Khoảnh khắc những người làm phim lịch sử

NGUYỄN THỊ THU HÀ

VHO - Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Cục Điện ảnh trân trọng giới thiệu một số hình ảnh đặc biệt có giá trị lịch sử về đoàn làm phim tài liệu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa được tổ chức tại tỉnh Điện Biên.

Khoảnh khắc những người làm phim lịch sử - ảnh 1

 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Chiến khu Việt Bắc - 1951

“Vào mùa đông năm 1953, chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ đi xây dựng một bộ phim tài liệu tại một mặt trận chính. Lúc này nền Điện ảnh của ta mới bắt đầu xây dựng sau khi Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ký sắc lệnh ngày 15.3.1953 chính thức thành lập quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Bộ phận làm phim cũng được hình thành, với số người và số vốn về phương tiện máy móc chẳng có là bao nhưng lại phải gánh vác ngay những nhiệm vụ thật nặng nề để thể hiện và giới thiệu một phần của đất nước Việt Nam từ Nam chí Bắc đương chuyển mình mạnh mẽ bằng nghệ thuật Điện ảnh”.

Đây là những dòng đầu tiên được “Ghi theo lời kể của đồng chí Nguyễn Tiến Lợi và một số đồng chí đã quay phim ở Điện Biên Phủ năm 1954” đăng trên Tạp chí Điện ảnh số 3.1972 với tiêu đề: “Điện Biên Phủ, những giờ phút sôi nổi, sâu sắc nhất của người làm phim” do nhà báo Vũ Trọng ghi lại.

Lúc bấy giờ, Điện ảnh có 5 đội quay phim được phân công rất cụ thể: Đội vào quay ở địch hậu, đội vào theo cuộc phát động cải cách ruộng đất, đội quay hoạt động của nhân dân ở hậu phương, đội thường trực quay những hội nghị đột xuất, đội đi ra mặt trận. Những người nghệ sĩ, chiến sĩ rất trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề, đi kháng chiến theo tiếng gọi non sông; vai đeo ba lô, trên tay không cầm súng mà là những chiếc máy quay phim đã ngay lập tức hành quân vào mặt trận.

Đội ngũ những người làm điện ảnh lúc đó luôn được Bác Hồ kính yêu ân cần chỉ bảo, dặn dò. Trân trọng ngắm lại tấm ảnh Bác trực tiếp căn dặn nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn, Nguyễn Đăng Bảy trước khi đi quay phim, chụp ảnh các chiến dịch Nghĩa Lộ (1948), Cao Bắc Lạng (1949), Biên giới (1950), Trung du (1951)…, hoặc hình ảnh các cán bộ phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Chiến khu Việt Bắc (1951) quây quần quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh thật ấm áp nhưng cũng dâng trào cảm xúc tự hào khi được Người dành cho những tình cảm đặc biệt ngay trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ gian khổ, là nguồn động viên lớn lao cho Điện ảnh Cách mạng Việt Nam còn vô cùng non trẻ.

Có một tấm ảnh được in trích từ bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ quay cảnh các chiến sĩ đang cùng nhau mang Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng lên nóc hầm De Castries, hình ảnh này đã trở thành biểu tượng lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ, luôn là niềm tự hào to lớn của đồng bào, chiến sĩ cùng các thế hệ những người làm điện ảnh.

 Có một tấm ảnh được in trích từ bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ quay cảnh các chiến sĩ đang cùng nhau mang Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng lên nóc hầm De Castries, hình ảnh này đã trở thành biểu tượng lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ, luôn là niềm tự hào to lớn của đồng bào, chiến sĩ cùng các thế hệ những người làm điện ảnh.

Đội quay phim mặt trận Điện Biên Phủ do nhà quay phim Nguyễn Tiến Lợi phụ trách. Ông là một Chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô kiêm phóng viên ảnh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Mỗi đội quay phim có 3 người, gồm một quay phim và 2 phụ quay, riêng đội của ông đi ra mặt trận nên được thêm một người là 4 và được thêm 10 hộp phim 16 ly là 20 hộp. Trong hồi ức của ông, bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ (1954) mang tầm vóc một thời lịch sử hào hùng với bao mất mát đau thương mà ông cùng các đồng đội của mình đã ghi vào ống kính trong suốt hơn hai trăm ngày đêm chiến đấu ác liệt trên mặt trận Điện Biên Phủ.

