Họa sĩ Chu Nhật Quang trưng bày “Dấu thiêng” tại Hoàng thành Thăng Long

BẢO NGÂN, ảnh: BTC

VHO - Ngày 25.9.2024 tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long và CTCP Sở giao dịch Hàng hoá Việt Nam Toàn cầu tổ chức giới thiệu trưng bày tranh sơn mài mang tên “Dấu thiêng” của hoạ sĩ Chu Nhật Quang.

Họa sĩ Chu Nhật Quang trưng bày “Dấu thiêng” tại Hoàng thành Thăng Long - ảnh 1
Giới thiệu trưng bày "Dấu thiêng" của họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang

Trưng bày sẽ diễn ra từ ngày 5- 15.10.2024 tại Hoàng Thành Thăng Long, là sự kiện chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2024) và góp thêm tiếng nói nghệ thuật của một nghệ sĩ trẻ, thúc đẩy sự phát triển của sơn mài, một trong những di sản văn hóa đặc sắc và độc đáo của Việt Nam. 

Những tác phẩm sơn mài được trưng bày về Hoàng thành và cảnh non sông, di sản văn hoá của HàNội được Chu Nhật Quang thực hiện với trọn vẹn niềm đam mê, tâm huyết, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều ấn tượng cho công chúng yêu nghệ thuật và du khách tới Hoàng thành Thăng Long những ngày này.

Tại lễ khai mạc trưng bày “Dấu thiêng”, nữ ca sĩ Phạm Thu Hà sẽ hát những ca khúc hay về Hà Nội, tạo thêm dấu ấn và cảm xúc trong không gian thiêng liêng của Di tích Hoàng thành Thăng Long.

Họa sĩ Chu Nhật Quang trưng bày “Dấu thiêng” tại Hoàng thành Thăng Long - ảnh 2
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ về triển lãm tranh của Chu Nhật Quang

Trưng bày tranh sơn mài "Dấu thiêng" gồm 52 tác phẩm sơn mài truyền thống về phong cảnh quê hương, các địa danh di sản dân tộc với phong cách nghệ thuật kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại và chia thành 4 chủ đề. 

Chủ đề "Khởi" mở đầu triển lãm với 14 bức tranh sơn mài tập trung vào thể loại tĩnh vật. Trong các tác phẩm này, họa sĩ Chu Nhật Quang không chỉ tìm cách tái hiện các vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như hoa quả, bình gốm và các đồ vật gia đình, mà còn mang lại một sự sống mới cho chúng thông qua sự kết hợp tinh tế giữa màu sắc và kết cấu sơn mài.

 Những tác phẩm này phản ánh ký ức sâu sắc của họa sĩ về thời gian học làm gốm, nơi hoạ sĩ đã khám phá ra sự tinh tế và vẻ đẹp độc đáo trong từng hình dạng đơn giản. Mỗi bức tranh không chỉ là việc trưng bày mà còn là một cuộc chiêm nghiệm về những giá trị thẩm mỹ của cuộc sống giản dị nhưng đầy ý nghĩa.

Họa sĩ Chu Nhật Quang trưng bày “Dấu thiêng” tại Hoàng thành Thăng Long - ảnh 3
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Họa sĩ Thành Chương chia sẻ những cảm nhận về tranh và phong cách sáng tác của Chu Nhật Quang

Chủ đề "Cội" gồm 17 bức tranh, đưa người xem vào một hành trình sâu xa để khám phá văn hóa và di sản của dân tộc Việt Nam như Hoàng Thành Thăng Long, Tháp Rùa, Chùa Một Cột, chùa Thầy...

 Với hình tượng mẹ Âu Cơ và nghệ thuật múa rối nước, họa sĩ gợi lên những câu chuyện về nguồn gốc thiêng liêng và sự hi sinh thầm lặng của những người nông dân – những người đã nuôi dưỡng và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống.

