Kịch kinh dị:
Khó làm, dễ soi
VHO - Sau khoảng thời gian dài vắng bóng, gần đây kịch kinh dị đã bắt đầu rục rịch quay lại các sàn diễn tại TP.HCM. Tuy nhiên, số lượng vẫn còn hạn chế, chỉ biểu diễn lác đác ở một vài sân khấu và hầu hết là diễn lại các vở cũ, điều này khiến cho làng kịch nói đan xen vui buồn lẫn lộn.
Bình cũ, rượu mới
Quay trở lại gần hai thập kỷ trước, Sân khấu Phú Nhuận của NSND Hồng Vân đã đi những bước chân tiên phong cho trào lưu kịch kinh dị. Năm 2005, vở Người vợ ma của tác giả Xuyên Lâm đã tạo ra “địa chấn” lúc bấy giờ, một tuần diễn liền mấy suất và phải đến vài năm sau mới dần hạ nhiệt, nhưng vẫn có những suất diễn cố định mỗi tuần. Nối tiếp thành công ấy, “bà bầu” Hồng Vân cho dựng tiếp hàng loạt vở kinh dị như Quả tim máu, Căn hộ 404, Kỳ án 292, 2-4-6… tất cả đều gây được tiếng vang lớn. Nhận thấy đây là địa hạt “màu mỡ”, nhiều đơn vị như Sân khấu Kịch Sài Gòn, Sân khấu Thế giới trẻ, Sân khấu IDECAF, Sân khấu 5B, Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng bắt tay vào làm và tạo được nhiều vở diễn được khán giả yêu thích. Có thể kể đến Hồn ma báo oán, Áo đợi người, Kỳ nghỉ kinh hoàng, Mắt âm dương, Xác trôi sông, Bí mật nhà xác, Lầu hoang, Con ma nhà họ Hứa… Nhưng rồi, khoảng 5 năm trở lại đây, kịch kinh dị thoái trào thấy rõ, khán giả không còn mặn mà với các vở diễn và sân khấu cũng thưa vắng dần.
Cho đến đầu năm 2024, Sân khấu Kịch Hồng Vân quyết định làm “sống” dậy các vở kinh dị cũ để dò tìm nhu cầu của công chúng, tiếp sau là mang đến các vở mới với kỹ xảo, công nghệ hiện đại. Theo đó, vở Suối linh hồn - kịch bản đầu tiên dàn dựng tại Sân khấu kịch Hồng Vân từ năm 2018 đã chính thức trở lại, với bản dựng năm 2024 của đạo diễn Lê Nguyễn Tuấn Anh. Nằm trong chuỗi kịch tâm lý - kinh dị, Suối linh hồn là tác phẩm đáng xem với nội dung nhân văn và cốt truyện chặt chẽ. Vở diễn bắt đầu với nỗi ám ảnh của nhân vật về những lỗi lầm trong quá khứ, không dám đối diện với chính bản thân, để rồi một âm mưu đi kèm tấn bi kịch ẩn sau đó. Suối linh hồn có những cú lật đầy bất ngờ, các mảng miếng hài cũng được tiết chế và gắn với mạch kịch, khiến người xem vừa hồi hộp lại vừa thư giãn và lôi cuốn đến tận phút chót.
Đặc biệt hơn, sau 16 năm, Sân khấu Kịch Hồng Vân đưa vở kịch kinh dị - hài Quả tim máu (kịch bản, đạo diễn Thái Hòa) trở lại với dàn diễn viên mới: NSND Trịnh Kim Chi, Đào Vân Anh, Tuấn Dũng, Lê Lộc, Bùi Công Danh, Đinh Mạnh Phúc… Quả tim máu phiên bản 2024 được trau chuốt trên kinh nghiệm từ những phiên bản cũ để mang đến cho khán giả một câu chuyện vừa hài vừa kinh dị. Bên cạnh những chiêu “hù ma” thì cốt lõi vẫn là câu chuyện nhân - quả có chiều sâu và thông điệp hạnh phúc không thể bồi đắp từ tội ác.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng tiếp tục mở các suất diễn của Người vợ ma và Kỳ án 292 vào tháng 7 tới. Tương tự, sân khấu Hoàng Thái Thanh biểu diễn lại vở Lạc ở đáy sông và Ngôi nhà thiếu đàn bà để phục vụ giờ văn ngoại khóa cho nhiều trường học trong thành phố.
