rối được tạo hình vô cùng sinh động ở từng trò, từng cảnh liên tiếp. Khán giả trầm trồ thán phục khi xem các con rối thể hiện sinh động với các điệu múa của dân tộc H’Mông, múa nón quai thao đồng bằng Bắc Bộ, múa Chăm.

Chỉ cần nhìn 10 con rối tạo hình các cô gái dân tộc Chăm uyển chuyển với các động tác sinh động, duyên dáng... những người làm ngành rối sẽ hiểu ngay được những xử lý tài tình và rất kĩ lưỡng con rối mới có thể chuyển đổi nhanh thoăn thoắt như vậy. 

“Khúc đồng dao”: Khám phá vẻ đẹp văn hoá các vùng miền qua sân khấu múa rối nước - ảnh 6
Múa minh hoạ trên sân khấu cạn được xử lý rất nhịp nhàng và làm tăng thêm hiệu quả cho biểu diễn các con rối ở sân khấu rối nước

 Xem Khúc đồng dao sẽ thấy sự phát triển của nghệ thuật múa rối nước truyền thống, đặc biệt là tạo hình đã vượt rất xa trước. Để có được tạo hình con rối ưng ý, hoạ sĩ, NSƯT Thế Khiển đã phải mất rất nhiều công sức, có con rối đã được làm đi làm lại rất nhiều lần mới đạt được yêu cầu của đạo diễn và bản thân hoạ sĩ mới thấy hài lòng.

Trong chương trình Khúc đồng dao, nhạc sĩ, NSND Huỳnh Tú khi phối khí âm nhạc đã đưa yếu tố đương đại, âm nhạc điện tử vào nền nhạc truyền thống tạo dấu ấn đương đại cho tác phẩm.

 “Chúng tôi đã tự đặt mình là khán giả và cùng tư duy để xem khán giả hôm nay họ thích nghe gì, thích xem gì, và chúng tôi đều thấy việc đưa yếu tố âm nhạc đương đại vào phối hợp âm nhạc truyền thống như đờn ca tài tử, ca trù, chèo... sẽ tạo nên âm hưởng độc đáo”, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ. 

Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hoá, truyền thống và yếu tố hiện đại đã tạo nên một tác phẩm độc đáo, vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa đáp ứng thị hiếu của khán giả đương đại.

Thành công của vở diễn là kết quả của quá trình lao động sáng tạo không ngừng của toàn thể ê kíp, từ khâu kịch bản, tạo hình, đạo diễn cho đến âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật. Tất cả các chi tiết nhỏ nhất trong vở diễn đều được đầu tư kỹ lưỡng, thể hiện trách nhiệm và niềm đam mê với nghệ thuật múa rối. Chính sự nhiệt huyết của các nghệ sĩ đã tạo nên một tác phẩm hoàn hảo, đáp ứng được sự kỳ vọng của khán giả và giới chuyên môn.

Khúc đồng dao sẽ được Nhà hát Múa rối Việt Nam đưa vào biểu diễn tại Nhà hát À Ơi tại Phú Quốc ngay những ngày giáp tết. Từ mùng 1 tết nguyên đán, Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ liên tục diễn đều đặn 2 suất/1 ngày. Khúc đồng dao chắc chắn sẽ là một món quà đầu xuân đặc biệt ý nghĩa cho khán giả, đặc biệt là du khách quốc tế .