Khoảnh khắc những người làm phim lịch sử - ảnh 2

Những cảnh mở đường vào Tây Bắc, quân dân ta trùng trùng điệp điệp tiến vào Điện Biên đã được quay rất đẹp. Cái đẹp ở đây ngoài ý nghĩa tạo hình, người làm phim còn dâng trào được hào khí của cả một dân tộc. Trận đánh đồn Him Lam, đội quay phim đã theo một tổ bộc phá về hầm.

Trận đầu quân ta đã tiêu diệt đồn Him Lam, lá chắn kiên cố nhất che chắn cho khu trung tâm Mường Thanh, nhưng cả 3 chiến sĩ trong tổ không ai trở về. Những cảnh quay đã cho thấy tình đồng đội và lòng tin vào chiến thắng. Sự chân thật trong thể hiện, cách thể hiện sự tương phản giữa chính nghĩa và phi nghĩa của chiến tranh, những người làm phim đã nói lên được ý chí bất khuất của một dân tộc bảo vệ nền độc lập, tự do của quê hương mình. Đối với phim tài liệu, có thể coi quá trình ghi hình là một cách viết của nghệ thuật điện ảnh với ngôn ngữ “viết bằng hình”.

Điện ảnh tài liệu là ngôn ngữ của hiện thực. Hơn bất cứ một loại hình biểu hiện nào khác, điện ảnh tài liệu chính là hiện thân của hiện thực mà người đạo diễn, quay phim phải trực tiếp ghi lại. Những người nghệ sĩ, chiến sĩ thế hệ đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã làm được điều giản dị mà kỳ diệu đó. Họ đã ghi lại một trang sử vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Khoảnh khắc những người làm phim lịch sử - ảnh 3

 Đoàn làm phim Tài liệu và Nhiếp ảnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ “Những người chép sử Điện Biên bằng hình ảnh” (ảnh chụp ngày 8.5.1954)

Bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ với những giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật cao cùng tính chính luận sắc bén đã được Giải thưởng Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ II năm 1973 và vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012. Những thế hệ tiếp nối của Điện ảnh Việt Nam đã cùng nhau gìn giữ những thước phim vô giá đó với độ dài 6 cuốn, tương đương 42 phút.

70 năm sau, cùng nhìn lại tấm ảnh chụp Đoàn làm phim tài liệu và nhiếp ảnh tại chiến trường Điện Biên Phủ ngày chiến thắng. Điều đặc biệt là, bức ảnh được chụp vào ngày 8.5.1954, niềm vui rạng ngời trên những gương mặt, phía trước vẫn là chiến hào, phía sau là lều trại quân địch, dù trắng vương vãi ngay cạnh công sự.

Trong ảnh là 11 người, có thể thấy dù được phân công nhiệm vụ khác nhau, nhưng tất cả đã cùng nhau đến ngày chiến thắng, cùng nhau làm nên một bộ phim Điện Biên Phủ như một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của nền điện ảnh dân tộc. Hình tượng người chiến sĩ Điện Biên được thể hiện sâu sắc, hoàn chỉnh, rực sáng trên nền cuộc chiến tranh của toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Bộ phim chứa đựng cảm xúc, tình cảm của những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa; sức truyền cảm mạnh mẽ, lớn lao đến từ mỗi cảnh phim ghi lại lòng dũng cảm phi thường, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lãnh tụ, tinh thần chiến đấu quật cường mà những người làm phim đã truyền đạt được qua nhiều thế hệ khán giả vẫn vẹn nguyên những tình cảm lớn lao đã được khơi nguồn từ 70 năm trước.

Các nhà quay phim tham gia trong Đội quay phim Chiến dịch Điện Biên Phủ có mặt trong bức ảnh chụp ngày 8.5.1954 có đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tiến Lợi (1918-2008); đạo diễn, NSND Nguyễn Hồng Nghi (1918-1991); đạo diễn, NSND Phan Trọng Quỳ (1924 - 1981); đạo diễn, NSND Nguyễn Ngọc Quỳnh (1932- 2010); quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bảy (1923-2007); đạo diễn Nguyễn Thụ (1934-2002); đạo diễn, NSƯT Nguyễn Như Ái (1925- 2004); quay phim, kỹ thuật Nguyễn Phụ Cấn sau này đều được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng và danh hiệu cao quý; các tác phẩm điện ảnh của họ đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ khán giả, đạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Trong ảnh không có nhà quay phim Trần Quý Lục, có lẽ ông là người cầm máy chụp cho các đồng đội của mình. 

 

Ý kiến bạn đọc