Những bức tranh cũng phô bày sự đối lập giữa truyền thống và hiện đại, như một lời nhắc nhở về nguy cơ mai một của nghệ thuật dân gian. Hình ảnh cây đa bên hồ nước, con trâu mang ngôi đền trên lưng, hay cảnh người nông dân lao động trên ruộng bậc thang đều mang trong mình thông điệp về sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên và những giá trị văn hóa lâu đời.

Múa rối nước, biểu tượng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, cũng được khắc họa với tinh thần bảo tồn và phát triển trong bối cảnh hiện đại.

Họa sĩ Chu Nhật Quang trưng bày “Dấu thiêng” tại Hoàng thành Thăng Long - ảnh 4
Họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang chia sẻ về hành trình sáng tác và những dự định tương lai

Chủ đề "Linh" với 9 bức tranh, tiếp tục khơi gợi sự hoài niệm về văn hóa và di sản. Họa sĩ tái hiện cảnh sân khấu thủy đình xưa với những buổi diễn rối nước, ngôi chùa Thầy nổi tiếng, và những cảnh đời thường tại các ngôi làng cổ.

Từ hình ảnh nhà sư tu thiền đến hoa sen biểu tượng cho sự giác ngộ, mỗi bức tranh mang đậm chất triết lý và tâm linh, phản ánh khát vọng tìm kiếm chân lý và hoàn thiện bản thân.

 Hoàng Thành Thăng Long và Tháp Rùa cũng được khắc họa một cách sinh động, thể hiện sự trường tồn của văn hóa Việt Nam qua mọi thăng trầm lịch sử. Các tác phẩm này không chỉ là một lời nhắc nhở về giá trị lịch sử của dân tộc mà còn là một lời kêu gọi bảo vệ di sản văn hóa trong bối cảnh hiện đại.

Chủ đề cuối cùng mang tên "Nôi", với 12 bức tranh gợi lên ký ức về quê hương, những ngôi đình làng và nghệ thuật rối nước - những biểu tượng văn hóa đặc trưng của cộng đồng nông dân Việt Nam. 

Các bức tranh về rối nước không chỉ tái hiện đời sống và tập quán của nền văn minh lúa nước, mà còn khắc họa rõ nét bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Qua những hình tượng như phượng hoàng, con cá, hay những con rối sinh động, họa sĩ truyền tải thông điệp về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên và niềm hi vọng duy trì những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc qua nhiều thế hệ.

Họa sĩ Chu Nhật Quang trưng bày “Dấu thiêng” tại Hoàng thành Thăng Long - ảnh 5
Tranh của họa sĩ Chu Nhật Quang

Trưng bày "Dấu thiêng" của họa sĩ Chu Nhật Quang không đơn thuần là một cuộc trình diễn nghệ thuật mà còn là một hành trình về nguồn cội, một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy nghề sơn mài và giá trị văn hóa truyền thống trong thế giới hiện đại. 

Không khó để lý giải vì sao Quang lại đam mê hội họa và tranh sơn mài đến vậy. Nhưng cũng không ít người đặt dấu hỏi khi một người còn rất trẻ lại không lựa chọn những con đường mang xu hướng thời thượng, hiện đại mà lại đắm đuối, quên ăn quên nghỉ với sơn mài truyền thống.

“Ngay từ khi chập chững biết đi, dường như khứu giác của tôi đã luôn ngửi thấy mùi sơn mài. Cuộc sống xung quanh là những giá tri nghệ thuật truyền thống, là sự dẫn dắt của ông, của cha. Tôi đam mê và yêu sơn mài cũng từ đó”, Chu Nhật Quang bộc bạch.

