Hòa nhạc mùa Đông:
Hoà quyện giữa nhạc thính phòng và âm nhạc dân tộc
VHO - Nằm trong chuỗi sự kiện Hà Nội concert, chương trình “Hòa nhạc mùa Đông” của Đài PT-TH Hà Nội đã chính thức diễn ra tại Nhà hát Lớn tối ngày 13.12.
Với những tác phẩm huyền thoại trong và ngoài nước cùng phần trình diễn của Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam và nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc, khán thính giả đã được đi qua những cung bậc cảm xúc vừa thương mến, vừa xúc động lại vừa ấm áp, tươi vui, sống động.
“Hòa nhạc mùa Đông” là sự kết hợp giữa những bản giao hưởng kinh điển giàu cảm xúc của thế giới với những làn điệu dân ca Việt Nam, những sáng tác của các tác giả Việt Nam trong các thời kỳ; là sự hoà quyện nhịp nhàng giữa những tác phẩm cho người lớn và thiếu nhi cùng những thông điệp về tình yêu, gia đình, cuộc sống qua góc nhìn của những người trẻ.
Chương trình được dẫn dắt bằng những bản nhạc say đắm lòng người qua phần trình diễn của Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO) gồm các thanh thiếu niên đa quốc tịch tuổi đời rất trẻ 12-22 tuổi, chỉ huy trưởng tài năng 9X - tiến sĩ Phan Đỗ Phúc và sự hỗ trợ của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, hợp xướng Bình Minh.
VYO là dàn nhạc giao hưởng trẻ nhất Việt Nam và họ đã thực sự mang tới Hoà nhạc mùa Đông những thanh âm mới, những bản hoà ca mới, những tinh thần mới đầy tiếng reo vui cho âm nhạc cổ điển.
Mở đầu là chương I trong bản “Concerto mùa Đông” dành cho violin của nhà soạn nhạc Vivaldi đưa khán thính giả tới không khí của mùa đông đầy khắc nghiệt và tinh thần và bản lĩnh của con người trước những thử thách của cuộc đời với phần trình diễn chào sân của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Âm hưởng thân thuộc, ấm áp của bài dân ca của Việt Nam "Hoa thơm bướm lượn" lần đầu ra mắt với âm thanh da diết của đàn dây đã khiến nhiều khán giả bất ngờ khi bắt gặp một làn điệu thân thuộc nhưng lại đầy màu sắc mới mẻ và cuốn hút.
“Eine kleine Nachtmusik K. 525” - một trong những tác phẩm phổ biến nhất của Wolfgang Amadeus Mozart cũng được vang lên trong “Hoà nhạc mùa Đông” khiến không ít khán thính giả xúc động đến vô cùng. Là tác phẩm gần gũi thân thuộc nhất của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo, "Một chút nhạc buổi đêm" đã được trình diễn hàng nghìn hàng triệu lần nhưng với lăng kính của những người trẻ tuổi, giai điệu cất lên vừa tinh tế, vừa kịch tính nhưng không kém phần sống động, hứng khởi, rung động lòng người.
Phần 2 mở đầu bằng tác phẩm “Đi xe trượt tuyết - Sleigh Ride” là tiểu phẩm đón giáng sinh đầy ắp năng lượng vô cùng thân thuộc với khán thính giả Việt Nam qua nhiều phiên bản khác nhau. Hoà nhạc mùa Đông mang tới phiên bản gốc của nhà soạn nhạc người Mỹ, Leroy Anderson với cách sử dụng âm sắc của các bộ nhạc cụ trong dàn nhạc một cách tài tình, mang đến không khí reo vui rộn ràng, sôi động mùa Giáng sinh.
Cùng chủ đề, “Petersburger Schlittenfahrt” (Đi xe trượt tuyết ở Petersburg) của nhà soạn nhạc người Đức - Richard Eilenberg lại là tác phẩm lần đầu tiên được công diễn ở Việt Nam cùng sự xuất hiện của một loạt những nhạc cụ bộ gõ vốn ít khi xuất hiện trong một dàn nhạc giao hưởng tiêu chuẩn. Tác phẩm mô phỏng âm thanh và cảm giác của một chuyến xe trượt tuyết ở vùng lạnh giá St. Petersburg, thủ đô cũ của Nga cùng giai điệu vui tươi, tiết tấu sống động, đã mang đến không khí lễ hội và cảm giác hứng khởi.
Cũng là mùa đông với mùa lễ hội, “The Waltzing Cat” của Leroy Anderson lại mang đến hình ảnh một góc nhỏ trong một căn nhà ấm áp trong đêm đông, hình tượng chú mèo nhảy múa bên bếp lửa được tác giả phác họa tài tình bởi bộ dây và kèn gỗ trong dàn nhạc.
Ca khúc gắn liền với tuổi thơ của nhiều trẻ em ở Đài Loan “Ilan Dance” của tác giả Lee Che Yi, vẽ khung cảnh một đoàn tàu hỏa đang chạy tới, và sự hân hoan của lũ trẻ mang tới không khí hết sức tươi trẻ, an lành và vui vẻ của buổi hoà nhạc.
“Xe chỉ luồn kim” - một trong những làn điệu đẹp nhất và thân thuộc nhất của dân ca Việt Nam, đã được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng tài tình phối khí cho dàn nhạc giao hưởng cho thấy sự giao thoa, hoà quyện tuyệt vời của âm nhạc thính phòng và âm nhạc dân tộc.
Loạt ca khúc cuối về thủ đô, về gia đình của nhiều tác giả Việt Nam cũng được khoác lên một chiếc áo mới, qua phần chuyển soạn tài tình của nhạc sĩ gốc Singapore, Alexander Oon như: “Người Hà Nội” (nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi), “Ru con mùa đông” (tác giả và chuyển soạn Đặng Hữu Phúc), tổ khúc gia đình bao gồm “Em là bông hồng nhỏ” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), “Cho con” (nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu), “Đời sống không già vì có chúng em” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)... mang đến khán thính giả những xúc cảm rộn rã về cuộc sống, về gia đình, về những ký ức… Phần trình diễn âm nhạc thính phòng có sự hỗ trợ của dàn Hợp xướng Bình Minh đã khiến khán phòng phải lắc lư theo những điệu nhạc.
Đặc biệt phần trình diễn ca khúc “Reo vang bình minh” (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) cùng âm hưởng reo vui, trong trẻo khiến khán thính giả vỗ tay không ngớt. Đúng như tinh thần của tác phẩm, "Reo vang bình minh" mang đến những nguồn năng lượng tích cực, đầy hứng khởi và niềm tin về ngày mới - cũng chính là những thông điệp mà Hoà nhạc mùa đông muốn gửi gắm tới đông đảo người thưởng thức.
Kết thúc buổi hoà nhạc “Hát dưới trời Hà Nội” (nhạc sĩ Phạm Tuyên) cũng là lời gửi gắm đầy ý nghĩa của chương trình gửi gắm.
Có thể nói, “Hoà nhạc mùa Đông” thông qua âm nhạc thính phòng đã tạo được những giá trị kết nối giữa các thế hệ, đưa những thanh âm trong trẻo và hứng khởi của những người trẻ chinh phục đông đảo những người yêu âm nhạc.
Nhà báo Nguyễn Kim Khiêm, Tổng giâm đốc Đài PTTH Hà Nội chia sẻ: “Từng nốt nhạc, từng giai điệu được chăm chút tỉ mỉ, không chỉ phản ánh niềm đam mê mãnh liệt của các nghệ sĩ trẻ mà còn gửi gắm một nguồn cảm hứng ngập tràn về tình yêu âm nhạc. Với năng lượng ấy, Hoà nhạc mùa Đông với những tác phẩm âm nhạc ấm áp và đầy sức sống đã thắp sáng những ngày đông đẹp đẽ của Hà Nội.
Ngoài việc tôn vinh âm nhạc đỉnh cao, chuỗi chương trình Ha Noi Concert của Đài Hà Nội đã mang âm nhạc hàn lâm ngày càng đến gần hơn nữa với khán giả, lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển đến cộng đồng”.