Hồi ức Điện Biên Phủ:

Khi những nhân chứng lên tiếng

THANH SƠN

VHO - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024), Nxb Đại học Sư phạm giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng. Đây là kết quả nghiên cứu được thực hiện trong nhiều năm, dựa trên nguồn tài liệu phong phú của hai GS Sử học Pháp: Pierre Journoud và Hugues Tertrais, qua đó góp phần giúp bạn đọc trả lời những câu hỏi về Chiến dịch lịch sử này…

 Khi những nhân chứng lên tiếng - ảnh 1

“Binh sĩ Pháp đã phải đối mặt với những gì và nghĩ sao về thất bại của Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ?”; “Nhận thức, đánh giá của họ về sức mạnh, ý chí của dân tộc Việt Nam như thế nào?”; “Phản ứng của chính quyền và dư luận Pháp đối với sự thất bại của người Pháp ở Điện Biên Phủ và đối với những binh sĩ Pháp trở về từ Đông Dương ra sao?”… là một số trong rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra, và đoạn lược trích nội dung từ trang 263-267 dưới đây là lời kể của một số cựu binh Pháp về kỳ tích hậu cần của Việt Nam, điều quan trọng đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, mà họ được chứng kiến.

Kỳ tích hậu cần

Ở Điện Biên Phủ, Quân đội Việt Nam có lực lượng hàng trăm nghìn binh lính và dân công, với sức mạnh pháo binh cùng vô số pháo phòng không. Tất cả đã được ngụy trang từ trước nhằm che mắt đối phương trong vòng vây với phạm vi chiến đấu ngày càng bị thu hẹp, người Pháp đã bị đánh lừa bởi sự nghi binh khéo léo của đối phương, về khả năng huy động và sử dụng một lực lượng lớn như vậy…

Trong Hội thảo “1954-2004: Trận chiến Điện Biên Phủ, giữa lịch sử và ký ức”, GS Ngô Đăng Tri đã cung cấp những chi tiết rất thú vị về số lượng “đáng kể” của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ: 50.000 quân chia thành 4 đại đoàn Bộ binh (304, 308, 312 và 316); một đại đoàn Pháo binh 351 (gồm một trung đoàn pháo 105mm, một trung đoàn sơn pháo 75mm, ba tiểu đoàn pháo phòng không 37mm) và một trung đoàn Công binh. Quân đội Việt Nam sử dụng tổng cộng 316 khẩu pháo (pháo mặt đất, pháo phòng không và súng cối). Hơn 266.000 dân công đã được huy động để sửa chữa đường sá, bảo đảm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược ra mặt trận. Những con số này, nếu chính xác, sẽ vượt xa con số lớn nhất mà người Pháp ước tính trước đó. Bản thân các cựu chiến binh Pháp cũng chưa bao giờ lường trước được quân số như vậy!

Kỷ yếu do Hội Cựu chiến binh Điện Biên Phủ toàn quốc xuất bản nhân dịp kỷ niệm 40 năm trận Điện Biên Phủ (1994) đã đề cập một cách thận trọng con số 100.000 quân được Tướng Giáp sử dụng trong trận đánh, khi ông quyết định đưa các đại đoàn tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ ngày 13.3. Việc bất ngờ phát hiện ra khả năng tấn công của đối phương đã khiến binh lính của Liên hiệp Pháp chịu hậu quả nặng nề, điều này trái ngược hoàn toàn với việc họ đánh giá quá thấp đối thủ. Câu hỏi “làm thế nào để triển khai được những phương tiện đó?” vẫn luôn được không ít người đặt ra.

Tuy nhiên, các tù binh bị áp giải đến trại giam đã đưa ra câu trả lời trước sự ngạc nhiên của những người liên quan. Vừa khởi hành họ đã thất vọng khi phát hiện ra những vị trí cứ điểm có tính chiến lược đã bị đối phương chiếm giữ trong suốt trận chiến.

Đại úy Louis thực sự bàng hoàng khi ông cùng đoàn tù binh tiến đến sườn núi, ngay sau khi rời khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ: Chủ nhật, ngày 09.5. [...] Vượt qua hai điểm cao phủ đầy cỏ voi nữa là chúng tôi lên tới đỉnh. Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi đúng lúc đó mặt trời xuất hiện. Ánh mặt trời ngay lập tức xé toạc làn sương mù lơ lửng dưới chân, toàn bộ khu vực lòng chảo hiện ra trước mắt chúng tôi, chói lóa. Chúng tôi bị mê hoặc, bị khuất phục, bị tê liệt trước bức tranh toàn cảnh đang được chiêm ngưỡng. Trung tâm đề kháng với các cứ điểm Éliane và Dominique, phân khu Nam - Hồng Cúm với điểm tập kết quân hiện ra trước mắt chúng tôi một cách chi tiết nhất. Không gì có thể che giấu được ngay cả khi quan sát bằng mắt thường. Chúng tôi nhận ra rằng mọi chuyển động, cử chỉ nhỏ nhất của chúng tôi đều được theo dõi từ đầu đến cuối và chúng tôi không thể thực hiện bất cứ điều gì mà không bị phát hiện. Đây là một sự tàn khốc đối với chúng tôi. Chưa bao giờ có một người chỉ huy nào lại có một vị trí quan sát tốt như vậy, cho phép bao quát toàn bộ chiến trường trong tầm mắt. Và không còn gì phải bàn cãi nữa, việc sở hữu vị trí quan sát như vậy đối với Bộ Chỉ huy Việt Minh là một ưu thế lớn, mang tính quyết định trong trận chiến đấu cam go vừa diễn ra.