 Nghệ sĩ Chu Nhật Quang ra đời và lớn lên trong một bầu không khí nghệ thuật ngập tràn từ gia đình. Từ khi còn nhỏ, anh đã được nuôi dưỡng và khơi gợi sự sáng tạo từ hai thế hệ tiền bối là cha và ông nội. Ông nội của Chu Nhật Quang là họa sĩ, NSND Chu Mạnh Chấn, với niềm đam mê sâu sắc đối với nghệ thuật, đã gắn bó với việc khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa của làng quê Bắc Bộ qua nghệ thuật sơn mài. 

Cha của anh, NSƯT Chu Lượng, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, đã dành cả đời cho sự nghiệp múa rối nước truyền thống Việt Nam, cũng góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ và phát triển nền nghệ thuật đặc trưng của dân tộc. 

Chu Nhật Quang tiếp nối truyền thống gia đình bằng việc phát triển tranh sơn mài - một hình thức nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh xảo và tầm nhìn sáng tạo. Nguồn cảm hứng lớn nhất của anh luôn hướng về quê hương, dân tộc, mặc dù anh cũng đã có dịp tiếp xúc với văn hóa phương Tây trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu ở nước ngoài.

Những kinh nghiệm này đã mở rộng tầm nhìn và giúp anh tiếp thu những xu hướng mới nhất trong nghệ thuật và văn hóa toàn cầu, từ đó áp dụng vào sự sáng tạo của mình. Dù sống trong môi trường đô thị hóa và nhịp sống hiện đại, họa sĩ luôn duy trì vững chặt liên kết với văn hoá Việt truyền thống và không ngừng khao khát mang tinh thần quê hương vào từng tác phẩm của mình. 

Họa sĩ Chu Nhật Quang trưng bày “Dấu thiêng” tại Hoàng thành Thăng Long - ảnh 6
Tranh của họa sĩ Chu Nhật Quang

Thực hiện những tác phẩm sơn mài khổ lớn, đòi hỏi kỹ thuật và sự sáng tạo cao, Chu Nhật Quang chia sẻ, sơn mài truyền thống thường bị giới hạn về khổ tranh, do khổ càng to càng khó vì rất nặng; không thể nâng những tấm gỗ nặng hàng trăm kg lên để bọc vải, bồi sơn… 

"Nhưng nếu muốn vẽ một bức tranh chân dung lớn mà lại phải ghép từ 4 mảnh gỗ, vết ghép nằm ở giữa sống mũi và chia hai nửa khuôn mặt thì đó sẽ là một tác phẩm lỗi. Tôi phải vượt qua giới hạn của khổ tranh để thể hiện tối đa ý tưởng trong tác phẩm của mình. Đó là lý do tôi đã bằng mọi giá vượt qua khó khăn này…”, họa sĩ Chu Nhật Quang bộc bạch.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét: “Với sự kế thừa và phát triển nghệ thuật từ gia đình, Chu Nhật Quang đã đóng góp vào sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật sơn mài hiện đại, thể hiện sự hòa quyện giữa truyền thống và đương đại. Những tác phẩm của anh mang đến cho khán giả những trải nghiệm thẩm mỹ đầy mới lạ và sâu sắc”, 

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Từ góc nhìn của một người làm nghề sử, tôi cảm nhận được khát vọng đổi mới trong tranh sơn mài của Chu Nhật Quang. Anh đã dấn thân vào việc làm mới nghệ thuật truyền thống của cha ông, trải qua nhiều thử thách và tìm tòi cách để phát triển. Những tác phẩm này dù còn mới mẻ, nhưng tôi tin rằng với nhiệt huyết và sức sáng tạo, anh sẽ đưa sơn mài Việt Nam vươn xa hơn”.

Chia sẻ về những dự định tương lai, họa sĩ Chu Nhật Quang tiết lộ, hiện anh đang thực hiện 20 bức tranh sơn mài khổ lớn với chủ đề về Bác Hồ và chiến thắng 30.4.1975, kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. 

“Tôi sẽ hoàn thiện 20 tác phẩm này trước ngày 30.4.2025 và mong muốn được triển lãm tại TP.HCM vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Quang nói.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc