Khởi động chuỗi sự kiện văn học, nghệ thuật tôn vinh văn hóa Việt

PHƯƠNG ANH

VHO - Chuỗi sự kiện văn học, nghệ thuật tôn vinh tinh hoa văn hóa Việt với tên gọi "Đẹp số 2: Văn hoa" gồm trưng bày tranh, mạn đàm bắt đầu diễn ra tại không gian 34 Châu Long (Ba Đình, Hà Nội) từ ngày 1.10.

Theo đó, các hoạt động bao gồm trưng bày tranh Mùa hồng thu Thăng Long, trưng bày cắm hoa nghệ thuật Hoa mùa thu Hà Nội xưa và nay, mạn đàm văn học, nghệ thuật…

Khởi động chuỗi sự kiện văn học, nghệ thuật tôn vinh văn hóa Việt - ảnh 1
Triển lãm giới thiệu nhiều bức tranh lấy cảm hứng từ mùa thu Hà Nội

Đây là sự tiếp nối chuỗi hoạt động bền bỉ về văn hóa, nghệ thuật đã được nhà sưu tầm nghệ thuật Thúy Anh tổ chức nhiều năm qua nhằm lan tỏa không gian, giá trị của văn hóa, con người Việt Nam thông qua các cuộc triển lãm, mạn đàm về mỹ thuật, văn hóa, văn chương...

Sự kiện không chỉ mang tính học thuật sâu sắc mà còn gần gũi, ấm áp và gợi mở, tạo nên không gian kết nối cho cộng đồng yêu nghệ thuật. Sự kiện thu hút sự tham gia tích cực của giới văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa và đông đảo công chúng, trở thành một dịp để giao lưu và thưởng thức những giá trị văn hóa tinh túy.

Khởi động chuỗi sự kiện văn học, nghệ thuật tôn vinh văn hóa Việt - ảnh 2
Các văn nghệ sĩ mạn đàm về mỹ thuật đương đại

Ngày 1.10, chuỗi chương trình đã mở màn bằng triển lãm tranh Mùa hồng thu Thăng Long, giới thiệu 18 tác phẩm hội họa của các nghệ sĩ đã thành danh như Phạm An Hải, Hải Kiên, Trần Cường, Nguyễn Minh, Bình Nhi, Nguyễn Văn Đức, Lê Hữu Dũng, Lâm Đức Mạnh…

Các tác phẩm có chung cảm hứng là vẻ đẹp của hoa hồng và mùa Thu Hà Nội, nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm Thúy Anh.

Sau lễ khai mạc triển lãm là mạn đàm Tinh hoa mỹ thuật đương đại, tôn vinh và lan tỏa, với sự tham gia của nhiều văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, nghệ sĩ cắm hoa Kim Anh Ngô, họa sĩ Phạm An Hải, họa sĩ Phạm Hà Hải, họa sĩ Công Quốc Hà, nhà báo - nhà thơ Như Bình, họa sĩ Nguyễn Văn Đức, với sự dẫn dắt của MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng.

Theo họa sĩ Nguyễn Văn Đức, công việc sưu tầm mang tính tìm tòi, tìm cái đột phá của cá nhân giữa dòng chảy hội họa chung. Đó là sự phát hiện của nhà sưu tập. Thời gian đầu, có thể mọi người nghĩ phong cách đó không ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nghệ thuật. Nhưng về sau đó, rất có thể những bức tranh đó lại là trào lưu.

Khởi động chuỗi sự kiện văn học, nghệ thuật tôn vinh văn hóa Việt - ảnh 3
Khởi động chuỗi sự kiện văn học, nghệ thuật tôn vinh văn hóa Việt - ảnh 4

Với nhà sưu tầm Thúy Anh, bà cho rằng: “Từ góc nhìn của một nhà sưu tầm, tôi thấy đầu tiên mình sưu tầm vì xúc cảm trước. Sau đó là nhận thức và yếu tố lan tỏa, sức ảnh hưởng trong cộng đồng”.

Cũng tại mạn đàm, các văn nghệ sĩ đã trao đổi về bộ sưu tập của nhà sưu tầm Thúy Anh; bàn luận về mỹ thuật đương đại; sưu tầm tranh mỹ thuật trong bối cảnh hiện nay…

Cũng nằm trong chuỗi sự kiện này, cuộc mạn đàm chủ đề Văn hoa - Văn thơ xưa và nay sẽ diễn ra vào 9h ngày 3.10 với sự tham gia của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Hữu Việt, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, PGS.TS,nhà phê bình văn học Văn Giá, nhà báo Phan Đăng.

Khởi động chuỗi sự kiện văn học, nghệ thuật tôn vinh văn hóa Việt - ảnh 5
Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm

Ngày 4.10, giao lưu chủ đề Khúc Hoa Ca (Floral Symphony) sẽ được tổ chức vào 14h, có sự tham gia của các nhạc sĩ, ca sĩ có tên tuổi và tâm huyết với các hoạt động vì xã hội và cộng đồng.

Nhà sưu tầm Thúy Anh khẳng định: “Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, chúng ta có thể thấy ý chí và tinh thần lạc quan luôn là tinh hoa của văn hóa Việt. Điều đẹp nhất tất cả chúng ta đều thấy là trong khó khăn, sự yêu thương đùm bọc cùng nhau vượt khó của cộng đồng luôn tồn tại bền bỉ. Thông qua sự kiện này, chúng tôi muốn khẳng định rõ nét đẹp của văn hóa Việt, đó là tính cộng đồng và sự nhân văn”.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc