Hơn 3.000 bức chân dung “trả nợ” ân tình đất nước

PHƯƠNG ANH

VHO - “Thời gian và sức khỏe của các Mẹ đều không chờ đợi. Có nhiều lúc, khi tôi đến nơi thì Mẹ đã đi rồi. Hành trình dọc dài đất nước để ký họa chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng thực sự là một cuộc chạy đua đầy khắc nghiệt, thậm chí là đau đớn và xót xa…”, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt dường như đã quên đi cái tuổi đã gần 80, chỉ để nhớ “món nợ” ân tình mà bà nguyện ước phải trả.

Hơn 3.000 bức chân dung “trả nợ” ân tình đất nước - ảnh 1
Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Vang do họa sĩ Đặng Ái Việt thực hiện năm 2023

 Còn sức khỏe bà sẽ tiếp tục đi, tiếp tục đến mọi miền đất nước để kịp vẽ lại chân dung của những người mẹ vĩ đại đã hy sinh điều quý giá nhất của mình cho Tổ quốc.

“Đuổi theo” những nếp thời gian

Cho đến bây giờ, khi cái tên Đặng Ái Việt cùng hành trình tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng đã không còn xa lạ, thì câu hỏi: Vì sao nữ họa sĩ lại bước vào hành trình ấy khi đã ở tuổi xế chiều vẫn được không ít người đặt ra. Với bà, câu trả lời rất giản dị, chỉ là mong muốn “trả nợ đời, nợ nghiệp, nợ cố nhân”. 14 năm qua, gom góp những gì mình có cùng quỹ thời gian ngày càng ngắn lại, bà đã thực hiện cuộc hành trình không ngơi nghỉ, một mình đi suốt chiều dài đất nước để vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Tại sự kiện Tâm họa tri ân do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với tổ chức Trái tim người lính, CLB Mãi mãi tuổi 20 và Ban Di sản ký ức (CLB Phụ nữ với Di sản) tổ chức cuối tuần qua, đúng vào kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (1947-2024), họa sĩ Đặng Ái Việt rưng rưng bày tỏ: “Đất nước ta vừa tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về cõi Người hiền. Thâm tâm tôi luôn khắc ghi lời của Tổng Bí thư: Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Để có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế đó, biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hy sinh vì Tổ quốc. Đó cũng là một trong những điều khiến tôi ấp ủ và quyết tâm thực hiện hành trình “trả nợ” ân tình, vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, lưu lại dấu ấn thời gian trên gương mặt Mẹ, để mãi mãi khắc ghi sự hy sinh của những người Mẹ vĩ đại”.

Tại sự kiện, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xúc động nói, bà đặc biệt trân trọng và cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của họa sĩ Đặng Ái Việt. Hành trình hơn một thập kỷ ký họa chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng là bài học giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân những hy sinh lớn lao vì Tổ quốc tới mọi thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Bắt đầu ở tuổi 62, và bây giờ, khi đã gần tuổi 80, họa sĩ Đặng Việt Ái vẫn chưa từng có ý định dừng lại cuộc hành trình ý nghĩa của mình. Hối hả lên đường, hối hả kìm nén cảm xúc để hối hả vẽ. “Đuổi theo những nếp thời gian trên gương mặt các Mẹ thực sự là một cuộc chạy đua khắc nghiệt. Có nhiều lúc, khi tôi đến nơi thì Mẹ đã đi rồi…”, bà nghẹn ngào. Bởi thế, trong 14 năm qua, nữ họa sĩ đã quên đi dấu ấn thời gian của chính mình để vượt mọi nắng mưa, đến 63 tỉnh thành, vẽ hơn 3.000 bức chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Vừa đi, vừa vẽ, họa sĩ một mình trên chiếc xe máy cũ với đủ thứ đồ nghề lỉnh kỉnh. Bà đã không chỉ tạo dấu ấn qua những bức chân dung vô giá mà còn ghi lại những dòng nhật ký khiến người đọc mắt cay xè. Khi vẽ Mẹ Nhẹ (Thanh Hóa, ngày 10.6.2010), bà viết: “Mẹ 94 tuổi, đẹp dịu dàng, đôi mắt xa xăm. Ôm đôi vai gầy của Mẹ mới thấy sự tàn phá của thời gian, những nếp gấp chồng chéo, đan như lưới lên cơ thể đời người…”. Vẽ Mẹ Lê Thị Đàm (Hà Tĩnh, ngày 3.8.2010), họa sĩ viết: “Buổi trưa nằm nghe Mẹ kể chuyện: Nó hy sinh khi con nó mới hai tháng tuổi…”.

Những dòng nhật ký khi vẽ Mẹ Tịnh (Hà Nội, ngày 16.7.2010), bà ghi: “Đến nhà mẹ Tịnh đã 10h. 11h30 thì vẽ xong. Mẹ khen: “Tuyệt vời. Đẹp hơn cả ảnh chụp. Giống lắm”. Ăn cơm trưa cùng Mẹ. Không biết gạo gì mà ngon cơm lắm. Lúc chia tay, hôn Mẹ thật sâu, cố tận hưởng hạnh phúc tràn ngập. Mẹ bỗng ôm choàng ta: “Chừng nào gặp lại?”. Không trả lời Mẹ. Không biết chừng nào mới trở lại đây. “Con đi. Mẹ ráng giữ gìn sức khỏe”.“Ừ, con đi”. Mẹ lất khất đưa ra tận cửa. Ta rồ ga không dám nhìn lại… Sợ giọt nước mắt rơi”.

Hơn 3.000 bức chân dung “trả nợ” ân tình đất nước - ảnh 2
Lưu lại dấu ấn thời gian trên gương mặt Mẹ, để mãi mãi khắc ghi sự hy sinh của những người Mẹ vĩ đại là cách mà nữ họa sĩ “trả nợ ân tình”

Còn vẽ khi trái tim còn đập…

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền xúc động chia sẻ, với tấm lòng thành kính, thương yêu, hành trình nét thời gian hiếm có của họa sĩ Đặng Ái Việt hoàn toàn là tự nguyện, tự tâm từ chính nguồn tiền bán sách của người chồng là NSND Phạm Khắc và tiền lương hưu của bà. “Hơn một thập kỷ bền bỉ, kiên trì và luôn chạy đua với thời gian để kịp đến gặp được các Mẹ trước khi quá muộn, nữ họa sĩ đã hoàn thành được hơn 3.000 bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp mọi miền Tổ quốc…”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết.

Họa sĩ Đặng Ái Việt nguyên là phóng viên Báo Phụ nữ Giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ. Là một chiến sĩ, nghệ sĩ, bà thấu hiểu sự mất mát, đau thương do chiến tranh gây nên nên càng trân trọng sự hy sinh của những người Mẹ. Hành trình của bà gắn với những người bạn bền bỉ, thủy chung, đó là chiếc xe Chaly, xe Cup 50, thùng đồ nghề đựng giấy, màu và bút vẽ, cùng chút ít tư trang cá nhân như ca đun nước, ca uống nước, ruột tượng dùng đựng gạo… giúp bà rong ruổi trên khắp các nẻo đường.

Họa sĩ nói về công việc của mình theo cách vô cùng giản dị: “Những Mẹ Việt Nam anh hùng tôi từng gặp gỡ và vẽ, tôi sẽ không bao giờ quên. Bởi mỗi Mẹ là một câu chuyện bi hùng”. Nhiều người hỏi: “Khi nào họa sĩ sẽ dừng lại cuộc hành trình?”, bà cười: “Tôi sẽ tiếp tục vẽ chân dung các Mẹ đến khi không còn vẽ được nữa. Tôi sẽ vẽ khi trái tim còn đập trong lồng ngực. Hành trình vẽ chân dung các Mẹ của tôi luôn hối hả. Mỗi hành trình là một chiến dịch. Đó là cuộc chạy đua nghiệt ngã với thời gian. Bởi tôi sợ các Mẹ sẽ ra đi hoặc sức khỏe tôi đến lúc không cho phép”.

Triển lãm trong khuôn khổ sự kiện Tâm họa tri ân đã phần nào phác họa một chặng đường trong hành trình đặc biệt mà nữ họa sĩ đã trải qua. 63 bức chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng được trưng bày là những hình ảnh về sự đóng góp, hy sinh cùng những nỗi đau mất mát.

“Không ai phân công tôi đi vẽ chân dung các Mẹ, đó là mệnh lệnh từ trái tim. Động lực để tôi có thể đi vẽ ở cái tuổi này, đó là tình yêu. Hành trình đi đến với các Mẹ là hành trình đến với tình yêu cuộc sống. Khi đã yêu cái gì, con người ta có thể vượt qua tất cả trở ngại để có thể đến được nơi cần đến…”, họa sĩ Đặng Ái Việt tâm sự.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền xúc động bày tỏ: “Chiêm ngưỡng 63 bức ký họa chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng đại diện cho hơn 3.000 bức ký họa mà họa sĩ đã sáng tác trong hành trình hơn một thập kỷ qua, chúng ta sẽ hiểu được thế nào là tình yêu, là sức mạnh từ trái tim mà bà mang trong mình…”.

Hành trình tình yêu mà nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã và đang trải qua cũng nhân lên thật nhiều ý nghĩa khi bà trao tặng gần 3.000 bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng mà bản thân kỳ công thực hiện cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để bảo quản và phát huy giá trị.