Xe thồ đã chiến thắng máy bay!

Rồi khi đi thêm vài ki lô mét nữa, ông phát hiện ra một trong những điểm mấu chốt trong tổ chức hậu cần của đối phương, ông không khỏi khâm phục: Chúng tôi đi tới một con đường thực sự do người Việt xây dựng hoàn toàn từ đầu, kể từ khi chúng tôi đến đóng quân tại Điện Biên Phủ. Đây là tuyến đường vành đai bắt đầu từ Tỉnh lộ 41, phục vụ cho trận chiến trên toàn bộ mặt trận phía Đông của khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ. Hàng chục ngàn dân công, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, đã làm việc ngày đêm không mệt mỏi ở đó. Và kết quả một lần nữa lại khiến chúng tôi kinh ngạc khi họ chỉ sử dụng những phương tiện thô sơ. Xe tải có thể dễ dàng di chuyển trên đó và nhờ vậy, những bộ phận tháo dời của khẩu pháo 105mm có thể được chuyên chở tới gần các vị trí bố trí. [...] Ở một số nơi, những quả đồi thực sự đã bạt đi - như tác phẩm của các vị thần Titan. Trước cảnh tượng đó, chúng tôi chết lặng!

Con đường dọc theo đáy thung lũng phía dưới có dòng nước ầm ầm chảy xiết. Sau đó, chúng tôi bắt gặp những chiếc xe tải Molotova đầu tiên đi ngang qua, tất cả đều bật đèn sáng. Thùng xe bao phủ bởi những tấm phên (được đan từ nan tre), những cành cây mới cắt, biến mỗi chiếc xe tải thành một bụi cây thực sự không thể phát hiện được khi nhìn từ trên cao.

Cuối cùng, tám ngày sau, một lần nữa chúng tôi lại lóa mắt trước lực lượng dân công đang bận rộn làm đường: Chẳng bao lâu sau, chúng tôi tới một con đèo nằm giữa rừng rậm. Công việc xây dựng và bảo trì khiến chúng tôi một lần nữa câm nín không thể nói nên lời vì sốc. Con đường trải dài nhiều ki lô mét được bao phủ bởi các tấm ván làm từ những khúc gỗ lớn. Cọc nối được đặt trên các lối đi để giữ sàn cố định. Những đội dân công với hàng trăm người, chủ yếu là phụ nữ trong vùng, làm việc không mệt mỏi ở khu vực mà họ chịu trách nhiệm, trông như một đàn kiến được tổ chức hoàn hảo. Những người phụ nữ di chuyển qua lại giữa con đường và chân vách núi một cách phi thường và không ngừng nỗ lực hết sức để tải đá sỏi lên. Còn những người đàn ông thì lúi húi với những thân cây tìm được trong rừng.

Pierre Bonny cũng ngạc nhiên tương tự: Băng qua đèo Pha Đin, chúng tôi bắt gặp một đoàn dân công dài tới tận cuối chân trời. Họ đẩy những chiếc xe đạp do Nhà máy Saint-Étienne sản xuất, trên bàn đạp, yên xe cho tới tay lái chất đầy những bao gạo và thùng đạn. Còn vô số người khác nhún nhảy bước đi với đôi quang gánh quẩy nặng trên vai. Đó là hình ảnh nổi bật về hệ thống hậu cần phương Đông! Các cơ quan tình báo Pháp đã ước tính trước khi trận chiến bùng nổ rằng, quân Việt Nam không có khả năng cung cấp lương thực và đạn dược từ các căn cứ nằm ở vùng đồng bằng cách Điện Biên Phủ 400km và huy động 40.000 quân chính quy cần thiết để bao vây một tập đoàn cứ điểm mạnh. Các cơ quan của Pháp cũng không tính đến số lượng đông đảo người dân của đất nước châu Á này, họ đã không tưởng tượng được rằng tất cả người dân đều chăm chỉ và cùng tham gia đóng góp. Dưới góc nhìn của một tù binh, tôi phát hiện ra một trong những chìa khóa quyết định tính hiệu quả của hệ tư tưởng cộng sản, đó là việc xóa bỏ lợi ích cá nhân vì lợi ích tập thể, cho dù đó là việc chấp nhận một cách tự phát hay là bị áp đặt đi chăng nữa.

Công việc tỉ mỉ, kiên trì như loài kiến vốn chỉ có trong một thời đại khác từ xa xưa, là điều không thể tưởng tượng được đối với tư tưởng đương đại của người phương Tây, nhưng điều đó đã khiến cho sức mạnh cơ bắp chiến thắng được động cơ đốt trong và chiếc xe đạp cổ của Nhà máy Saint-Étienne đã chiến thắng được máy bay!

 

 

Ý kiến bạn đọc