“Khát” vở diễn mới
Sau khoảng thời gian ấp ủ và hành trình mang các vở kịch kinh dị quay trở lại đã đón nhận tín hiệu tích cực từ phía khán giả, mới đây nhất, Sân khấu Kịch Hồng Vân tiếp tục chào sân các vở diễn mới. Theo đó, vở Gã thợ may (tác giả và đạo diễn Đinh Mạnh Phúc) mang phong cách kinh dị pha hài, dù năm 2018 đã từng được trình làng, tuy nhiên phiên bản mới này được “nâng cấp” hoàn toàn với dàn diễn viên nổi bật. Theo đó, Gã thợ may nêu lên chủ đề về luật nhân quả, khuyên con người đừng chạy theo lòng tham mà gây tội ác vì trước sau cũng phải đền trả. Điểm cộng của vở diễn thuộc về dàn diễn viên đã tạo được rất nhiều tiếng cười thú vị cho khán giả. Một điểm cũng cần ghi nhận là về trang phục, vì lấy bối cảnh làng người Chăm nên các nhân vật xuất hiện với những bộ trang phục dân tộc rất đẹp.
Không thể phủ nhận, kịch kinh dị chinh phục khán giả vì là “món ăn lạ” với sự gay cấn, hồi hộp, hấp dẫn. Kịch thường mang chủ đề xoay quanh nhân nghĩa ở đời, báo ân, báo oán, có tác dụng cảnh báo mạnh mẽ cho những ai đang nuôi tâm ác, định làm điều bất thiện thì sẽ phải bị ám ảnh và phải trả giá… Đó là những giá trị nhân văn mà kịch kinh dị đã và đang mang lại.
Thế thì tại sao kịch kinh dị lại thoái trào? Thứ nhất, đó là do thiếu trầm trọng kịch bản hay, có chiều sâu. Bởi lẽ, dòng kịch này không đơn thuần chỉ là hù dọa, mà các chi tiết, tình huống xuất hiện phải thật sự thuyết phục người xem. Khó hơn nữa là phải gây được cảm giác mạnh, nhưng vẫn lồng ghép được nội dung hấp dẫn, ý nghĩa. Điều khó này đã được thể hiện qua việc bao năm nay kịch nói Việt Nam chỉ có lác đác vài kịch bản kinh dị được ra đời, thậm chíchỉ đếm trên đầu ngón tay. Thứ hai, việc dàn dựng cho sân khấu kịch kinh dị rất khó nhưng lại dễ “bị soi”. Rõ ràng, muốn tạo ra không gian ma quái mà thiếu thốn kỹ thuật, trang thiết bị, đạo cụ, kỹ xảo… không sớm thì muộn khán giả cũng không còn bất ngờ, thú vị nữa. Lối mòn của kịch kinh dị dễ dàng nhìn thấy được là việc lạm dụng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng để khán giả giật mình, hoặc cứ diễn ma là phải mặc áo trắng, xõa tóc dài che mặt…
Để thấy được, nhu cầu thị hiếu của công chúng ngày càng đòi hỏi cao, dù ở bất cứ loại hình nghệ thuật nào thì cũng phải đặt tính thuyết phục lên hàng đầu thì mới tạo được niềm tin ở họ. Với kịch kinh dị, nếu những vở diễn hời hợt, quá lạm dụng yếu tố “dọa ma” để câu khách mà không đọng lại trong khán giả bất cứ thông điệp gì, thì họ sẽ mất niềm tin với thể loại này. Rõ ràng, muốn kịch kinh dị “sống” được, các sân khấu phải làm mới và làm khác đi, vì không thể cứ mãi mang đến cho khán giả một món ăn mà họ đã thấy nhàm chán.