Hội nghị tập huấn về “Công tác lãnh đạo, quản lý, hoạt động văn hóa, văn nghệ”

Bài, ảnh: PHAN HIẾU

VHO - Ngày 27.8, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức khai mạc Hội nghị tập huấn về “Công tác lãnh đạo, quản lý, hoạt động văn hóa, văn nghệ: Thực tiễn và bài học sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển”.

 Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: Sau tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, ngày 21.6 năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 84- KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Hội nghị tập huấn về “Công tác lãnh đạo, quản lý, hoạt động văn hóa, văn nghệ” - ảnh 1
Toàn cảnh Hội nghị

Sự ra đời của Kết luận này vừa thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vừa phản ánh sự sôi động, phong phú, mới mẻ nhưng cũng có những phức tạp nhất định, nhất là những tác động từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường.

Đó là chưa kể quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng; quá trình chuyển đổi số; của trí tuệ nhân tạo AI, của thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà trong suốt 50 năm qua, đòi hỏi các cơ quan văn hóa, văn nghệ cần tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn một cách toàn diện để nâng cao hiệu quả tư vấn, tham mưu giúp Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nhằm thúc đẩy lĩnh vực văn học, nghệ thuật phát triển.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, thời kỳ mới yêu cầu các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, giáo dục - đào tạo, báo chí, xuất bản cần tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn một cách có hệ thống, có chiều sâu để nâng cao hơn nữa hiệu quả tham mưu, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước các cấp nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nhằm phát triển mạnh mẽ, vững chắc nền văn học, nghệ thuật nước nhà những năm tiếp theo.

Hội nghị tập huấn về “Công tác lãnh đạo, quản lý, hoạt động văn hóa, văn nghệ” - ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Xuất phát từ thực tiễn đó, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã chọn chủ đề Hội nghị tập huấn năm nay là “Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực tiễn và những vấn đề cần quan tâm”.

Tại Hội nghị lần này có 5 chuyên đề được báo cáo (từ ngày 27 – 29.8) bởi các giảng viên có kinh nghiệm về chuyên môn, đã và đang trực tiếp tham gia công tác lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật.

Cụ thể: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X và Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Văn học, nghệ thuật sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển: Đánh giá thành tựu, những vấn đề hiện tại và định hướng phát triển; Văn học, nghệ thuật với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam; Văn học, nghệ thuật Việt Nam ở nước ngoài: Vai trò trong việc hàn gắn, kết nối và quảng bá các giá trị văn hóa, văn nghệ của Việt Nam; Vai trò của kiến trúc tại Việt Nam: Tác động đối với sự phát triển bền vững và xu hướng đổi mới, hội nhập hiện nay.

Để hoàn thành nội dung, mục tiêu đề ra, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đề nghị toàn thể học viên phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nội quy, chương trình Hội nghị, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

 

Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển năng động, Bình Định đã khẳng định vị thế của mình không chỉ qua truyền thống thượng võ và tinh thần anh hùng, mà còn qua những giá trị văn hóa, lịch sử và kinh tế đáng tự hào.

Hội nghị tập huấn về “Công tác lãnh đạo, quản lý, hoạt động văn hóa, văn nghệ” - ảnh 3
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu chào mừng tại Hội nghị

Ngoài các di sản văn hóa, Bình Định còn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh trải dài theo bờ biển của tỉnh. Thương hiệu du lịch Quy Nhơn - Bình Định ngày càng được khẳng định với những giải thưởng quốc tế, nổi bật là danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN” vào các năm 2020 và 2024.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực văn hóa và du lịch, Bình Định còn đang trên đà phát triển mạnh mẽ để trở thành một trung tâm khoa học của cả nước. Với khu đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam, được định hình bởi Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành và Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo, Bình Định đang thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học trong và ngoài nước.

Hội nghị tập huấn về “Công tác lãnh đạo, quản lý, hoạt động văn hóa, văn nghệ” - ảnh 4
Đông đảo đại biểu, học viên tại các địa phương, đơn vị khu vực phía Nam tham dự Hội nghị

Hiện nay, đội ngũ sáng tác, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, tỉnh Bình Định tự hào có 19 Nghệ sĩ Nhân dân, 57 Nghệ sĩ Ưu tú, 7 Nghệ nhân Nhân dân và 35 Nghệ nhân Ưu tú.

Đặc biệt, tỉnh còn có 3 cá nhân đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (Yến Lan, Vũ Ngọc Liễn, Văn Trọng Hùng) và 2 cá nhân đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (Tống Phước Phổ, Mịch Quang).