Khai mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023

VHO- Tối 6.5, tại Nhà hát Lam Sơn, Thanh Hóa, Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 đã chính thức được khai mạc. Cuộc thi do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tổ chức.

Dự lễ khai mạc có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi;; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Xuân Yên; Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSƯT Trần Ly Ly cùng đại diện một số sở, ngành, đoàn thể của tỉnh Thanh Hóa và gần 200 diễn viên tài năng đến từ 20 đơn vị nghệ thuật Chèo, Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước.

Khai mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi phát biểu tại Lễ khai mạc

Phát biểu khai mạc cuộc thi, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của những người nghệ sĩ cách mạng Việt Nam: “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy” và Người khẳng định “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Tiếp tục thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Đảng về "Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiếp thu tinh hoa nhân loại; Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, việc tổ chức Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết của Đảng đã đề ra, đặc biệt sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16.6.2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Trong đó, tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị, sản phẩm văn hóa nghệ thuật, đáp ứng nhu của xã hội và nhân dân.

Khai mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 - Anh 2

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng tặng hoa cho Ban giám khảo cuộc thi

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, từ bao đời nay, nghệ thuật hát Chèo, Tuồng và Dân ca kịch đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc của người dân Việt Nam, nuôi dưỡng đời sống tinh thần người Việt bởi cái chất trữ tình, đằm thắm, sâu sắc. Xứ Đông - Đoài - Nam - Bắc vùng đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi của Chèo, trải qua biến thiên của lịch sử, nghệ thuật Chèo vẫn được gìn giữ, bảo tồn và ngày càng phát triển, ví như "viên ngọc long lanh sắc màu" trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch thì được thể hiện theo nghiêm luật riêng: múa theo nguyên tắc “nội ngoại tương quan, tả hữu tương ứng, thượng hạ tương phù”; hát thì theo cách “nói lối”, âm nhạc theo nguyên tắc “lề lối”, tất cả tuân theo nghiêm luật âm dương nghệ thuật; các yếu tố ca, vũ, nhạc được phát triển một cách hài hoà với nghệ thuật diễn xuất của diễn viên.

Khai mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 - Anh 3

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng phát biểu chào mừng

Cuộc thi có sự tham gia của gần 200 diễn viên tài năng đến từ 20 đơn vị nghệ thuật Chèo, Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp từ Trung ương tới địa phương. Đây là cơ hội để các diễn viên thể hiện sự đam mê nghề nghiệp, phô diễn tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp mà nhiều thế hệ nghệ sĩ đi trước đã gây dựng nên, là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý ghi nhận và vinh danh các diễn viên tài năng nghệ thuật truyền thống, phát hiện tài năng nghệ thuật để động viên, khích lệ các nghệ sĩ diễn viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp nghệ thuật truyền thống trong những năm qua và là cơ hội để nhân dân tỉnh Thanh Hóa và du khách được thưởng thức các di sản nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc khi đến với Thanh Hóa”.

Khán giả xứ Thanh sẽ có hơn hai tuần lễ sống trong không khí của nghệ thuật Chèo, Tuồng và Dân ca kịch với các tài năng nghệ thuật tiêu biểu. Các phần diễn thi được dàn dựng công phu, diễn viên phô diễn các tài năng của mình là những điểm nhấn nghệ thuật đầy ấn tượng. Cuộc thi còn là “sàn diễn” về đạo đức, “sàn diễn” về đề cao giá trị nhân văn, "sàn diễn" về niềm tin của con người và những bất biến về lòng yêu nước, tình son sắt thủy chung, đùm bọc nhau đi qua gian nan thử thách. Sàn diễn không khoan nhượng đấu tranh với những cái xấu tố cáo gian nịnh, những con người với một xã hội lành mạnh và những đức tính cao quý.

Để cuộc thi đạt được kết quả đề ra, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị Ban Giám khảo cuộc thi làm việc công tâm, khách quan, tìm ra những tài năng diễn viên suất sắc, xứng đáng để tôn vinh, trao giải.

Khai mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 - Anh 4

Khai mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 - Anh 5

Chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng tại Lễ khai mạc

Phát biểu chào mừng cuộc thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho biết: Thanh Hóa tự hào là quê hương của nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1 Di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia, 711 di tích cấp tỉnh; có 17 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; có hơn 270 làn điệu dân ca, nghệ thuật trình diễn dân gian đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị,... Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa là quê hương của Đào Duy Từ - nhà quân sự, nhà thơ và nhà văn hóa, danh thần thời Chúa Nguyễn Phục Nguyên, và là ông Tổ của nghệ thuật Tuồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Cuộc thi tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 lần này được Bộ VHTTDL tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, là sự kiện văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là dịp để Thanh Hóa giới thiệu, quảng bá về kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa và du lịch của tỉnh đến bạn bè của mọi miền đất nước; đồng thời, qua cuộc thi lần này, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, nhất là Ngành VHTTDL có cơ hội được học hỏi để tiếp tục nâng cao hơn nữa về trách nhiệm trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Khai mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 - Anh 6

Ngay sau Lễ khai mạc là chương trình dự thi của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hoá

Khai mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 - Anh 7

Khán giả Xứ Thanh hào hứng đón xem các vở diễn dự thi là động lực giúp các nghệ sĩ thăng hoa

Ngay sau Lễ khai mạc là vở diễn dự thi đầu tiên của đơn vị chủ nhà, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa với trích đoạn tuồng Kim Lân qua đèoKỷ Lan Anh lạc đẻ. Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc - 2023 và Cuộc thi Tài năng diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2023 là hai cuộc thi độc lập, được Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức liền nhau tại Thanh Hóa. Theo đó, từ 6.5 đến 10.5.2023, các đơn vị tham gia sẽ tiếp tục phần dự thi "Tài năng diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2023", với nhiều tiết mục đặc sắc như trích đoạn Mộc Quế Anh dâng câyĐào tam xuân do Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế biểu diễn; trích đoạn Bùi Thị Xuân hồi chiều và Độc dược do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định (đoàn ca kịch bài chòi biểu diễn)…

Trong các ngày từ 11.5 đến 16.5.2023, là phần dự thi “Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc - 2023” với nhiều tiết mục hấp dẫn như trích đoạn Thị Mầu lên chùa, Trần Quốc Toản ra quân, Tuần Ty đào Huế do Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội biểu diễn; trích đoạn Phù thuỷ sợ ma, Thầy đồ dạy học… của nhà hát chèo Bắc Giang… Đêm bế mạc và trao giải vào 20h ngày 17.5.

Trao đổi với Văn Hoá, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ, các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo… vô cùng đặc sắc, độc đáo và giàu giá trị. Nhưng trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, việc giữ gìn, phát huy nghệ thuật truyền thống gặp không ít khó khăn. Trong đó, trở ngại lớn nhất là làm thế nào để thu hút và giữ chân lực lượng kế cận, nhất là lớp trẻ. Đây là bài toán nan giải mà những người làm quản lý đang đau đáu từng ngày. Đó là lý do các Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2023 tiếp tục được tổ chức. Qua đó, nhằm tôn vinh, lan tỏa những tinh hoa của nghệ thuật sân khấu Chèo, Tuồng, Dân ca kịch trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Quyền Cục trưởng nhấn mạnh, Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2023 là một phần của công tác bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, đây cũng là cách gỡ của bài toán lực lượng kế cận, nhất là lớp trẻ, từ đó các tài năng trẻ tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện phát triển chuyên môn và trở thành những nhân tố kế cận tích cực, đóng góp nhiều hơn cho nền sân khấu Việt Nam ngày càng phát triển.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc